GIỚI THIỆU
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH BẮC KẠN QUA CÁC THỜI KỲ
Để ghi lại những trang sử vẻ vang và hào của ngành giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn, nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, tinh thần anh dũng lao động và chiến đấu của ngành giao thông vận tải tỉnh cho các thế hệ hôm nay và mai sau; đồng thời sử dụng làm công cụ tra cứu, tham khảo giúp các cấp lãnh đạo hoạch định các chủ trương, chính sách, xây dựng các chương trình, mục tiêu về giao thông vận tải; từ đó khơi dậy nguồn sức mạnh nội lực của nhân dân, của ngành giao thông vận tải phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện địa hóa trên địa bàn của tỉnh và khu vực Việt Bắc. Đảng uỷ, Ban Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn tiến hành sưu tầm tư liệu, “Lịch sử Ngành Giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn.
Đảng uỷ, Ban Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn xin chân thành cảm ơn các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ lãnh đạo của Sở qua các thời kỳ, các Trung tâm lưu trữ của Trung ương và địa phương… đã tận tình giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tư liệu được hoàn thành!
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI, TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC VÀ ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG
I. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng
Bắc Kạn là tỉnh miền núi vùng cao, nằm ở toạ độ từ 21052' đến 2308' vĩ độ Bắc và từ 105026' đến 106015' kinh độ đông. Tính theo chiều Bắc - Nam, tỉnh Bắc Kạn có chiều dài khoảng 150km. Tính theo chiều Đông - Tây, tỉnh Bắc Kạn có chiều rộng khoảng 100km. Trung tâm tỉnh lỵ cách Thủ đô Hà Nội 170km về phía Bắc theo đường quốc lộ số 3 (Hà Nội - Cao Bằng). Phía Bắc tỉnh Bắc Kạn giáp tỉnh Cao Bằng, phía Nam giáp tỉnh Thái Nguyên, phía Đông giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang. Tỉnh Bắc Kạn có vị trí địa lý, chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội quan trọng mà lịch sử hình thành gắn liền với quá trình dựng nước, giữ nước của nhân dân các dân tộc Việt Bắc và của dân tộc ta.
Theo các nguồn sử liệu cũ: Thời kỳ các vua Hùng dựng nước, vùng đất Bắc Kạn thuộc bộ Vũ Định, một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang. Thời kỳ Bắc thuộc từ năm 179 (TCN) đến thế kỷ thứ X (SCN), vùng đất Bắc Kạn thuộc các đơn vị hành chính: Quận Giao Chỉ, Giao Châu, Châu Long, Châu Vũ Nga.[1]
Từ thế kỷ thứ X, ông cha ta khôi phục lại nền độc lập tự chủ của đất nước. Qua các triều đại Nhà nước phong kiến Đại Việt hùng cứ một phương: Triều Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn vùng đất Bắc Kạn thuộc các đơn vị hành chính châu, trấn, phủ, xứ, tỉnh Thái Nguyên[2]. Đầu thế kỷ XIX, theo cuốn sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra), vùng đất Bắc Kạn thuộc phủ Thông Hoá, xứ Thái Nguyên, bao gồm huyện Cảm Hoá và châu Bạch Thông với 15 tổng, 99 xã, thôn, phường, phố, trang, xưởng.
Ngày 01-9-1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Cùng với việc mở rộng địa bàn chiếm đóng, thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn tiếp tục cắt và xáo trộn các tỉnh, khu vực để hình thành các trung tâm cai trị mới. Theo cuốn sách "Đồng Khánh Dư địa chí" (1886 - 1888), vùng đất tỉnh Bắc Kạn thuộc phủ Thông Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Phủ Thông Hoá có huyện Cảm Hoá và châu Bạch Thông với 13 tổng, 86 xã, trang.
Năm 1888, thực dân Pháp cho quân đánh chiếm vùng đất Bắc Kạn, ngày 11-4-1900, chúng tách phủ Thông Hóa, phần đất thuộc huyện Cảm Hoá và châu Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn ngày nay) để thành lập tỉnh Bắc Kạn, gồm 4 châu: Bạch Thông, Chợ Rã. Ngân Sơn, Na Rì. Tháng 6-1901, thực dân Pháp tách tổng Yên Đĩnh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên sáp nhập vào châu Bạch Thông. Tháng 7-1901, thị xã Bắc Kạn được thành lập, vừa là tỉnh lỵ của tỉnh Bắc Kạn vừa là châu lỵ châu Bạch Thông. Năm 1916, chúng tách một số tổng của châu Chợ Rã, tổng Nghĩa Tá, châu Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên để thành lập châu Chợ Đồn. Từ đó đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, tỉnh Bắc Kạn có thị xã Bắc Kạn và 5 châu: Ngân Sơn, Na Rì, Chợ Rã, Bạch Thông, Chợ Đồn.
Sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc, từ năm 1954 đến nay, địa giới hành chính và dân số ở tỉnh Bắc Kạn cũng có nhiều thay đổi.
Với mục đích phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh đáp ứng với tình hình mới, ngày 21-4-1965, thực hiện Quyết định số 103/NQ-TVQH của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, tỉnh Bắc Kạn hợp nhất với tỉnh Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái. Ngày 29-12-1978, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VI, kỳ họp thứ 4, huyện Ngân Sơn và huyện Chợ Rã của tỉnh Bắc Thái (phần đất thuộc tỉnh Bắc Kạn) được sáp nhập vào tỉnh Cao Bằng.
Ngày 6-11-1996, Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 10 phê chuẩn việc tách và thành lập lại các tỉnh. Tỉnh Bắc Thái chia thành hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên. Ngày 1-1-1997, tỉnh Bắc Kạn chính thức đi vào hoạt động gồm 6 đơn vị hành chính cấp huyện: thị xã Bắc Kạn và các huyện Ngân Sơn, Ba Bể [3], Bạch Thông, Chợ Đồn, Na Rì (2 huyện Ngân Sơn, Ba Bể do tỉnh Cao Bằng chuyển giao lại). Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Bắc Kạn, toàn tỉnh có diện tích 4.895,71km2 với 268.047 người.
Để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời nhằm mục đích phát triển kinh tế xã hội, tăng cường khả năng công tác quốc phòng - an ninh của tỉnh trong tình hình mới, ngày 6-7-1998, thực hiện Nghị định số 46/1998/NĐ-CP của Chính phủ, huyện Chợ Mới được thành lập gồm 15 xã và thị trấn Chợ Mới của huyện Bạch Thông được tách ra. Tiếp đó, ngày 28-5-2003, huyện Pác Nặm được thành lập theo Nghị định số 56/2003/CP của Chính phủ, gồm 10 xã của huyện Ba Bể được tách ra. Đến nay, tỉnh Bắc Kạn có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: Thành phố Bắc Kạn[4], huyện Ngân Sơn, Pác Nặm, Ba Bể, Chợ Đồn, Bạch Thông, Na Rì, Chợ Mới.
Địa hình tự nhiên của tỉnh Bắc Kạn khá phong phú, có rừng núi, đồi cao, đồi thấp, sông suối, khe lạch đan xen với những cánh đồng nhỏ mầu mỡ, bản làng, phố xá đông vui. Toàn tỉnh có độ cao trung bình từ 500-700m so với mực nước biển, thấp dần về hướng nam, độ dốc trung bình từ 5-100.
Phần lớn diện tích của tỉnh là rừng núi, đồi đất, đá; Nửa phần phía tây có dãy núi Phja Bjoóc (núi Cứu quốc) chạy suốt từ phía Bắc đến phía Nam (qua các huyện Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn) có độ cao trung bình khoảng 1.000m, trong đó có ngọn núi Phja Iểng cao 1.554m. Phía Đông - Nam, phần đất thuộc huyện Na Rì có nhiều dãy núi đá vôi với diện tích khoảng 200km2, trong đó có ngọn Pia Ngôm cao 1.192m. Nhìn tổng thể, diện tích các núi đá vôi được phân bố hầu như đều khắp các huyện, thành trong tỉnh, có trữ lượng lên tới hàng tỷ mét khối. Đây là nguồn nguyên vật liệu tại chỗ dồi dào, bảo đảm phục vụ đắc lực cho các hoạt động xây dựng các công trình giao thông của tỉnh và trong khu vực.
Hệ thống sông, suối, khe lạch, hồ, ao ở tỉnh có mật độ khá dày đặc, phân bổ tương đối đều khắp ở các huyện, thành. Điển hình như: Sông Cầu, sông Bắc Giang, sông Năng, hồ Ba Bể và các suối, khe lạch có nguồn thuỷ năng và cát, sỏi dồi dào, tạo nhiều thuận lợi cho nhu cầu sinh hoạt, lao động sản xuất, xây dựng của nhân dân. Tuy nhiên, do địa hình có nhiều núi cao, vực sâu hiểm trở, nhiều sông, suối chia cắt nên việc xây dựng, mở mang hệ thống giao thông đường bộ và bảo đảm giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh thường gặp nhiều khó khăn, nhất là giao thông đến các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng rẻo cao.
Nằm giữa vùng rừng núi và có mạng lưới sông, suối, khe, lạch, cùng nhiều hồ ao nên khí hậu ở Bắc Kạn khá mát mẻ; nhiệt độ bình quân năm từ 200-250; mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10, mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau; lượng mưa bình quân năm khoảng từ 1.500 - 2000mm và thường tập trung về mùa nóng từ 80 - 90%. Đặc biệt, những cơn mưa lũ đầu nguồn thường gây ra các hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ… làm ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến lao động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và môi trường sinh thái.
Đến năm 2014, tỉnh Bắc Kạn có 104.638 ha đất sản xuất nông nghiệp, 375.337 ha đất lâm nghiệp có rừng, trong đó có 245.836ha rừng sản xuất. Độ che phủ rừng toàn tỉnh chiếm 70,8%. Đất nông nghiệp chủ yếu trồng lúa, ngô, sắn, khoai, đậu, lạc, vừng… kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản. Tuy còn mang tính tự cung, tự cấp nhưng đây thực sự là nguồn hậu cần tại chỗ vững chắc của nhân dân, lực lượng vũ trang và Ngành giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn trong cả thời bình và thời chiến.
Từ những hoạt động thực tiễn của con người trong quá trình dựng nước và giữ nước, dân cư, dân số ở tỉnh Bắc Kạn ngày càng đông đúc, phồn thịnh. Đầu thế kỷ XX (1930) dân số ở Bắc Kạn có trên 53.000 người. Đầu thế kỷ XXI (2014) dân số trong tỉnh có 308.310 người, mật độ dân số 63,45 người/km2. Gồm 7 dân tộc chính: Tày, Kinh, Dao, Nùng, Mông, Sán Chí, Hoa,…, trong đó dân tộc Tày chiếm 60%, dân tộc Kinh chiếm 19%, các dân tộc khác chiếm khoảng 20%. Đồng bào các dân tộc sinh sống xen kẽ với nhau, thông hiểu phong tục, tập quán sinh hoạt của nhau với những quan hệ họ hàng, thân tộc, bản làng mang đậm tính chất của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Nơi đây, dù là người bản địa hay là người nơi khác đến sinh cơ lập nghiệp, đồng bào luôn đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhau trong lao động sản xuất, trong đấu tranh với thiên nhiên và địch hoạ để xây dựng cuộc sống và bảo vệ quê hương. Trong quá trình đó, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường đấu tranh chống quân xâm lược, ý thức về một quốc gia độc lập, tự chủ, thống nhất của đồng bào các dân tộc Bắc Kạn nói riêng và của dân tộc Việt Nam ngày càng được tăng cường và khẳng định.
Ngày 1- 9-1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Từ trung tuần tháng 12-1888 đến năm 1895, thực dân Pháp cho quân đánh chiếm và bình định cơ bản xong khu vực Bắc Kạn. Vùng đất Thị xã Bắc Kạn lúc đó vừa là châu lỵ của huyện Bạch Thông, vừa là nơi chúng đặt bộ máy thống trị khu vực phía Bắc tỉnh Thái Nguyên.
Dưới ách thống trị hà khắc của chính quyền thực dân phong kiến, nhân dân các dân tộc Bắc Kạn luôn đoàn kết, liên tiếp đứng lên đấu tranh chống lại chúng. Tuy các cuộc nổi dậy chống lại sự thống trị của chế độ thực dân, phong kiến chưa thành công nhưng đã góp phần quan trọng hun đúc thêm lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn.
Ngày 03-2-1930, Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập đã đảm nhận sứ mệnh lịch sử lãnh đạo, tổ chức nhân dân ta chống thực dân xâm lược, giành độc lập tự do.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, phong trào cách mạng trong tỉnh từng bước được xây dựng và phát triển rộng khắp. Cuối tháng 9-1943, tại xã Thượng Ân, châu Ngân Sơn, Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của huyện Ngân Sơn và của tỉnh Bắc Kạn mang tên chi bộ Chí Kiên được thành lập. Từ đó, phong trào xây dựng lực lượng cách mạng và đấu tranh của nhân dân Bắc Kạn chống thực dân Pháp ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và toàn diện.
Năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến thuận lợi cho phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Ngày 9-5-1945, phát xít Đức đầu hàng Liên Xô và lực lượng Đồng Minh. Ngày 14-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng Liên Xô và lực lượng Đồng Minh. Giữa lúc đó, từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang đã quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 16-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi "Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa" cho quân và dân cả nước.
Thi hành lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng của Đảng và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với quân và dân cả nước, các đơn vị Giải phóng quân, các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã nhất tề nổi dậy xoá bỏ chính quyền của địch, thành lập và ra mắt chính quyền cách mạng của nhân dân.
Ngày 25-8-1945, tại sân bay Bắc Kạn, Tỉnh uỷ, Tỉnh bộ Việt Minh, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh đã tổ chức cuộc mít tinh lớn với sự tham gia của hàng nghìn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân chào mừng tỉnh Bắc Kạn đã giành được chính quyền về tay nhân dân.
II. Khái quát một số nét về hệ thống đường giao thông và công tác bảo đảm giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Dưới thời phong kiến và kể từ thời nhà Nguyễn, vào đầu thế kỷ XIX, vùng đất Bắc Kạn thuộc phủ Thông Hoá, xứ Thái Nguyên. Phủ Thông Hoá gồm có huyện Cảm Hoá và châu Bạch Thông, phủ lỵ Thông Hoá đặt tại xã Phương Linh, tổng Phương Linh, huyện Cảm Hoá, cách tỉnh thành Thái Nguyên 234 dặm[5] (105,3 km) về phía Tây Bắc. Về mặt địa giới, của phủ Thông Hoá từ phía Bắc đến phía Nam cách nhau 283 dặm (127,3 km), từ phía Đông đến phía Tây cách nhau 334 dặm (150,3 km)
Hệ thống đường giao thông từ phủ lỵ đi các nơi bé nhỏ, gồm 4 trục đường chính như: xuống phía Nam đến châu Bạch Thông 41 dặm (khoảng 18,4km), đi đồn Chợ Mới xuống thành Thái Nguyên, sang phía Đông đến Lạng Sơn, phía Tây sang Tuyên Quang, phía Bắc lên Cao Bằng. Các hoạt động bảo đảm vận tải chủ yếu bằng gồng gánh, mang vá, ngựa thồ và xe trâu.
Cuối thế kỷ XIX, theo cuốn sách Đồng Khánh Dư địa chí (1886 - 1888) vùng đất Bắc Kạn vẫn thuộc phủ Thông Hoá, tỉnh Thái Nguyên gồm huyện Cảm Hoá và châu Bạch Thông, phủ lỵ phủ Thông Hoá đặt tại xã Phương Linh, tổng Phương Linh, huyện Cảm Hoá. Hệ thống đường giao thông từ phủ lỵ Thông Hoá đi các nơi chỉ đi bộ và đi ngựa, gồm có:
- Một đường nhỏ đi đến lũy Chợ Rã thông sang châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, dài 120 dặm (khoảng 54km).
- Một đường nhỏ đi lên phía Bắc qua tổng Hà Hiệu (châu Bạch Thông) sang luỹ Chợ Rã đến mỏ Bằng Thành (xã Bằng Thành, tổng Hà Hiệu) dài 105 dặm (47,2km).
- Một đường nhỏ xuống phía Nam qua châu Bạch Thông đến đồn Chợ Mới, thông sang huyện Phú Lương, dài 120 dặm (54km)
- Một đường nhỏ đi về phía Đông qua tổng Lương Thượng (huyện Cảm Hoá) đến luỹ Xuân Dương, xã Xuân Dương, tổng Lương Hạ, huyện Cảm Hoá (nay thuộc huyện Na Rì), thông sang tỉnh Lạng Sơn, dài 350 dặm (157,5km)
- Một đường nhỏ đi về phía Tây qua tổng Đông Viên, tổng Nhu Viễn (nay thuộc huyện Chợ Đồn), châu Bạch Thông sang tỉnh Tuyên Quang, dài 150 dặm (67,5km)
- Một đường nhỏ đi về phía Tây xã Chu Hương, tổng Hà Hiệu, châu Bạch Thông, dài 15 dặm (6,75km)
- Một đường nhỏ đi về phía Nam qua xã Tòng Lệnh, tổng Phương Linh, huyện Cảm Hoá đến giáp giới châu Bạch Thông, dài 20 dặm (9km)
- Một đường nhỏ đi về phía Đông, qua xã Sĩ Bằng, tổng Lương Thượng, huyện Cảm Hoá (nay thuộc huyện Bạch Thông) đến xã Cư Lễ, tổng Lương Hạ (nay thuộc huyện Na Rì) thông sang Thất Khê, tỉnh Lạng Sơn, dài 240 dặm (108km)
- Một đường nhỏ từ xã Sĩ Bằng, tổng Lương Thượng (qua xã Hạ Quan, tổng Hạ Quan) huyện Cảm Hoá, thông sang giáp châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, dài 105 dặm (47,2km)
Tổng chiều dài đường giao thông bộ từ phủ lỵ Thông Hoá kiêm huyện lỵ huyện Cảm Hoá đi các nơi trong tỉnh: 1.230 dặm (553,5km)
Ngoài ra, còn một số đường giao thông nhỏ từ xã Dương Quang, châu lỵ Bạch Thông (nay là xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn) đi các nơi có chiều dài khoảng 300 dặm (135km). Hệ thống cầu cống hầu như không có.
Phương tiện vận tải thời kỳ này do người gồng gánh, mang vác bộ và ngựa thồ. Một số nơi như Hồ Ba Bể, một số đoạn Sông Cầu, sông Năng, sông Bắc Giang…, đồng bào thường dùng thuyền, mảng chuyên chở các hàng hoá, chủ yếu là nông lâm thổ sản để trao đổi, buôn bán.
Những năm đầu thế kỷ XX, hệ thống giao thông vận tải đường bộ ở Bắc Kạn, chủ yếu tuyến đường chính từ Thái Nguyên - Chợ Mới - Bắc Kạn - Nguyên Bình - thị xã Cao Bằng đã được mở rộng. Quân lính và dân phu mang vác bộ, ngựa và trâu thồ đi lại đã thuận lợi hơn.
Để phục vụ cho sự cai trị, đàn áp các cuộc nổi dậy khởi nghĩa của nhân dân và tiến hành chính sách khai thác thuộc địa, thực dân Pháp tăng cường bắt lính, bắt phu người Bắc Kạn và cả người miền xuôi đưa lên xây dựng các công trình quân sự, đồn bốt, mở mang hệ thống giao thông đường bộ trong tỉnh và nối thông với các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang.
Khoảng từ năm 1917, thực dân Pháp chiêu mộ dân phu mở rộng đường số 3A từ Thái Nguyên - Bắc Kạn - Nguyên Bình - thị xã Cao Bằng đi cửa khẩu Phục Hoà, huyện Quảng Hoà. Trong đó có tuyến đường từ đỉnh đèo Phia Đén (Nguyên Bình) đi mỏ thiếc Tĩnh Túc (huyện Bảo Lạc – Hay Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Năm 1926, thực dân Pháp tiếp tục chiêu mộ dân phu mở đường 3B từ ngã 3 Nà Phặc - Ngân Sơn - Bằng Khẩu - đèo Cao Bắc - thị xã Cao Bằng. Mặt đường quốc lộ 3A và 3B rộng khoảng 3 - 4m, nhiều cầu, cống bằng sắt, xi măng, gỗ được xây dựng như: cầu Ổ Gà (Chợ Mới), cầu phà thị xã Bắc Kạn, cầu Nà Cù (xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông), cầu Hà Hiệu (xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể), cầu Ngân Sơn (huyện Ngân Sơn), xe ô tô quân sự và xe ô tô vận tải hạng nhẹ đi lại được. Năm 1930, thực dân Pháp tổ chức xây dựng đường từ Phủ Thông - Chợ Rã dài khoảng 50km, mặt đường rộng từ 3 - 4m. Năm 1935, thực dân Pháp chiêu mộ dân phu xây dựng sân bay Bắc Kạn, đến năm 1940 thì hoàn thành.
Ngoài ra, một số tuyến đường bộ đi các châu lỵ Na Rì, Chợ Rã, Chợ Đồn cũng được mở rộng, mặt đường rộng từ 2 - 3m.
Tính đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, hệ thống đường bộ ở Bắc Kạn gồm có:
- Đường quốc lộ: (xe ô tô quân sự và vận tải hạng nhẹ đi lại được)
+ Quốc lộ 3A: từ Chợ Mới - thị xã Bắc Kạn - Nà Phặc - Nguyên Bình - thị xã Cao Bằng, dài khoảng 200km.
+ Quốc lộ 3B: từ ngã 3 Nà Phặc - Ngân Sơn - Đèo Cao Bắc - thị xã Cao Bằng, dài gần 100km.
- Đường tỉnh lộ: (đường nhỏ, trâu ngựa thồ và người đi bộ)
+ Đường từ Chợ Mới - Bình Văn - Yên Cư - Bảng Gỗ (Xuân Dương) đi Yến Lạc - huyện lỵ Na Rì, dài khoảng 100km.
+ Đường từ thị xã Bắc Kạn - Chợ Đồn, dài khoảng 50km
+ Đường từ Phủ Thông - Chợ Rã, dài khoảng 50km. (xe ô tô hạng nhẹ đi lại được).
+ Đường từ Nà Phặc - Ngân Sơn đi qua xã Hà Hiệu - Chợ Rã dài khoảng 30km.
Ngoài ra, còn một số con đường không mang tên do quan lại địa phương bắt dân chúng mở mang để đi lại xuống các tổng thu thuế, bắt phu, bắt lính, tuần phòng…Phương tiện vận tải thời kỳ này do người đi bộ gồng gánh, mang vác là chủ yếu, còn lại là dùng trâu và ngựa thồ. Từ đầu những năm 1930, ở Bắc Kạn có thêm phương tiện đi lại và vận tải bằng xe đạp (khoảng vài chục chiếc) do người Pháp mang sang. Xe do trâu và ngựa kéo để vận chuyển hàng hoá đã được sản xuất và sử dụng ở thị xã Bắc Kạn nhưng không nhiều, chủ yếu đi lại trên quốc lộ 3A, 3B và những cung đường ngắn quanh khu vực thị xã.
Để tổ chức xây dựng và quản lý hạ tầng cơ sở, từ khi thực dân Pháp thành lập tỉnh, ở Bắc Kạn có Sở Công chính bao gồm các cơ quan phụ trách giao thông, thuỷ lợi và xây dựng cơ bản. Nhiệm vụ chính của Sở công chính Bắc Kạn là:
- Tổ chức, xây dựng và quản lý cầu, đường bộ, nhưng việc xây dựng cầu, đường bộ thường là giao cho các nhà thầu khoán.
- Thiết kế, chỉ đạo và giám sát xây dựng các công sở (chủ yếu là ở thị xã Bắc Kạn)
- Kiểm soát, cấp giấy phép cho tư nhân kinh doanh vận tải.
Nhìn chung, dưới thời Pháp thuộc, để phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa và đàn áp phong trào nổi dậy khởi nghĩa của nhân dân, hệ thống giao thông vận tải đường bộ và cơ quan phụ trách giao thông vận tải đường bộ ở Bắc Kạn được dân Pháp chú trọng tổ chức xây dựng. Từ những năm 1920, phương tiện giao thông bằng ô tô đã được sử dụng trên quốc lộ 3A, 3B từ Thái Nguyên qua Bắc Kạn lên Cao Bằng. Cho đến trước Cách mạng tháng Tám, ở Bắc Kạn có 2 hãng xe tư nhân vận chuyển hành khách và hàng hoá. Hãng Vĩnh Phát, xe màu xanh có khoảng 3 - 5 ô tô. Hãng Xít -đờ -ca, xe màu vàng có khoảng 3 - 5 ô tô.
Là địa bàn miền núi đất rộng, người thưa, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, ý chí kiên cường, anh dũng đấu tranh với thiên nhiên và địch hoạ của nhân dân các dân tộc Bắc Kạn đã kết tinh thành những giá trị truyền thống quý báu.
Từ ngày có sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, những giá trị truyền thống quý báu của nhân dân các dân tộc Bắc Kạn ngày càng được phát huy, phát triển mạnh mẽ trong đấu tranh chống chế độ thực dân, phong kiến, tiến tới Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Những giá trị truyền thống quý báu đó và các yếu tố về điều kiện tự nhiên đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1945 - 1954)
I. Ngành Giao thông công chính Bắc Kạn cùng với nhân dân xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng, chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp (9/1945 - 9/1947).
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đây là Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông nam Châu Á, một Quốc gia độc lập, tự do, có chính quyền từ Trung ương đến cơ sở và quản lý toàn bộ lãnh thổ.
Song, nền độc lập, tự do của một quốc gia vừa mới giành được đã phải đương đầu với muôn vàn những khó khăn, thử thách hết sức nghiêm trọng về kinh tế - xã hội và kẻ thù xâm lược. Tình thế của đất nước ta lúc này như "Ngàn cân treo sợi tóc" .
Trước tình hình đó, Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng bộ Việt Minh đã phát động 3 cuộc vận động lớn là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm.
Để bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, Ngày 28-8-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra lời tuyên cáo và công bố Chính phủ lâm thời gồm: Chủ tịch kiêm ngoại giao là ông Hồ Chí Minh và 14 bộ. Cùng ngày, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Nghị định số 41 thành lập Bộ giao thông công chính (nay là Bộ giao thông vận tải) do ông Đào Trọng Kim làm Bộ trưởng. Sau này, ngày 28-8 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của Ngành giao thông vận tải Việt Nam.
Ở Bắc Kạn, cùng với nhiệm vụ củng cố, bảo vệ chính quyền cách mạng lâm thời, các ban, ngành trực thuộc Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Bắc Kạn cũng nhanh chóng được tổ chức và kiện toàn đội ngũ cán bộ. Khoảng tháng 9-1945, Ty Giao thông công chính Bắc Kạn được thành lập có khoảng 3 - 4 cán bộ, nhân viên, do ông La Đình Thuận làm Trưởng ty. Nhiệm vụ chủ yếu của Ty Giao thông công chính Bắc Kạn thời kỳ này là đề xuất, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh một số chủ trương về quản lý, khôi phục, sửa chữa nâng cấp cầu đường số 3 từ Chợ Mới đi Cao Bằng; mở rộng các đường liên huyện, xã, phương tiện vận tải chính là xe ngựa, xe trâu, xe bò, xe cút kít chở lương thực, muối… phục vụ nhu cầu cứu đói cho nhân dân trong tỉnh.
Sau Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá I thành công, ngày 2-3-1946, Quốc hội họp phiên đầu tiên thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm 10 bộ, do ông Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Bộ Giao thông công chính do ông Trần Đăng Khoa làm Bộ trưởng.
Để đáp ứng yêu cầu cuộc kháng chiến chống thực dân pháp, ngày 25-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34/SL quy định tổ chức Bộ Quốc phòng. Trong các Cục chuyên môn có Công chính giao thông cục, do đồng chí Nguyên Duy Thanh làm Cục trưởng. Điều 16 trong Sắc lệnh quy định: Công Chính giao thông cục có nhiệm vụ tổ chức và thi hành việc vận tải, thông tin, vẽ đồ bản và tổ chức công binh vào việc chuyên môn: xây dựng, sửa chữa cầu cống, đường sá, máy móc. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của lực lượng giao thông vận tải, thông tin liên lạc của Quân đội, trở thành lực lượng nòng cốt cùng với lực lượng giao thông vận tải toàn dân thực hiện nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải, thông tin liên lạc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 1946, ở Bắc Kạn, Ty Giao thông công chính và lực lượng bảo đảm giao thông vận tải, thông tin liên lạc tuy mới được xây dựng nhưng đã khắc phục mọi khó khăn, tham mưu cho Uỷ ban hành chính tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung lực lượng sẵn sàng bảo đảm giao thông vận tải, thông tin liên lạc chuẩn bị kháng chiến.
Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Việt Bắc "Cái nôi" của Cách mạng tháng Tám, Khu giải phóng cũ nay lại vinh dự được Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm căn cứ địa, trung tâm lãnh đạo, tổ chức quân và dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi".
Đầu năm 1947, từ ngày 12 đến ngày 16-1-1947, tại xã Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông, Hội nghị quân sự lần thứ nhất do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng và đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì nhận định: Với viện binh đang kéo tới, quân Pháp sẽ mở cuộc phản công và tiến công. Nhiệm vụ chính của chúng ta là bảo toàn chủ lực, duy trì sức chiến đấu của bộ đội, triệt để tiêu thổ kháng chiến, phá hoại đường sá, nhà cửa, làm vườn không nhà trống, xây dựng các đội quân đặc biệt như đội cảm tử diệt xe tăng, đội đánh địa lôi… để ngăn chặn bước tiến của địch. Tiếp đó, ngày 16-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi đồng bào cả nước phá hoại để kháng chiến". Người nêu rõ: "… Phá cho rộng, phá cho sâu, phá sao cho quân Pháp không lợi dụng được. Một nhát quốc của đồng bào cũng như một viên đạn của người chiến sĩ bắn vào quân địch vậy…".
Thực hiện các chỉ thị của Trung ương Đảng và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "Tiêu thổ kháng chiến", ngay từ cuối năm 1946, Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến tỉnh([6]) đã chỉ đạo thành lập Ban phá hoại cấp tỉnh, gồm phần lớn là những cán bộ, nhân viên Ty Giao thông công chính Bắc Kạn. Đầu năm 1947, các huyện Bạch Thông, Ngân Sơn đã thành lập Ban phá hoại cấp huyện. Một số khu vực trọng điểm như: Chợ Mới, thị xã Bắc Kạn, Phủ Thông, Nà Phặc, phố Ngân Sơn đã thành lập Ban phá hoại cấp xã.
Theo chủ trương của Tỉnh uỷ và Uỷ ban kháng chiến tỉnh, công tác phá hoại trên địa bàn tỉnh được chia làm 3 bước.
Bước 1: Phá hoại các công trình nhà cửa kiên cố, công sở, đồn bốt cũ của địch.
Bước 2: Phá hoại các nhà cao tầng, các công trình công cộng. Trong bước 1 và bước 2 vận động nhân dân vừa phá hoại, tiêu thổ kháng chiến, vừa tích cực thực hiện "vườn không nhà trống"
Bước 3: Phá hoại toàn bộ
Song do Bắc Kạn là tỉnh nằm sâu trong vùng căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc, là một trong những tỉnh An toàn khu nên trên địa bàn của tỉnh, đặc biệt là khu vực thị xã Bắc Kạn ngày càng có nhiều cơ quan, kho tàng, công xưởng của Trung ương di chuyển đến ở và làm việc. Bên cạnh đó, hàng vạn đồng bào một số các tỉnh miền xuôi tản cư về nên cuộc sống ở thị xã trở lên khá đông vui, nhộn nhịp, đường phố tấp nập người, xe cộ đi lại, các sinh hoạt thời sự, văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên diễn ra rất sôi nổi, thị xã đã được mệnh danh là " Thủ đô kháng chiến". Vì vậy, đến cuối tháng 8-1947, công tác phá hoại, tiêu thổ kháng chiến ở Bắc Kạn mới được tiến hành triệt để và rộng khắp, nhất là trên đường quốc lộ số 3 và ở các vùng nông thôn.
Tính đến cuối tháng 9-1947, ở các khu vực Chợ Mới, thị xã Bắc Kạn, ngã 3 Phủ Thông, ngã 3 Nà Phặc, phố Ngân Sơn, Chợ Đồn, Chợ Rã, Na Rì, lực lượng giao thông vận tải của tỉnh, lực lượng dân quân du kích tự vệ và nhân dân đã dỡ bỏ hoặc phá huỷ hầu hết các đồn bốt, nhà cửa công cộng cũ của địch và nhiều nhà cửa của nhân dân ở ven đường quốc lộ số 3, đường đi Chợ Đồn, Chợ Rã. Ở một số bản làng đông dân cư ven đường quốc lộ, đường liên huyện, lực lượng dân quân du kích, tự vệ đã hướng dẫn và cùng nhân dân vận chuyển lương thực, tài sản, trâu bò, người già, trẻ nhỏ vào sâu trong rừng, triệt để thực hiện "Vườn không nhà trống".
Để ngăn chặn bước tiến quân của địch, trên đường quốc lộ số 3A, 3B, đoạn từ Chợ Mới đến đèo Cao Bắc và từ ngã 3 Nà Phặc đi Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, một số đường giao thông liên châu, xã, Ban phá hoại và Uỷ ban kháng chiến tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức huy động hàng vạn công lao động của Ngành giao thông vận tải và giao thông vận tải nhân dân phá huỷ, đánh sập hầu hết các cầu, cống, đào các đường hào rộng 2m, sâu 1m cắt ngang mặt đường, dựng nhiều chướng ngại vật tại hàng trăm điểm, đoạn đường ở các vị trí xung yếu như: Chợ Mới, Nông Hạ, Cao Kỳ, Xuất Hoá, Đèo Giàng, Đèo Gió…
Cùng với việc tập trung lực lượng phá hoại đường sá, cầu cống, tạo chướng ngại vật ngăn cản quân địch, Ngành giao thông vận tải của tỉnh còn cùng với lực lượng giao thông vận tải nhân dân tập trung hàng nghìn công và hàng trăm phương tiện vận tải thô sơ như: Trâu, ngựa kéo, thồ… vận chuyển hàng hoá, lương thực, máy móc, tài liệu của các cơ quan và nhân dân đến những nơi an toàn.
Để bảo đảm thông tin liên lạc, Ngành giao thông vận tải tỉnh đã tích cực cùng với lực lượng dân quân du kích, tự vệ thành lập các tổ, trạm thông tin chạy bộ từ tỉnh xuống châu, xã và ngược lại để truyền đạt tài liệu, công văn, đón, dẫn đường cho cán bộ đi làm nhiệm vụ.
Nhìn chung, các hoạt động giao thông vận tải, thông tin liên lạc của Đảng bộ, quân và dân Bắc Kạn thời kỳ đầu cuộc kháng chiến và "Sửa soạn phá những cuộc tấn công lớn của địch" chủ yếu là đẩy mạnh các hoạt động phá hoại đường sá, cầu cống, tạo chướng ngại vật, phá huỷ nhà cửa, xây dựng công sự trận địa, sẵn sàng chiếu đấu bảo vệ căn cứ địa kháng chiến. Tuy nhiên, công tác phá hoại, tiêu thổ kháng chiến ở một số nơi như: Thị xã Bắc Kạn, phố Chợ Đồn, Chợ Rã, Na Rì và nhiều bản đông dân cư ở xa đường quốc lộ, tỉnh lộ triển khai còn chậm, không triệt để.
II. Ngành Giao thông vận tải Bắc Kạn cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu giải phóng quê hương (10/1947-8/1949)
Với bản chất hiếu chiến và xâm lược, thực dân Pháp ngày càng tăng cường các hoạt động quân sự thực hiện chiến lược "Đánh nhanh, thắng nhanh" ra nhiều vùng, tỉnh trên phạm vi cả nước.
Thu - Đông năm 1947, từ ngày 7-10 đến ngày 22-12-1947, thực dân Pháp tập trung hơn một vạn quân chia làm 3 hướng tấn công vào căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc. Nhằm tiêu diệt cơ quan lãnh đạo Trung ương và bộ đội chủ lực của ta, chặn đứng tiếp tế và liên lạc của ta với bên ngoài, phá hoại kinh tế và tàn sát nhân dân vùng căn cứ địa.
Trước cuộc tiến công táo bạo, liều lĩnh và bất ngờ của quân Pháp. Ngay tối ngày 7-10-1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã chỉ thị cho Khu uỷ và Bộ chỉ huy Chiến khu 1 tổ chức, chỉ huy các lực lượng đánh mạnh để chia sẻ lực lượng và phá tan kế hoạch của chúng. Ngày 8-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào và chiến sĩ ra sức giết giặc. Ngày 9-10-1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra "Chỉ thị cần kíp" giao nhiệm vụ cho Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bắc Kạn kịp thời đánh địch bảo vệ nhân dân, bảo vệ các cơ quan Trung ương.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện "Chỉ thị cần kíp" của Trung ương Đảng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến kiêm hành chính tỉnh và được giúp đỡ của nhân dân, các lực lượng vũ trang Bắc Kạn đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội chủ lực dũng cảm, kiên cường chiến đấu tiêu diệt kẻ thù, lập nhiều chiến công xuất sắc.
Song song với các hoạt động chiến đấu tiêu diệt địch, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã triệt để tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện chống quân xâm lược. Phong trào phá hoại, tiêu thổ kháng chiến, thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, đóng góp lương thực, thực phẩm… của các tổ chức, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân cho kháng chiến rất thiết thực, hiệu quả.
Để phục vụ và bảo đảm cho các hoạt động chiến đấu của bộ đội, dân quân du kích, Ngành giao thông vận tải và lực lượng giao thông vận tải nhân dân trong tỉnh đã tổ chức, huy động trên 5 vạn ngày công tham gia xây dựng công sự, trận địa đánh địch, bảo đảm giao thông và vận chuyển hàng vạn tấn máy móc, trang thiết bị, hàng hoá của Nhà nước và nhân dân đến nơi an toàn; tổ chức mở các tuyến đường giao thông bí mật dài hàng trăm km để cơ động lực lượng đánh địch, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội, dân quân du kích, vận chuyển liệt sỹ, thương binh về nơi an toàn.
Sau hơn 2 tháng chiến đấu quyết liệt với kẻ thù, Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn đã góp phần quan trọng bảo đảm cho các lực lượng vũ trang của tỉnh tổ chức đánh 68 trận, diệt 382 tên, làm bị thương 34 tên, bắt sống 2 tên, phá huỷ nhiều xe quân sự, vũ khí, trang bị, góp phần xứng đáng cùng với quân và dân Việt Bắc phá tan chiến dịch tiến công lên căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc của thực dân Pháp.
Để phù hợp với tình hình mới, cuối tháng 1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 120/SL tổ chức lại các Chiến khu trong cả nước (gọi là Liên khu). Tỉnh Bắc Kạn thuộc Liên khu 1.
Về phía thực dân Pháp, sau thất bại nặng nề trong chiến dịch Việt Bắc, chúng buộc phải thay đổi chiến lược "Đánh nhanh, thắng nhanh" chuyển sang đánh lâu dài với chính sách "Dùng người Việt đánh người việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh".
Tại Bắc Kạn, đầu năm 1948, quân Pháp dồn dịch, điều chỉnh lực lượng chiếm đóng, cố thủ tại 5 vị trí quan trọng là: Thị xã Bắc Kạn, ngã 3 Phủ Thông, ngã 3 Nà Phặc, châu lỵ Ngân Sơn và phố Bằng Khẩu, xã Bằng Đức (nay là xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn). Lực lượng của chúng có khoảng 1.500 tên. Ngoài ra chúng còn chiêu mộ được trên 300 lính nguỵ quân (kiểm tra xem có dùng từ nguy quân thời kỳ nay không) và hàng trăm tên thổ phỉ hoạt động ở vòng ngoài.
Từ các cứ điểm đóng quân, địch thường xuyên tổ chức các cuộc hành quân càn quét, lùng sục ra các vùng xung quanh để tìm diệt lực lượng ta, đồng thời phá hoại, cướp bóc lương thực, thực phẩm và tàn sát nhân dân.
Trước những hoạt động ngày càng gay gắt của địch, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bắc Kạn đã chủ động, sáng tạo, tích cực xây dựng vùng tự do về mọi mặt, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tiến công quân địch cả về quân sự, chính trị và kinh tế theo chủ trương của Đảng "Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc"
Đầu tháng 2-1948, tại xã Chu Hương, châu Chợ Rã, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở hội nghị quân sự lần thứ nhất đề ra một số chủ trương, biện pháp cần thực hiện ngay, trong đó nhấn mạnh: "Cử cán bộ đốc chiến thường trực chỉ huy và đôn đốc kiểm tra du kích cho dân quân phá hoại mặt đường, đôn đốc dân quân các xã ra phá hoại mặt đường".
Sau hội nghị quân sự của tỉnh, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và tình hình địch, đồng thời rút kinh nghiệm công tác phá hoại giao thông trong những ngày đầu kháng chiến, Tỉnh uỷ đã tập trung lãnh đạo củng cố, kiện toàn Ban phá hoại các cấp về tổ chức và cán bộ, tăng cường thêm 1 số cán bộ cho Ty công chính. Đầu năm 1948, Ty Giao thông công chính tỉnh có khoảng 10 cán bộ, nhân viên do đồng chí Nguyễn Đăng Phả làm Trưởng ty.
Từ chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban phá hoại và Ty Giao thông công chính tỉnh đã tham gia xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh, đồng thời trực tiếp tổ chức các lực lượng tiến hành công tác phá hoại giao thông.
Với tinh thần và ý chí "Tất cả vì kháng chiến mau thắng lợi", chỉ trong khoảng thời gian ngắn, toàn tỉnh đã huy động hơn 7.000 lượt người tham gia phá hoại giao thông, góp phần quan trọng ngăn chặn và làm chậm bước hành quân của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội, du kích tổ chức phục kích, tiến công tiêu diệt quân địch. Tính đến hết chiến dịch Xuân - Hè 1948, Ngành giao thông vận tải của tỉnh, lực lượng giao thông nhân dân và lực lượng dân quân các xã đã thực hiện trên 50.000 ngày công, đào đắp trên 20 vạn m3 đất đá, xây dựng các chướng ngại vật. Trên các trục đường quốc lộ số 3 từ Chợ Mới - thị xã Bắc Kạn, từ thị xã Bắc Kạn - Chợ Đồn, đi ngã 3 Phủ Thông; từ ngã 3 Phủ Thông đi Chợ Rã; từ ngã 3 Phủ Thông - Nà Phặc - đèo Cao Bắc; từ ngã 3 Nà Phặc đi huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đã có trên 10 vạn đoạn hào, hố, ụ đất, cây to, tảng đá lớn chặn ngang mặt đường. Nhiều đoạn dày đặc các hố, hào chữ Z, tảng đá lớn, cây to chặn đường cơ động của địch ở Cao Kỳ, Xuất Hoá, Đèo Giàng, đèo Khau Khang (Ngân Sơn)… gây cho các lực lượng của địch hành quân cơ động gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ tính riêng công tác phá hoại đường giao thông ở huyện Ngân Sơn, trong quý I năm 1948, toàn huyện đã huy động được hơn 1.000 lượt người đào đắp hơn 1.000 hố, hào, ụ đất đá ngăn cản xe tăng, xe cơ giới và bộ binh của địch hành quân. Đoạn đường từ Đèo Giàng đến bản Nà Coóc, xã Lãng Ngâm; từ Bản Hùa đến ngã 3 Nà Phặc đi bản Nà Nọi bị các lực lượng giao thông các xã Trung Hoà, Lãng Ngâm, Hương Nê… phá hoại nặng nhất. Đoạn đường từ ngã 3 Nà Phặc đến giáp huyện Nguyên Bình, Cao Bằng dài 28km, lực lượng giao thông đã phá được 18km, 10km gần đồn Nà Phặc ta chưa phá được. Trên các đường này, lực lượng bộ đội, du kích đã bố trí chôn mìn, địa lôi, phục kích chặn đánh, tiêu diệt nhiều sinh lực, phương tiện quân sự của chúng. Điển hình trong công tác phá hoại giao thông phục vụ chiến dịch Xuân - Hè năm 1948 là lực lượng giao thông các huyện Ngân Sơn, Bạch Thông. Tiêu biểu nhất là trận phục kích đoàn xe cơ giới của địch chạy từ Cao Bằng về thị xã Bắc Kạn. Ngày 1-5-1948, tại km số 12 đến km số 15 thuộc xã Cẩm Giàng, xã Quân Bình, huyện Bạch Thông. Do mặt đường bị phá hoại, lực lượng bộ đội và du kích tiêu diệt và làm bị thương hơn 60 tên, phá huỷ 4 xe ô tô, 4 khẩu súng máy. "Sau trận đánh phục kích đoàn xe của địch, việc liên lạc, tiếp tế bằng đường bộ giữa các cứ điểm của chúng giảm đi rõ rệt, phần lớn nguồn lương thực, vũ khí cung cấp, chi viện cho các cứ điểm đều bằng đường không nên quân địch gặp rất nhiều khó khăn" (Báo Sự thật, số 104, ngày 19/12/1948). Bên cạnh các hoạt động phá hoại giao thông, Ngành giao thông vận tải và lực lượng giao thông nhân dân còn vượt qua mọi khó khăn về thời tiết và sinh hoạt đã hăng hái vận chuyển hàng trăm tấn lương thực, vũ khí, hàng hoá đến các địa điểm tập kết an toàn, đúng thời gian, kịp thời phục vụ bộ đội, du kích chiến đấu tiêu diệt quân Pháp và lực lượng thổ phỉ. Đây thực sự là những thành tích to lớn của Ngành giao thông vận tải, góp phần quan trọng tạo nên những chiến thắng của bộ đội, du kích trong các trận đánh tiêu diệt địch, tiến tới buộc quân Pháp phải rút khỏi tỉnh Bắc Kạn.
Từ những chiến thắng liên tiếp trong chiến dịch Xuân - Hè năm 1948, thế và lực của quân và dân trong tỉnh đã có nhiều phát triển mới. Ngày 5-6-1948, Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ tỉnh được tổ chức tại xã Yên Thịnh, huyện Chợ Đồn đã khẳng định những thành tích to lớn, toàn diện của quân và dân trong tỉnh đã đạt được trong quá trình vừa kháng chiến vừa kiến quốc, đặc biệt là trên mặt trận quân sự. Đại hội đã chỉ rõ nhiệm vụ tác chiến cơ bản là: Triệt đường tiếp tế, vận tải của giặc, phá những âm mưu trong thu - đông tới của giặc, bức địch ra khỏi Bắc Kạn.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và phát huy đà thắng lợi trên mặt trận quân sự, lực lượng vũ trang toàn tỉnh tăng cường các hoạt động du kích chiến, vận động chiến tiến công tiêu diệt quân địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại nặng nề, các hoạt động phá hoại giao thông được đẩy mạnh ở khắp mọi nơi, nhất là trên trục đường số 3 và các trục đường từ vị trí đóng quân của địch ra các vùng xung quanh.
Cuối mùa hè năm 1948, Bộ Tổng chỉ huy mở chiến dịch đường số 3 nhằm tiêu diệt sinh lực địch ở một số cứ điểm quan trọng, đồng thời cô lập, uy hiếp, tiến tới bức địch phải rút khỏi Bắc Kạn.
Mở đầu "Chiến dịch đường số 3", đêm ngày 25-7-1948, tiểu đoàn 11, trung đoàn 308; tiểu đoàn 55, trung đoàn 72; đại đội du kích Ba Bể; 1 đại đội pháo hoả lực tiến công đồn Phủ Thông, Bạch Thông. Lực lượng ta tiêu diệt trên 100 tên địch, thu hơn 50 súng và nhiều đồ dùng quân sự. Chiến thắng Phủ Thông đã làm cho cả hệ thống cứ điểm phòng thủ của địch trên đường số 3 vô cùng hoảng sợ và hoang mang cực độ. Tiếp đó, các đơn vị chủ lực và lực lượng vũ trang Bắc Kạn tăng cường đánh du kích, đánh giao thông, chặn viện binh của chúng trên đường 3, kêu gọi binh lính địch đầu hàng, giành được nhiều thắng lợi.
Cùng với nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức lực lượng vũ trang và Ngành giao thông vận tải phá hoại giao thông, tiến công tiêu diệt địch, Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh luôn chú trọng bảo đảm giao thông liên lạc thông suốt với cấp trên, xuống cấp huyện, xã và ngược lại. Từ đầu năm 1948, Ban thông tin liên lạc các cấp đã được củng cố, tăng cường thêm cán bộ, nhân viên và đều do các đồng chí cấp uỷ viên phụ trách. Từ chức năng, nhiệm vụ được giao và mặc dù hoạt động trong điều kiện, hoàn cảnh ác liệt, khó khăn nhưng hệ thống giao thông liên lạc với cấp trên và trong nội tỉnh luôn bảo đảm thông suốt. Cán bộ, nhân viên giao thông liên lạc các cấp luôn dũng cảm, không sợ hy sinh gian khổ, hăng hái xung phong nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao như: vận chuyển tài liệu, công văn, báo cáo, đưa đón các đoàn cán bộ, các đơn vị bộ đội, du kích làm nhiệm vụ, dẫn đường cho các lực lượng vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, chuyển thương binh, tử sĩ… Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các giao thông viên khi đi công tác được mang theo vũ khí hoặc được các tổ du kích vũ trang đi cùng để bảo vệ công văn, tài liệu, bảo vệ các tuyến đường dây liên lạc. Nhiều tuyến đường dây liên lạc phải đi qua vùng địch tạm chiếm, đến các vùng có chiến sự như Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Rã,… ban ngày hay ban đêm, anh em giao thông viên đã dũng cảm, khéo léo vượt qua để đưa công văn, chỉ thị, báo cáo đến nơi kịp thời. Tài liệu, công văn được các giao thông viên giữ gìn cẩn thận, đưa đến đúng người, đúng địa chỉ và thời gian. Những hoạt động đó đã góp phần quan trọng phục vụ kịp thời cho bộ đội, du kích chiến đấu và phục vụ chiến đấu giành thắng lợi to lớn trong các trận đánh, trong các chiến dịch tiến công tiêu diệt kẻ thù, tiến tới giải phóng quê hương.
Từ ngày 14 đến 18-1-1949, Hội nghị lần thứ 6 cán bộ Trung ương Đảng họp đã chủ trương "Động viên mọi lực lượng tinh thần và vật chất của toàn dân cho cuộc kháng chiến kiến quốc, giành kỳ được độc lập và dân chủ thực sự"
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương 6, sau khi phân tích tình hình địch, ta trên mặt trận Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch Cao - Bắc - Lạng nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, cắt đứt việc tiếp tế của địch trên đường số 3, số 4, buộc địch phải rút khỏi Bắc Kạn. Thi hành nhiệm vụ của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ chỉ huy Liên khu 1 đã phát động, mở một đợt hoạt động lớn trên đường số 3, nhằm giáng một đòn mạnh vào các vị trí đóng quân của địch trên đường số 3, trọng điểm là thị xã Bắc Kạn.
Chấp hành chủ trương và mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, các đơn vị bộ đội chủ lực, du kích tập trung của tỉnh tập kết về phía nam huyện Bạch Thông để ổn định về tổ chức, quân số, học tập, quán triệt mục đích, ý nghĩa của chiến dịch. Các đơn vị du kích tập trung của huyện, xã tăng cường các hoạt động phá hoại, ngăn cản giao thông, tổ chức các trận đánh nhỏ, lẻ, quấy rối, uy hiếp các vị trí đóng quân của địch.
Về công tác bảo đảm phục vụ cho chiến dịch, Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh đã thành lập Ban chỉ huy chuẩn bị chiến trường do đồng chí Nông Văn Quang phụ trách, các lực lượng tham gia bảo đảm chuẩn bị cho chiến trường gồm có: lực lượng bảo đảm giao thông, bảo đảm lương thực, xây dựng các kho, lực lượng bảo đảm thông tin liên lạc và lực lượng bảo vệ, canh gác, tuần tra.
Với tinh thần chủ động tiến công quân địch, tiến tới giải phóng quê hương, Ngành giao thông vận tải tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh, đồng thời cùng với các ban Ngành, đoàn thể trực tiếp huy động, tổ chức các lực lượng tham gia phục vụ chiến dịch. Trong các tháng 4, 5, 6 năm 1949, hàng nghìn cán bộ, công nhân Ngành giao thông vận tải, lực lượng giao thông vận tải nhân dân, dân quân, du kích Bắc Kạn đã bí mật thực hiện trên 30.000 ngày công xây dựng và hoàn thành tuyến đường giao thông bộ từ Đẩu Duộc qua Đẩu Ngoản qua xã Sĩ Bình (Bạch Thông) lên xã Hương Nê (Ngân Sơn) để vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến dịch, toàn bộ tuyến đường dài trên 30km, chiều rộng trung bình từ 2 - 3m, được nguỵ trang kín đáo. Ngoài ra, các lực lượng còn xây dựng và hoàn thành các hệ thống kho, trạm cất giữ lương thực, thực phẩm. Suốt chiều dài tuyến đường đều có lực lượng bảo đảm giao thông trực chiến, khắc phục, sửa chữa và lực lượng dân quân, du kích canh gác, bảo vệ 24/24 giờ. Hệ thống thông tin liên lạc luôn được giữ thông suốt giữa Ban chỉ huy chuẩn bị chiến trường đến các đơn vị, địa phương.
Đầu tháng 7-1949, mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch đường số 3 của quân dân Bắc Kạn và các đơn vị bộ đội chủ lực đã cơ bản hoàn thành.
Ngày 17-7-1949, từ thị xã Bắc Kạn, khoảng 200 sĩ quan, binh lính Pháp mở cuộc hành quân càn quét vào Đẩu Duộc, xã Xuất Hoá, cách thị xã Bắc Kạn 9km về phía Nam. Chúng phát hiện ra kho dự trữ lương thực, thực phẩm rất lớn của ta. Để tránh nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 9-8-1949, quân Pháp ở thị xã Bắc Kạn theo quốc lộ 3 tháo chạy lên Cao Bằng. Ngày 17-8-1949, quân Pháp ở cứ điểm Bằng Khẩu (Ngân Sơn), cứ điểm cuối cùng của quân Pháp trên địa bàn Bắc Kạn tháo chạy. Lực lượng ta truy kích tiêu diệt tại chỗ 50 tên địch, làm bị thương nhiều tên khác, phá huỷ 14 xe ô tô, 4 khẩu súng máy, làm hư hại 30 xe ô tô, thu nhiều chiến lợi phẩm. Tỉnh Bắc Kạn hoàn toàn sạch bóng quân xâm lược và là tỉnh đầu tiên được hoàn toàn giải phóng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sáng ngày 24-8-1949, tại sân bay thị xã Bắc Kạn, Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh tổ chức cuộc mít tinh lớn với hàng vạn người tham dự chào mừng quê hương được giải phóng.
Trải qua gần 2 năm trực thiếp chiến đấu chống thực dân Pháp, song song với các hoạt động chiến đấu tiêu diệt địch của các lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc Bắc Kạn từ vùng thấp đến vùng cao, từ những bản làng hẻo lánh đến vùng đô thị đã nêu cao tinh thần đoàn kết, triệt để tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp. Khẩu hiệu "Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc", "Trường kỳ kháng chiến" được phổ biến, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân đã biến hành động cụ thể của mỗi con người, mỗi nhà tạo thành sức mạnh tổng hợp cả về chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội của Đảng bộ, quân và dân Bắc Kạn để chiến thắng kẻ thù. Đặc biệt, công tác phá hoại giao thông, bảo đảm giao thông vận tải và thông tin liên lạc của Ngành giao thông vận tải, của lực lượng giao thông vận tải nhân dân đã đáp ứng kịp thời, bảo đảm cho các hoạt động quân sự, củng cố, xây dựng hậu phương về mọi mặt giành được nhiều thắng lợi to lớn.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc ở Bắc Kạn cũng còn nhiều hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức như: trình độ, năng lực, phương pháp tác phong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức thiếu cụ thể, tỉ mỉ nên việc tính toán nhu cầu sử dụng lực lượng không sát, do đó nhiều khi huy động sức người, sức của quá mức hoặc lại thiếu. Chỉ tính riêng từ đầu năm 1948 đến ngày tỉnh Bắc Kạn được giải phóng, 20 tháng về mặt thời gian, trung bình mỗi người dân Bắc Kạn trong độ tuổi quy định từ (18-45) đã đóng góp gần một nửa thời gian, khoảng 8 đến 9 tháng để bảo đảm giao thông vận tải, thông tin liên lạc, đi dân công và làm các nghĩa vụ khác. Tình trạng đó đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, vừa gây lãng phí nhân lực vừa ảnh hưởng đến bồi dưỡng sức dân. Đây là những bài học kinh nghiệm quý báu để Đảng bộ, chính quyền các cấp và Ngành giao thông vận tải, giao thông liên lạc ở Bắc Kạn bước vào giai đoạn mới, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng hậu phương vững mạnh về mọi mặt, góp phần tích cực cùng quân và dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến kiến quốc chống thực dân Pháp đến thắng lợi
III. Ngành giao thông vận tải cùng với quân và dân trong tỉnh tích cực xây dựng hậu phương, tham gia kháng chiến, góp phần đánh thắng thực dân Pháp (tháng 9/1949-5/1954).
Từ cuối năm 1949, để đáp ứng với tình hình mới, ngày 4-11-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 127/SL hợp nhất Liên khu 1 và Liên khu 10 thành Liên khu Việt Bắc. Tỉnh Bắc Kạn vừa là tỉnh hậu phương, vừa là vùng An toàn khu của cả nước nằm trong Liên khu Việt Bắc.
Năm 1950, về phía địch, được đế quốc Mỹ viện trợ về kinh tế và quân sự, thực dân Pháp tăng cường điều động binh lực càn quét, đánh chiếm bình định vùng đồng bằng Bắc Bộ nhằm tạo thế bao vây, cô lập căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc với phong trào kháng chiến toàn quốc.
Về phía ta, sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của quân và dân ta tiếp tục phát triển vững chắc và toàn diện Từ ngày 21-1 đến ngày 2-2-1950, Hội nghị toàn quốc lần thứ 3 của Đảng đề ra nhiệm vụ "Hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị, chuyển mạnh sang tổng phản công, tiến công" . Tiếp đó, ngày 12-2-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 20/SL quyết định tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực tiến đến tổng phản công, tiến công.
Thực hiện một trong những chủ trương lớn đó, Trung ương chỉ đạo giao nhiệm vụ cho Liên khu Việt Bắc khôi phục lại tuyến đường quốc lộ số 3. Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo khôi phục đường số 3 và phát động chiến dịch sửa chữa, khôi phục cầu đường ở 3 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên.
Tuyến đường giao thông quốc lộ 3 chạy từ Thái Nguyên qua Bắc Kạn lên Cao Bằng nằm giữa lòng căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc, trong đó có gần 150km chạy qua địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Năm 1947, nhằm ngăn cản bước tiến quân của giặc Pháp, ta đã phá nát hầu như toàn bộ tuyến đường. Sau ngày Bắc Kạn được giải phóng, thực dân Pháp liên tiếp dùng máy bay ném bom, bắn phá hòng cắt đứt mạch máu giao thông quan trọng này. Từ giữa năm 1950, cường độ đánh phá của địch trên trục đường số 3 và nhiều bản làng ven đường ngày càng ác liệt hơn. Đầu tiên là chiếc cầu phà thị xã Bắc Kạn, chiếc cầu quan trọng nhất bắc qua sông Cầu ở thị xã bị đánh sập, tiếp đó là hàng loạt chiếc cầu và các trọng điểm khác như cầu Nà Cù, Đèo Giàng, Nà Phặc, Ngân Sơn… Năm 1952, 482 lần máy bay địch thả 3.908 quả bom hạng nặng, cỡ200 kgtrở lên đánh phá liên tục các đoạn đường xung yếu, làm hỏng nhiều cầu đường; Năm 1953, máy bay địch hoạt động 238 lần trên vùng trời Bắc Kạn, ném 1.615 quả bom xuống các trọng điểm trên quốc lộ 3 và nhiều làng bản khác, Ở thị xã chúng ném 56 quả bom xuống 2 bờ sông Cầu Phà thị xã. Bên cạnh đó là những cơn mưa rừng, lũ ống, lũ quét đầu nguồn đã làm sạt lở, phá hoại nhiều đoạn đường, cầu cống. Những hậu quả do địch hoạ và thiên tai đó làm cho các lực lượng bảo đảm giao thông gặp nhiều khó khăn, tốn kém về nhân lực, vật lực, tài lực và thời gian.
Từ những chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời nhận thức rõ tầm quan trọng của tuyến giao thông quốc lộ số 3 cùng những khó khăn và thuận lợi của địa phương, Tỉnh uỷ đã họp, bàn ra Nghị quyết xác định: Nhiệm vụ sửa chữa cầu đường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời kỳ này và phát động “Chiến dịch cầu đường lần thứ nhất”.
Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và nội dung Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Ty giao thông công chính đã xây dựng kế hoạch bảo đảm giao thông trên quốc lộ 3 với những nội dung cơ bản là: tổng hợp, thống kê toàn bộ hệ thống cầu, cống, đường ngầm, các trọng điểm sạt lở đất, ven sông, suối hay sói lở mặt đường, số lượng nhân lực, vật lực cần huy động; Phương tiện vật chất bảo đảm. Trên cơ sở kế hoạch được xây dựng, Ty giao thông công chính đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh thành lập Ban huy động dân công các cấp. Ban huy động dân công tỉnh Bắc Kạn do đồng chí Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh làm Trưởng ban; Đồng chí Bùi Gia Mỹ, Trưởng Ty giao thông công chính tỉnh làm phó Trưởng ban thường trực và một số đồng chí khác. Ban huy động dân công cấp huyện, xã đều do đồng chí Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính làm Trưởng ban, các đồng chí phụ trách giao thông vận tải làm phó Trưởng ban.
Để thực hiện và hoàn thành "Chiến dịch sửa chữa cầu đường lần thứ nhất", cấp uỷ Đảng, chính quyền, Ban huy động dân công các cấp đã tăng cường các biện pháp lãnh đạo, giáo dục, tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương. Đồng thời thực hiện tốt các chế độ, chính sách, nghĩa vụ và quyền lợi của người ở hậu phương và người lên đường phục vụ kháng chiến.
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp lãnh đạo, tổ chức và công tác bảo đảm, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Bắc Kạn mà nòng cốt là Ngành giao thông vận tải đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, hăng hái chuẩn bị công cụ lao động, lương thực, thực phẩm lên đường bảo đảm giao thông.
Với tinh thần và ý chí "Sửa chữa cầu đường như đánh giặc" từ đầu tháng 3-1950, không khí lên đường đi dân công phục vụ kháng chiến của quân và dân Bắc Kạn diễn ra hết sức sôi nổi và khẩn trương. Từ các bản làng xa xôi hẻo lánh ở Chợ Rã, Chợ Đồn, Na Rì đến Bạch Thông, Ngân Sơn, thị xã Bắc Kạn, trên 5.000 cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, phụ nữ đã nhanh chóng được huy động và tập kết về các vị trí sát đường quốc lộ số 3. Nhiều cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ, thanh niên ở các vùng sâu, vùng xa đã đi bộ 2 đến 3 ngày ra mặt đường 3 tham gia chiến dịch.
Về công tác tổ chức, quân số của các xã, huyện tham gia chiến dịch được biên chế thành các tiểu đội, trung đội, đại đội, các tổ, đội thanh niên xung phong. Toàn bộ các lực lượng đã hợp thành một đội quân hùng hậu xây dựng, sửa chữa cầu đường ở các cung đường, đoạn đường được phân công.
Trong quá trình lao động, các lực lượng bảo đảm giao thông luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động khắc phục mọi khó khăn, tích cực cải tiến công cụ lao động bạt núi, san đất, chặt hạ 2.000 cây gỗ, sử dụng 1.200 con trâu kéo để sửa chữa mặt đường, làm cầu cống và đường ngầm, điển hình là lực lượng bảo đảm giao thông của các huyện Bạch Thông, Ngân Sơn. Kết quả, đến ngày 19-5-1950, lực lượng bảo đảm giao thông Bắc Kạn đã cùng với lực lượng bảo đảm giao thông tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Cao Bằng khôi phục, sửa chữa xong272 kmmặt đường, 150 cầu cống lớn nhỏ với tổng chiều dài 1.267m. Cuối tháng 5-1950, tuyến đường quốc lộ số 3 từ Thái Nguyên đi Cao Bằng cơ bản đã thông xe ô tô.
Để bảo đảm cho tuyến đường luôn luôn được thông suốt, nhất là ở các trọng điểm hay bị thiên tai và địch hoạ gây ách tắc, các huyện, xã trên trục đường số 3 thường xuyên bố trí các lực lượng trực chiến bảo đảm giao thông.
Về phía địch, nhằm ngăn chặn giao thông vận tải của ta trên đường số 3, địch thường xuyên tăng cường các loại máy bay trinh sát, thăm dò, phát hiện những hoạt động của ta trên các tuyến đường rồi chỉ điểm cho máy bay của chúng ném bom, bắn phá các trọng điểm giao thông. Cuối tháng 5-1950, địch đánh phá cầu Nà Cù, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông. Các lực lượng bảo đảm giao thông trực chiến đã nhanh chóng sửa chữa, khắc phục, kịp thời bảo đảm giao thông thông suốt. Trên tuyến quốc lộ số 3, đoạn qua tỉnh Bắc Kạn, ô tô vận tải của ta vẫn hoạt động bình thường. Với những thành tích bảo đảm giao thông trên đường quốc lộ số 3, thuộc địa bàn của tỉnh. Ngày 1-5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các bạn phụ trách xe hơi Bắc Kạn, trong đó Người đã biểu dương, khen ngợi cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn: "Trong thời kỳ toàn quốc chuẩn bị để chuyển mạnh sang tổng phản công, Bắc Kạn được cái vinh dự là có xe hơi chạy đầu tiên ở Việt Bắc… có kết quả bước đầu ấy là do các cán bộ, chính quyền và đoàn thể hợp tác chặt chẽ, công tác thiết thực và nhờ đồng bào Bắc Kạn hăng hái sửa đường…"
Tháng 6-1950, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Biên Giới nhằm “quét sạch lực lượng địch ra khỏi miền biên giới Bắc Bộ”, khai thông biên giới giữa căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc với các nước xã hội chủ nghĩa. Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 15-7-1950, Đảng - Đoàn thanh niên Trung ương ra quyết định thành lập Đội thanh niên xung phong để phục vụ chiến dịch Biên Giới.
Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, ngay từ cuối tháng 6-1950, được sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh uỷ và Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh, Ban huy động dân công, Ty giao thông công chính tỉnh đã tham gia và phối hợp với các cơ quan, đoàn thể nhanh chóng huy động nhân lực, vật lực, tài lực bảo đảm giao thông trên đường số 3 và hàng chục km đường nhánh từ các kho, trạm hậu cần, kỹ thuật thông ra quốc lộ 3.
Với tinh thần “Gấp rút hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị tổng phản công” trực tiếp phục vụ cho chiến dịch Biên Giới, Tỉnh uỷ Bắc Kạn đã chỉ đạo mỗi xã thành lập một đội dân công do đảng viên phụ trách, mỗi đội dân công có từ 15-20 người. Ở Ngân Sơn, từ cuối tháng 7-1950, ngoài 13 đội dân công của 13 xã, Huyện uỷ Ngân Sơn thành lập Liên đội Thanh niên xung phong gồm 120 người. Thị xã Bắc Kạn thành lập đội Thanh niên xung phong gồm 50 người do 2 đảng viên phụ trách. Để đủ quân số ra mặt đường bảo đảm giao thông, Huyện uỷ Bạch Thông đã chỉ đạo và đồng ý cho các xã huy động nhân lực từ 15 đến 55 tuổi. Nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương, dân quân du kích, dân công đã có mặt trên tuyến quốc lộ 3 để bảo đảm giao thông.
Theo chức năng, nhiệm vụ của Ngành, Ty giao thông công chính tỉnh đã chủ động, tích cực cử cán bộ, công nhân xuống các cung đường, trọng điểm, cầu phà cùng lực lượng công binh của bộ đội và các lực lượng bảo đảm giao thông kiên trì bám mặt đường. Các tuyến đường cũ, cầu phà nhanh chóng được sửa chữa, hoàn thiện bảo đảm giao thông thông suốt. Phương tiện lao động là các công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng, trâu kéo gỗ…. Mặc dù điều kiện lao động rất vất vả và gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các trọng điểm cầu phà, Đèo Giàng thường xuyên bị máy bay định đánh phá nhưng với tinh thần "Tất cả cho chiến thắng", các lực lượng bảo đảm giao thông đã tranh thủ mọi thời gian, tích cực lao động hoàn thành nhiệm vụ để phục vụ bộ đội đánh giặc.
Đi đôi với việc bảo vệ, sửa chữa mặt đường, cầu phà bảo đảm giao thông cho xe ô tô và người qua lại, lực lượng vận tải bộ với hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ dân quân du kích, dân công các xã, huyện đã tích cực khiêng, gồng gánh, dùng trâu, ngựa thồ vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm đến các địa điểm tập kết đúng kế hoạch, thời gian và bảo đảm an toàn.
Từ ngày 16-9 đến ngày 14-10-1950, chiến dịch Biên giới hoàn toàn giành thắng lợi, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.000 tên định, thu hơn 3.000 tấn vũ khí, phương tiện chiến nhanh, phá vỡ hệ thống phòng ngự trên đường số 4 của địch, giải phóng 35 vạn dân. Nhận được tin thắng trận của bộ đội, quân và dân Bắc Kạn vô cùng phấn khởi, tự hào, xứng đáng là hậu phương trực tiếp của chiến dịch biên giới, xứng đáng với lời khen ngợi, tuyên dương công trạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào Cao - Bắc - Lạng đã làm kiểu mẫu trong việc động viên nhân lực, vật lực, tài lực cho kháng chiến”.
Ngay sau chiến thắng Biên Giới, ngày 16-10-1950, trận mưa lũ lớn trên địa bàn Bắc Kạn đã cuốn trôi nhiều cầu, cống trên quốc lộ 3, nhiều chỗ đèo, đoạn đường sạt lở đất lấp mặt đường dài hàng trăm mét với hàng nghìn mét khối đất đá. Để khắc phục hậu quả do trận lũ gây ra, ngày 24-10-1950, Tỉnh uỷ Bắc Kạn triệu tập hội nghị quân dân chính quyết định huy động khẩn cấp 2.000 dân công ra sửa chữa cầu phà, cung đường. Các lực lượng bảo đảm giao thông đã tích cực phát huy sáng kiến, lao động đạt năng xuất cao, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Ngày 20-11-1950, tuyến quốc lộ số 3 đã cơ bản thông xe. Đến cuối năm 1950, xe vận tải 10 tấn đã đi lại được trên tuyến quốc lộ 3 từ Bắc Kạn đi Cao Bằng. Với những cố gắng và nỗ lực vượt bậc, lực lượng giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn mà nòng cốt là cán bộ, công nhân Ty giao thông công chính tỉnh cùng với lực lượng công binh của các đơn vị bộ đội chủ lực đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm giao thông trước sự phá hoại nghiêm trọng của địch hoạ và thiên tai. Năm 1950, ghi nhận những thành tích to lớn đã đóng góp cho kháng chiến, đặc biệt là trên mặt trận bảo đảm giao thông vận tải, Chính phủ đã tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng ba cho Đảng bộ, quân và dân Bắc Kạn và Huân chương lao động hạng ba cho đồng chĩ Vũ Đăng Huệ, Trưởng Ty giao thông công chính tỉnh. Đây là Huân chương lao động đầu tiên được Đảng và Nhà nước tặng cho Ngành giao thông công chính tỉnh Bắc Kạn. Tỉnh Bắc Kạn được giữ cờ thưởng luân lưu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau chiến thắng Biên Giới, cục diện cuộc kháng chiến kiến quốc của quân và dân ta chuyển sang giai đoạn thực hành chiến lược phản công và tiến công với nhiều chiến dịch lớn tiêu diệt quân địch trên khắp các chiến trường cả nước. Thực dân Pháp chuyển dần sang chiến lược phòng ngự và ngày càng rơi vào thế bị động. Chúng tăng cường dùng không quân đánh phá hậu phương kháng chiến của ta, nhất là những tuyến đường giao thông trong khu căn cứ địa kháng chiến. Vì vậy, nhiệm vụ sửa chữa, xây dựng cầu đường, bảo đảm giao thông ngày càng trở nên bức thiết và quan trọng, đặc biệt là tuyến giao thông vận tải trên đường quốc lộ số 3 thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã cử đồng chí Trần Đăng Ninh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục cung cấp, Bộ Quốc phòng lên Bắc Kạn trực tiếp chỉ đạo công tác bảo vệ, sửa chữa cầu đường, đồng thời tăng cường cho Bắc Kạn 10 Liên đội thanh niên xung phong với hàng nghìn cán bộ, đội viên từ miền xuôi lên.
Căn cứ vào tình hình bảo đảm giao thông và nhiệm vụ được giao cho tỉnh Bắc Kạn, đầu năm 1951, Tỉnh uỷ mở hội nghị tổng kết công tác bảo đảm giao thông năm 1950 và bàn phương hướng, nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải trong giai đoạn tới. Tỉnh uỷ Bắc Kạn xác định: “Công tác sửa chữa, bảo vệ cầu đường lúc này là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, thành công hay thất bại trong việc sửa chữa, bảo vệ đường để đảm bảo vận tải ở Bắc Kạn hiện nay có ảnh hưởng lớn trực tiếp đến việc vận chuyển Quốc phòng”. Tỉnh uỷ quyết định phát động “Chiến dịch cầu đường lần thứ hai” với quyết tâm “Đường số 3 phải tốt để xe trâu, xe ô tô và cả ô tô lớn GMC đi lại dễ dàng”
Để hoàn thành thắng lợi “Chiến dịch cầu đường lần thứ hai”, Tỉnh uỷ đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo Ban huy động dân công, các ban ngành, đoàn thể chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giao chỉ tiêu huy động dân công cho các đơn vị, địa phương. Đồng thời trực tiếp chỉ đạo Ty giao thông công chính phối hợp với lực lượng công binh của tỉnh đội cử cán bộ, chiến sĩ, công nhân giao thông xuống bám nắm các cầu phà, các trọng điểm thường xuyên bị địch đánh để kịp thời sửa chữa, bảo vệ cầu đường. Nhờ có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, thiết thực của Đảng bộ trong “Chiến dịch cầu đường lần thứ hai”, toàn tỉnh đã huy động được hơn 3.000 dân công đem theo lương thực, công cụ lao động, 1.200 con trâu kéo ra trục đường 3 sửa chữa, xây dựng và bảo vệ cầu đường. Lực lượng tham gia bảo vệ sửa chữa cầu đường còn bao gồm cả cán bộ quân dân chính đảng các cấp. Điển hình trong “Chiến dịch cầu đường lần thứ hai”, huyện Ngân Sơn đã huy động được 816 người, 355 con trâu kéo, 20 xe trâu kéo, riêng xã Cao Minh (nay là Trung Hoà và thị trấn Nà Phặc) trong 4 ngày, xã đã huy động được 203 dân công đi làm đá, lấy gỗ phục vụ công nhân giao thông sửa chữa cầu. Huyện Bạch Thông đã huy động được 1.000 dân công bảo đảm giao thông. Thị xã Bắc Kạn huy động được 809 dân công, thực hiện 15.461 ngày công sửa chữa cầu đường, kéo dây điện thoại, xây dựng lán trại, trường học, phục vụ các hội nghị của các cơ quan Trung ương và tỉnh. Nhiều địa phương như Bạch Thông, Ngân Sơn… một số gia đình có từ 2 đến 3 người cùng xung phong đi dân công trong một lần huy động. Có người đã tình nguyện đi hàng tháng trời mới cho người khác đến làm thay.
Ngày 28-3-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm các cán bộ, đội viên Liên đội thanh niên xung phong 312 đang làm nhiệm vụ ở cầu Nà Cù, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông. Sau khi thăm hỏi sức khoẻ và công việc của anh chị em, Người ân cần nhắc nhở Ban chỉ huy công trường và cán bộ, đội viên thanh niên xung phong phải tổ chức lao động khoa học, phải đoàn kết thương yêu nhau, đồng thời tổ chức tốt các phong trào thi đua để mau chóng hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi tặng huy hiệu cho 12 chiến sĩ thi đua, Người đã tặng toàn thể anh chị em 4 câu thơ:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Bốn câu thơ trên đã được đồng chí Dương Thiết Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ chuyển cho Trung ương Đoàn thanh niên lao động Việt Nam. Từ đó, cùng với quá trình phát triển của sự nghiệp cách mạng, lời dạy của Bác đã trở thành phương châm hành động, nguồn động viên to lớn thôi thúc thế hệ trẻ Việt Nam hăng hái, tiến bước dưới lá cờ của Đảng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao
Phát huy vai trò xung kích của lực lượng thanh niên, được sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành đoàn thanh niên Cứu quốc tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức và xây dựng các đội thanh niên xung phong làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ sửa chữa, xây dựng và bảo vệ cầu đường. Đồng chí Vũ Văn Các, Bí thư Tỉnh đoàn được giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức, xây dựng các đội thanh niên xung phong. Đến tháng 12-1951, toàn tỉnh có 3 Đội thanh niên xung phong gồm 6 Liên đội: Liên đội 201, Liên đội 204, Liên đội 205, Liên đội 206, Liên đội 207, Liên đội 208 và 1 Liên đội thanh niên xung phong thường trực với 2.274 đoàn viên, thanh niên. Các Đội thanh niên xung phong được tổ chức theo kiểu quân đội. Dưới Đội là Liên đội có khoảng từ 100 đến 200 đội viên, dưới Liên đội có Phân đội quân số khoảng 15-20 đội viên. Mỗi huyện là 1 Liên đội, mỗi xã là 1 Phân đội.
Trong quá trình lao động sửa chữa cầu đường, các đơn vị bảo đảm giao thông dù khó khăn hay thuận lợi đã luôn chủ động, hăng hái thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hoàn thành tốt khối lượng công việc được giao. Trên những đoạn đường thường xuyên bị địch đánh phá như Đèo Giàng, Đèo Gió, khu vực cầu Nà Phặc… anh chị em dân công đã có sáng kiến đánh lừa địch bằng cách đan những tấm phên nứa to, quét màu đất rồi đặt nghiêng che kín mặt đường, máy bay địch trên cao trinh sát tưởng mặt đường chưa được sửa xong nên không ném bom xuống. Để đảm bảo giao thông thông suốt, trong những ngày mưa lũ, 80% số cán bộ, công nhân thường xuyên trực chiến, sẵn sàng sửa chữa mặt đường, cầu phà. Trong những trường hợp gặp khó khăn, nguy hiểm, các đồng chí cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, dũng cảm để quần chúng noi theo. Tại Đội thanh niên xung phong phá bom nổ chậm trên Đèo Giàng, đồng chí Bí thư Chi bộ, Liên đội phó thanh niên xung phong 206 đã dũng cảm đứng trên quả bom nổ chậm để anh em vững tâm tháo bom và sửa chữa mặt đường.
Đi đôi với việc thực hiện nhiệm vụ sửa chữa cầu đường, bảo đảm giao thông thông suốt, toàn tỉnh còn huy động khoảng 3 vạn ngày công xay thóc, giã gạo, xây dựng lán trại, trường học, dùng xe trâu, xe đạp thồ, gánh bộ vận chuyển khoảng 1.000 tấn lương thực, thực phẩm phục vụ các chiến dịch Trần Hưng Đạo (chiến dịch Trung Du), cuối năm 1950; Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (chiến dịch đường 18), đầu năm 1951; Chiến dịch Quang Trung (chiến dịch Hà Nam Ninh) giữa năm 1951; Chiến dịch Hoà Bình cuối năm 1951. Ngoài ra, Ngành giao thông liên lạc tỉnh còn huy động và sử dụng hàng trăm cán bộ, công nhân thực hiện hàng nghìn ngày công sửa chữa, dựng cột, bắc dây, đưa công văn, tài liệu phục vụ thông tin liên lạc của Trung ương, Chính phủ và các cơ quan, đơn vị trong nội bộ tỉnh.
Với những cố gắng và nỗ lực vượt bậc, năm 1951, cùng với sự hỗ trợ của cấp trên, Ngành giao thông vận tải và lực lượng giao thông vận tải nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sửa chữa cầu đường, bảo đảm giao thông vận tải và thông tin liên lạc thông suốt, góp phần đắc lực phục vụ bộ đội ta đánh thắng giặc Pháp trong các chiến dịch. Tại hội nghị tổng kết chiến dịch cầu đường toàn quốc năm 1951, nhiều tập thể, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn trên mặt trận bảo đảm giao thông vận tải đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương, Huy chương, Bằng khen, giấy khen. Liên đội thanh niên xung phong 205 của huyện Bạch Thông được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi, biểu dương. Tỉnh Bắc Kạn tiếp tục được giữ cờ thưởng luân lưu “Thi đua khá nhất” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1952, do liên tiếp bị thất bại nặng nề trong các chiến dịch tiến công của ta và hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương đối với các chiến trường, thực dân Pháp tăng cường cho các loại máy bay đánh phá khu căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc ngày càng ác liệt hơn, nhất là tuyến giao thông trên đường quốc lộ số 3. Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, máy bay địch đã ném bom, bắn phá 180 lần vào những trọng điểm huyết mạch giao thông như Chợ Mới, Nông Hạ, bến phà thị xã Bắc Kạn, Đèo Giàng, ngã 3 Nà Phặc, cầu Ngân Sơn... nhiều cầu cống bị phá hỏng, nhiều đoạn đường, mặt đường bị bom đạn phá hỏng từ 1 đến 4km. Bên cạnh đó, 11 trận lũ quét làm sạt nở nhiều quãng đường, cuốn trôi nhiều cầu cống…
Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh đã chỉ đạo Ngành giao thông vận tải và các địa phương, đơn vị thực hiện tốt phương châm: Địch phá ngày, ta sửa đêm, định phá đoạn đường trọng điểm xung yếu, ta bạt núi, san đồi mở đường vòng tránh.
Thực hiện những chủ trương trên, cấp uỷ, chính quyền, các ban Ngành, đoàn thể các cấp ở Bắc Kạn đã linh hoạt, vận dụng sáng tạo quan điểm chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, đạt được hiệu quả cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức huy động các lực lượng bảo đảm giao thông, phục vụ tiền tuyến. Bên cạnh các Liên đội thanh niên xung phong và các đoàn dân công được huy động theo chế độ, chính sách thường xuyên trực chiến trên các cung đường, trọng điểm, Tỉnh uỷ còn chỉ đạo các xã dọc quốc lộ 3 thành lập hàng chục tổ, đội bảo vệ, sửa chữa cầu đường với hàng trăm đội viên vừa sản xuất vừa sẵn sàng bảo đảm giao thông. Các đội viên cơ sở này thường là những chiến sĩ bảo đảm giao thông có mặt sớm nhất ở những nơi bị địch đánh phá hoặc bị mưa lũ làm sạt lở đường để khắc phục hậu quả, tham gia giải phóng xe, hàng hoá bị ách tắc. Ở những cung đường trọng điểm như Đèo Giàng, bến phà Chợ Mới, thị xã Bắc Kạn được tăng cường thêm lực lượng công binh và công nhân kỹ thuật, mặt đường cũ luôn được sửa chữa, nâng cấp bảo đảm tốc độ xe chạy 20km/giờ. Nhờ vậy, vũ khí, lương thực, thực phẩm vẫn nhanh chóng được vận chuyển ra mặt trận phục vụ bộ đội đánh giặc.
Từ những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong các chiến dịch tiêu diệt sinh lực định trên khắp các chiến trường. Đầu tháng 9-1952, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Bắc để nối liền Tây Bắc với căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc. Thực hiện chủ trương trên và chuyển hướng tiến công chiến lược, tháng 10-1952, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo, tổ chức mở con đường vòng tránh qua Đèo Giàng từ xã Vi Hương, Bạch Thông lên hướng xã Hương Nê, Ngân Sơn nhằm bảo đảm thông xe nhanh lên biên giới tiếp nhận, vận chuyển hàng hoá cho chiến dịch. Cũng trong dịp này, để động viên Ngành giao thông vận tải phục vụ chiến dịch Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lá cờ có thêu dòng chữ “Mở đường thắng lợi” cho Bộ Chỉ huy chiến dịch. Từ đây “Mở đường thắng lợi” đã trở thành ý chí quyết chiến quyết thắng, trở thành truyền thống vẻ vang của quân và dân ta trên mặt trận giao thông vận tải.
Lúc này, trên địa bàn Bắc Kạn đang là ngày mùa, nhân dân các địa phương trong tỉnh tích cực thu hoạch lúa, ngô, khoai nhưng với ý chí quyết tâm “Mở đường thắng lợi” phục vụ bộ đội đánh giặc, gần 1.000 thanh niên, trung niên nam nữ các dân tộc hai huyện Bạch Thông, Ngân Sơn đã hăng hái mang theo quốc, xẻng, xà beng, trâu kéo, lương thực, thực phẩm lên đường làm nhiệm vụ. Do có nhiều biện pháp tổ chức chặt chẽ và khoa học, chỉ trong vòng 10 ngày đêm lao động khẩn trương và sáng tạo, lực lượng thi công do các cán bộ, công nhân kỹ thuật Ty giao thông công chính, lực lượng công binh của bộ đội và một số Liên đội thanh niên xung phong làm nòng cốt đã khắc phục mọi khó khăn, vượt qua bom rơi, đạn nổ và thời tiết khắc nghiệt bạt núi, san đồi, mở xong tuyến đường vòng tránh dài gần 10km, mặt đường rộng từ 3-4m, được nguỵ trang kín đáo, ô tô vận tải đi lại dễ dàng, thuận tiện.
Trong năm 1952, tuyến đường quốc lộ 3 tuy bị máy bay địch đánh phá ác liệt và thiên tai phá hoại cầu đường nghiêm trọng nhưng do Đảng bộ đã thực hiện tốt các chính sách, chế độ đối với những người tham gia dân công và động viên nhân dân nên phong trào xung phong đi dân công đảm bảo giao thông, phục vụ kháng chiến ở các địa phương luôn đạt và vượt kế hoạch, chỉ tiêu trên giao. Tính đến tháng 12 -1952, toàn tỉnh đã huy động được 460.000 công sửa chữa, nâng cấp mặt đường số 3; sửa chữa, nâng cấp và mở được hàng trăm km đường cho xe trâu kéo, ngựa thồ, người khiêng vác, gồng gánh ở các huyện Chợ Rã, Chợ Đồn, Ngân Sơn thông ra đường quốc lộ số 3. Lực lượng vận tải đã vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm, bảo đảm thông tin liên lạc, xây dựng các kho, trạm, lán… góp phần đắc lực phục vụ kháng chiến và xây dựng hậu phương về kinh tế - xã hội.
Đầu năm 1953, từ ngày 25 đến 30-1, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khoá II) ra Nghị quyết về chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự với phương hướng chiến lược chủ yếu là: tích cực tiêu diệt sinh lực định, mở rộng vùng tự do. Từ những chủ trương, phương hướng chiến lược của Đảng, nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải được đẩy mạnh ở khắp các địa phương trong toàn quốc nhằm phục vụ bộ đội tiến công tiêu diệt địch, giải phóng quê hương.
Trên địa bàn Bắc Kạn, công tác bảo đảm giao thông vận tải tiếp tục được tăng cường để bảo đảm cho các đoàn xe của quân đội chở hàng viện trợ của các nước anh em từ Cao Bằng về chi viện cho các chiến trường. Trong 6 tháng đầu năm 1953, toàn tỉnh đã huy động được hơn 3.000 lượt dân quân du kích, dân công phối hợp với các Đội thanh niên xung phong trên các công trường I (khu vực xã Nông Hạ), công trường II (Phủ Thông – Đèo Giàng), công trường III (khu vực Nà Phặc) để sửa chữa, bảo vệ cầu đường. Tiêu biểu trong huy động các lực lượng bảo đảm giao thông là các huyện Ngân Sơn: 4.718 lượt người, trong đó có 501 dân quân du kích, 180 xe trâu, 99 ngựa thồ, 25 xe đạp thồ. Huyện Bạch Thông: 1.051 lượt người.v.v… Trên các công trường, lực lượng bảo đảm giao thông đã kiên cường bám trụ, tích cực phát huy sáng kiến, lao động đạt năng suất cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhằm tăng cường lực lượng bảo vệ các lực lượng bảo đảm giao thông vận tải trên đường số 3, giữa tháng 4-1953, được sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Liên khu Việt Bắc và Tỉnh uỷ Bắc Kạn, Tỉnh đội đã thành lập đại đội 91 và 93 súng máy phòng không bắn máy bay địch. Đại đội 91 có 105 cán bộ, chiến sĩ bảo vệ đoạn đường 3 từ xã Cao Kỳ xuống Chợ Mới. Trọng tâm là bảo vệ bến phà Chợ Mới và cầu km 62 (xã Nông Hạ). Đại đội 93 có 120 cán bộ, chiến sĩ bảo vệ đoạn đường 3 từ thị xã Bắc Kạn đến Đèo Giàng, trọng tâm là bến phà thị xã và Đèo Giàng. Tuy đơn vị mới được thành lập, vừa huấn luyện, vừa chiến đấu nhưng đã bảo vệ có kết quả các mục tiêu được giao, góp phần quan trọng bảo đảm giao thông vận tải trên quốc lộ 3 luôn luôn được thông suốt, an toàn.
Để đẩy mạnh các hoạt động tiến công, tiêu diệt sinh lực địch, công tác bảo đảm hậu cần, giao thông vận tải được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Ngày 15-6-1953, Ban Bí thư Trung ương ra Chỉ thị về giao thông vận tải, đặc biệt là công tác sửa chữa, bảo vệ cầu đường: “Hiện nay nhu cầu kháng chiến ngày càng nhiều, khối lượng hàng vận chuyển phải tăng lên rất nhanh. Nhưng đường, cầu, phà hiện nay rất xấu, đường hẹp, lầy, dốc, nhiều quãng ngoặt quá hẹp, xe đi vừa chậm, vừa tốn dầu, hại máy, nhiều dốc xe không lên nổi, quãng ngoặt không quanh được, phà cầu thì yếu, mục gãy", “Nhiệm vụ hiện nay là phải làm những đường tốt, cần thiết để đảm bảo vận tải quân sự, để sẻ bớt gánh nặng vận chuyển cho dân và đồng thời cũng để mở rộng việc vận chuyển kinh tế”.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, căn cứ vào nhiệm vụ, yêu cầu bảo đảm giao thông, vận chuyển hàng hoá chi viện cho tiến tuyến, Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, động viên và tổ chức các lực lượng tích cực bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trong các tháng mùa mưa giữa năm 1953.
Từ ngày 10-7 đến ngày 31-8-1953, trong đợt huy động dân công đột xuất sửa chữa và bảo vệ cầu đường, toàn tỉnh đã huy động hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ dân quân du kích, dân công bám trụ, khắc phục hậu quả máy bay định bắn phá và mưa lũ làm sạt lở đường. Huyện Bạch Thông đã huy động được 1.268 dân quân du kích, dân công trong đó có 367 cán bộ, chiến sĩ du kích, dân quân tham gia sửa chữa cầu đường, bảo đảm giao thông. Huyện Ngân Sơn: 460 du kích và dân công. Thị xã Bắc Kạn thành lập 2 đội dân công gồm 133 người, trong đó có 24 cán bộ, chiến sĩ du kích. Đáng chú ý là vào tháng 10-1953, ngay sau trận lũ lớn trên Sông Cầu, 5 công nhân rèn, 4 công nhân mộc và 9 du kích ở thị xã đã xung phong ra sửa chữa cầu treo. Trên các công trường trọng điểm, lực lượng giao thông toàn tỉnh đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, góp phần xứng đáng cùng với các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong bảo đảm cho tuyến đường số 3 trên địa bàn của tỉnh luôn luôn được thông suốt.
Thực hiện chiến lược tiến công tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do, ngày 27-7-1953, Bộ Chính trị quyết định thành lập “Hội đồng trung cấp mặt trận Trung ương” do phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, gồm có các Ban giúp việc như: Cầu đường, Bưu điện, Y tế, Tuyên huấn, Công an. Khoảng tháng 8-1953, Ban cung cấp mặt trận tỉnh Bắc Kạn được thành lập. Đồng chí Trần Xuân Biền, Trưởng Ty Giao thông công chính tỉnh được Tỉnh ủy chỉ định làm phó Trưởng ban. Các bộ phận giúp việc gồm có đại diện Ngành y tế, Ban tuyên huấn tỉnh và công an tỉnh. Ban cung cấp mặt trận tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức huy động nhân lực, vật lực, tài lực chi viện cho tiền tuyến.
Từ những chủ trương của Trung ương về huy động mọi tiềm lực cho cuộc kháng chiến và công tác bảo đảm giao thông vận tải, ngày 22-8-1953, Liên khu uỷ Việt Bắc ra Chỉ thị “Tích cực bảo vệ đường giao thông quốc phòng”. Thi hành Chỉ thị của Liên khu uỷ Việt Bắc và được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh, Ban cung cấp mặt trận tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ban Ngành, đoàn thể, cấp uỷ, chính quyền các địa phương tăng cường các biện pháp giáo dục, tuyên truyền, động viên, tổ chức lực lượng vũ trang và nhân dân đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm giao thông thông suốt và vận chuyển hàng hoá chi viện cho tiền tuyến. Tính đến tháng 12-1953, toàn tỉnh đã huy động được 621.952 ngày công bảo vệ và sửa chữa cầu đường, thực hiện hàng vạn ngày công vận chuyển bộ như: Gồng gánh, khiêng vác, dùng xe trâu kéo, ngựa thồ, thuyền mảng… vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm đến các kho, trạm trung chuyển đúng thời gian, kế hoạch, bảo đảm an toàn.
Cuối năm 1953, trước sự lớn mạnh và phát triển toàn diện của hậu phương kháng chiến cả về lực lượng vật chất và tinh thần, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 22-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao lá cờ quyết chiến quyết thắng cho quân đội. Người chỉ thị “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
Trên địa bàn Bắc Kạn, đầu năm 1954, thực dân Pháp tăng cường các hoạt động ném bom, bắn phá đoạn đường quốc lộ 3 từ Chợ Mới đến Phủ Thông, phá hỏng nặng nhiều đoạn đường thuộc xã Nông Hạ, Cao Kỳ, thị xã Bắc Kạn, xã Cẩm Giàng… Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng” của tiền tuyến và hậu phương, quân và dân Bắc Kạn đã huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ du kích, dân quân, dân công cùng với các đơn vị thanh niên xung phong, bộ đội địa phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, sửa chữa cầu đường, vận tải hàng hoá phục vụ bộ đội. Ngoài ra, lực lượng dân công của tỉnh còn thực hiện hàng vạn ngày công xay thóc, giã gạo, xây dựng lán trại, kho xưởng của các cơ quan, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ các cơ quan của Trung ương và của Tỉnh. Tiêu biểu nhất trong đợt hoạt động này, huyện Bạch Thông đã huy động 800 cán bộ, chiến sĩ dân quân du kích cùng với lực lượng công binh của tỉnh kịp thời san lấp hố bom, phá bom nổ chậm nhanh chóng thông đường. Ban huy động dân công thị xã Bắc Kạn đã huy động 195 cán bộ, chiến sĩ du kích và dân công, 43 xe trâu, 106 xe đạp thồ vận chuyển lương thực, vũ khí trang bị đến địa điểm tập kết đúng thời gian, an toàn. Tính đến cuối chiến dịch Điện Biên Phủ, riêng thị xã Bắc Kạn đã huy động và thành lập được 1 đại đội xe đạp thồ với 205 chiếc vận chuyển hàng hoá, lương thực, vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại Hội nghị tổng kết công tác đảm bảo giao thông phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Phạm Đình Thời, phụ trách bến phà thị xã Bắc Kạn được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh khen thưởng.
Với ý chí “Quyết chiến quyết thắng” của tiền tuyến và hậu phương, ngày 13-3-1954, bộ đội ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến 17 giờ ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ giành toàn thắng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của quân và dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm thời nằm dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn mới.
Trải qua 9 năm kháng chiến kiến quốc chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là các cấp bộ Đảng tỉnh Bắc Kạn. Ngành giao thông vận tải và lực lượng giao thông vận tải nhân dân đã đóng góp gần 4.000.000 ngày công, sử dụng 22.000 công trâu kéo, sửa chữa gần 150km đường, cầu phà trên quốc lộ số 3; làm mới và sửa chữa hàng trăm km đường vận chuyển bộ từ các xã, huyện thông ra đường quốc lộ 3, bảo đảm và giữ vững mạch máu giao thông, thông tin liên lạc thông suốt; đồng thời còn vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, hàng hoá; xây dựng các kho, lán phục vụ kháng chiến.
Ghi nhận những thành tích to lớn đạt được trên mặt trận bảo đảm giao thông vận tải, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bắc Kạn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi, được giữ lá cờ “Thi đua khá nhất” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Chính phủ đã tặng thưởng 1 Huân chương kháng chiến hạng Ba. Đồng chí Vũ Đăng Huệ, Trưởng Ty giao thông công chính và đồng chí Phạm Đình Thời, công nhân phụ trách bến phà thị xã Bắc Kạn được Chính phủ tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba; hàng trăm tập thể và cá nhân được biểu dương, khen thưởng, được tặng bằng khen, giấy khen của các cấp.
Vinh dự, tự hào về truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương và những phần thưởng cao quý được Đảng, Nhà nước trao tặng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong thời kỳ mới: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG ĐẾ QUỐC MỸ (1954-1975)
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5/1954). Hiệp định Giơ Ne Vơ được kết thúc, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta chuyển sang thời kỳ mới, tiến hành đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Đầu tháng 9-1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về "Tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng". Nghị quyết nêu rõ: "Nhiệm vụ trước mắt của quân và dân ta trên hai miền Nam, Bắc là đấu tranh thực hiện hiệp định Giơ-ne-vơ, ra sức củng cố miền Bắc, giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam nhằm củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc".
Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Tỉnh uỷ Bắc Kạn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các đợt học tập, sinh hoạt chính trị, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; về tình hình, nhiệm vụ cách mạng trên cả hai miền Nam, Bắc và nhiệm vụ của quân và dân trong tỉnh.
Với nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, cụ thể của Đảng bộ cùng với tinh thần thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, các mục tiêu về kinh tế - xã hội đều có bước phát triển khá, góp phần tích cực cùng nhân dân miền Bắc căn bản hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá - xã hội tăng cường tiềm lực quốc phòng – an ninh sau chiến tranh.
Năm 1960, sự nghiệp cách mạng nước ra diễn ra nhiều sự kiện và những biến đổi quan trọng. Ở miền Nam, phong trào đấu tranh chống Mỹ - Diệm tiếp tục phát triển mạnh mẽ khắp các thành thị, nông thôn và miền núi. Ở miền Bắc, ngày 8-5-1960, bầu cử Quốc hội khoá II và Hội đồng nhân dân các cấp được tổ chức. Từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III được tổ chức tại Hà Nội. Đây là "Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà". Đại hội nêu rõ nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, trong đó đối với miền núi vùng cao là: "Làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, các dân tộc thiểu số tiến kịp đa số".
Tháng 3-1961, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ V được tổ chức đã ra Nghị quyết về nhiệm vụ chung của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất là: "Nhằm tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội và làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiếp kịp vùng thấp". Tháng 8-1964, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ VI được tổ chức đã nêu rõ: "Tiếp tục tập trung sức xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội; chú trọng giải quyết quản lý kinh tế; tiếp tục bổ sung nhân lực cho nông nghiệp bằng cách thực hiện tốt kế hoạch tiếp nhận đồng bào miền xuôi lên phát triển kinh tế miền núi; phòng chống gián điệp, biệt kích và củng cố quốc phòng, trật tự trị an, ra sức xây dựng Đảng lớn mạnh".
Thực hiện các chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V, VI, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Bắc Kạn đã được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào sự lớn mạnh, vững chắc cả về lực lượng vật chất và tinh thần của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Tại Hội nghị chính trị đặc biệt tháng 3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội, con người đều đổi mới".
Đầu năm 1965, chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ ngày càng lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố, thị xã trên miền Bắc. Trước tình hình đó, cuối tháng 3-1965, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (khoá III) quyết định: "Chuyển hướng về tư tưởng và tổ chức, chuyển hướng về xây dựng kinh tế và tăng cường lực lượng quốc phòng từ thời bình sang thời chiến".
Với mục đích phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh ở khu vực Việt Bắc, ngày 21-4-1965, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra Quyết định số 103/NQ-TVQH hợp nhất hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái.
I. Ngành Giao thông vận tải Bắc Kạn thời kỳ khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, chuẩn bị chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (tháng 5/1954-tháng 8/1965).
1. Giai đoạn năm 1954-1960.
Đầu tháng 9-1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết về "Tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng", trong đó nêu rõ nhiệm vụ của Ngành giao thông vận tải trong thời kỳ mới là: "Khôi phục nhanh chóng đường xe lửa, đường ô tô, vận tải sông ngòi có ý nghĩa quan trọng bậc nhất. Đó là điều không thể thiếu được trong việc phát triển sản xuất, phồn vinh kinh tế, làm cho giao lưu hàng hoá giữa thành thị và nông thôn hoạt động".
Từ nội dung các Nghị quyết của Đảng và trải qua các thời kỳ thực hiện nhiệm vụ chính trị, cơ cấu, chức năng, tổ chức bộ máy Ngành giao thông vận tải cũng có nhiều lần thay đổi, đáp ứng kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ngày 20-9-1955, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra Nghị quyết tách Bộ Giao thông công chính thành hai bộ: Bộ Giao thông Bưu điện và Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc. Bộ Giao thông Bưu điện do đồng chí Nguyễn Văn Trân làm Bộ trưởng. Ngày 21-2-1961, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra Nghị quyết tách Bộ Giao thông Bưu điện thành Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Bưu điện. Bộ Giao thông vận tải do đồng chí Phan Trọng Tuệ làm Bộ trưởng.
Ở các địa phương trực thuộc Trung ương, cơ quan giao thông vận tải là các Sở, Ty giao thông vận tải (các thành phố là Sở, các tỉnh là Ty).
Ở cấp huyện có Phòng Giao thông vận tải, ở cấp xã có cán bộ chuyên trách phụ trách về đường sá, vận tải nông thôn.
Cơ cấu, tổ chức Ngành giao thông vận tải từ Trung ương đến địa phương là một thể thống nhất, đồng bộ, có chức năng, nhiệm vụ và được phân công, phân cấp theo Ngành và địa giới hành chính cụ thể.
a. Củng cố, xây dựng bộ máy tổ chức của ngành.
Ở Bắc Kạn khoảng cuối năm 1955, Uỷ ban hành chính tỉnh ra quyết định tách Ty Giao thông công chính thành 2 ty: Ty Giao thông - Bưu điện và Ty Thuỷ lợi - Kiến trúc. Ty Giao thông Bưu điện có khoảng hơn 20 cán bộ, nhân viên, do đồng chí Nông Văn Sảo làm Trưởng ty.
Bộ máy cơ quan Ty Giao thông - Bưu điện Bắc Kạn thời kỳ này có:
- Ban lãnh đạo Ty do các đồng chí Nông Văn Sảo (1955-1956), đồng chí Nguyễn Văn Duyên (1957-1960), đồng chí Lý Văn Tần (1961-1965) giữ chức vụ Trưởng ty.
Các cơ quan gồm có: Ban hành chính; Ban quản lý đường, cầu và kiến thiết cơ bản; Ban vận tải - thống kê; Ban kế toán - Tài vụ và 3 đơn vị trực thuộc là: Hạt giao thông Bạch Thông, Hạt giao thông Chợ Đồn, Hạt giao thông Chợ Rã, mỗi Hạt có 2 Cung giao thông, mỗi Cung có từ 4 - 10 cán bộ, công nhân (Tổng quân số 3 Hạt có từ 40 - 60 cán bộ, công nhân viên).
Đến cuối năm 1957, Ty giao thông - Bưu điện có thêm các đơn vị thanh niên xung phong (gọi là các đơn vị kiến thiết cầu đường) gồm các C (đại đội).
- C1 có khoảng 120 cán bộ, chiến sĩ, phụ trách khu vực km 62 (xã Nông Hạ), do đồng chí Nguyễn Văn Chi làm Đại đội trưởng.
- C2 có khoảng 120 cán bộ, chiến sĩ, phụ trách khu vực thị trấn Phủ Thông - Đèo Giàng, do đồng chí Nông Văn Kỉnh làm Đại đội trưởng.
- C3 có khoảng 120 cán bộ, chiến sĩ, phụ trách khu vực thị trấn Chợ Mới, do đồng chí Phạm Xuân Cư làm Đại đội trưởng.
- C4 có khoảng 120 cán bộ, chiến sĩ, phụ trách khu vực Bàng Trạch, đèo Côlia, do đồng chí Hoàng Đình Thọ làm Đại đội trưởng.
- C5 có khoảng 120 cán bộ, chiến sĩ, phụ trách khu vực Nà Phặc - Hà Hiệu.
Thời kỳ này, tổng số cán bộ, công nhân, viên chức toàn Ngành có khoảng 700 người, trong đó có trên 10 cán bộ, công nhân có trình độ trung cấp, sơ cấp kỹ thuật giao thông, bưu điện. Cơ quan Ty Giao thông Bưu điện có 1 chi bộ với khoảng 3-4 đảng viên.
b. Củng cố, xây dựng, phát triển hệ thống giao thông và lực lượng vận tải.
Trên cơ sở từng bước được kiện toàn về tổ chức bộ máy cơ quan và các đơn vị trực thuộc về số lượng, chất lượng cán bộ, công nhân viên chức, Ty Giao thông bưu điện đã chủ động xây dựng nội dung, kế hoạch nhiệm vụ hàng năm, đồng thời tham mưu cho Uỷ ban hành chính tỉnh giáo dục, tuyên truyền, tổ chức cán bộ, công nhân viên chức và vận động nhân dân tập trung khôi phục, sửa chữa mặt đường, cầu, ngầm, phà trên tuyến quốc lộ số 3 và các tuyến đường liên huyện, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và bảo đảm cho các hoạt động củng cố quốc phòng-an ninh trong tỉnh.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Ngành Giao thông bưu điện tỉnh quản lý, khai thác, bảo đảm giao thông vận tải trên các tuyến đường bộ chính là:
- Đường quốc lộ số 3A từ Chợ Mới đến đèo Cô-li-a dài khoảng 120km.
- Đường quốc lộ số 3B từ Nà Phặc đến đỉnh đèo Cao Bắc dài khoảng 60km
- Khoảng trên 300km đường nội tỉnh (đường xe trâu, ngựa thồ) là chủ yếu.
- Khoảng 200km đường thuỷ trên sông Cầu, sông Năng, sông Bắc Giang, Hồ Ba Bể...
- 1 bến xe khách, có khoảng 3 chiếc.
- Toàn tỉnh có khoảng 4 xe tải, mỗi xe có trọng tải từ 4 - 5 tấn, trong đó Ty Giao thông bưu điện có 2 xe.
- 2 bến phà: phà thị xã Bắc Kạn và phà Chợ Mới, mỗi bến phà có 1 chiếc phà, trọng tải từ 10-15 tấn.
- Đến năm 1957, toàn tỉnh có 108 xe trâu kéo được đăng ký.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về khôi phục, sửa chữa đường quốc lộ số 3 để vận chuyển máy móc, thiết bị xây dựng mỏ thiếc Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Từ giữa năm 1955, Ty Giao thông bưu điện đã xây dựng nội dung, kế hoạch, đồng thời tham mưu cho Uỷ ban hành chính tỉnh huy động hơn 2.000 dân công cùng với lực lượng thanh niên xung phong, dân công các đơn vị bạn liên tục thi công sửa chữa, nâng cấp mặt đường, làm lại hàng chục ngầm qua suối. Đầu năm 1956, gần 150km đường quốc lộ số 3 từ Chợ Mới - thị xã Bắc Kạn - Nà Phặc - đèo Cô-li-a (huyện Nguyên Bình) đã được hoàn thành, mặt đường rộng từ 3-4m, đoạn cua rộng 5m. Nhờ vậy, từ đầu năm 1956 đến trước mùa mưa năm 1957, Trung ương đã vận chuyển được hàng trăm tấn thiết bị, máy móc lên xây dựng mỏ thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng đúng thời gian, kế hoạch.
Cuối năm 1955, Uỷ ban hành chính tỉnh lại huy động tiếp 2.421 dân công, chủ yếu là lực lượng dân quân du kích tham gia khôi phục tuyến đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan (Lạng Sơn) và làm kè Sông Cầu ngăn sạt lở ở khu vực thị xã. Sau hơn 3 tháng, các đơn vị dân công Bắc Kạn đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Đối với hệ thống đường giao thông nội tỉnh, trong những năm 1954-1960, các tuyến dường liên huyện từ thị xã - Chợ Đồn, (gọi là đường 28) từ Phủ Thông - Chợ Rã, (gọi là đường 29) và các đường liên xã vừa nhỏ, hẹp, nền đường xấu. Do thiếu kinh phí sửa chữa nên Ty Giao thông chủ yếu xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Uỷ ban hành chính tỉnh huy động lực lượng dân công, nguyên vật liệu tại chỗ để sửa chữa, mở rộng, nâng cấp mặt đường. Tính đến cuối năm 1957, toàn tỉnh đã sử dụng 449.494 công để bảo đảm giao thông trên quốc lộ và đường ô tô nội tỉnh. Kết quả đã làm mới được 43 cầu gỗ, 36 cống, 5 kè, rải lại 24 kmmặt đường; vá 21.348m2 các ổ gà; Hót, vận chuyển hơn 7.000m3 đất, đá sạt lở xuống mặt đường. Riêng quý I năm 1958, tỉnh đã huy động 1.720 dân công cùng với lực lượng của Ngành sửa chữa, duy tu mặt đường quốc lộ số 3 và đường từ thị xã Bắc Kạn - Chợ Đồn.
Trong xây dựng đường giao thông nông thôn, nhờ có cuộc vận động xây dựng hợp tác xã theo chủ trương của Đảng nên phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn đã trở thành phong trào thi đua của hàng vạn xã viên các hợp tác xã và nhân dân ở khắp các huyện, thị trong tỉnh. Đến năm 1960, các tuyến đường liên huyện từ thị xã - Chợ Đồn, từ Phủ Thông - Chợ Rã, xe ô tô có trọng tải từ 5 - 8 tấn cơ bản đi lại được. Gần 1.000 km đường liên xã rộng từ 1-2m thông ra đường liên huyện và quốc lộ 3; Hàng trăm cây cầu tạm bằng gỗ, bằng tre, nghẹ, mai được xây dựng ở hầu khắp các huyện, các xã. Điển hình trong phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn thời kỳ này là nhân dân các huyện Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Đồn. Bên cạnh phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn, Ngành Giao thông tỉnh còn chủ động phối hợp với các cơ quan, đoàn thể và các địa phương nhân các đợt sinh hoạt chính trị, học tập của cán bộ và nhân dân để tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ cầu, phà, đường sá và chấp hành luật giao thông.
Trên cơ sở tuyến đường quốc lộ số 3, đường liên huyện từng bước được khôi phục sửa chữa và bảo đảm giao thông, lực lượng vận tải đường bộ, đường sông (chủ yếu là sông Cầu) đã được Ty Giao thông Bưu điện tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng và khai thác có hiệu quả các loại phương tiện hiện có như: ô tô, xe thô sơ, thuyền, mảng…
Vận tải theo đường bộ chủ yếu là ô tô do Ngành giao thông quản lý, khai thác để vận chuyển công cụ lao động, đồ dùng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu lao động sản xuất và sinh hoạt đời sống của nhân dân, đồng thời vận chuyển các loại sản phẩm nông, lâm, thổ sản về xuôi trao đổi hàng hoá. Ngoài ra, các loại phương tiện vận tải thô sơ như: xe trâu, xe ngựa, xe đạp thồ, gồng gánh được khuyến khích phát triển để vận chuyển thóc thuế, các sản phẩm nông, lâm thổ sản tập kết ra thị xã hoặc bán cho các cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Đến năm 1960, thị xã Bắc Kạn đã thành lập được 1 hợp tác xã vận tải bằng xe thô sơ có khoảng 10 - 15 xe trâu, xe ngựa.
Vận tải đường sông là các loại vật tư, nguyên liệu như: gỗ, tre, nứa, song, mây... đóng thành bè, mảng xuôi theo sông Cầu về đồng bằng theo kế hoạch của Trung ương và tỉnh. Ở huyện Na Rì, Uỷ ban hành chính huyện đã có chủ trương, đồng thời đề ra nhiều biện pháp khuyến khích, động viên nhân dân đóng bè, mảng chở hàng hoá nông, lâm thổ sản xuôi theo sông Bắc Giang sang Lạng Sơn trao đổi các mặt hàng thiết yếu rồi lại ngược dòng về phục vụ sản xuất và sinh hoạt đời sống của nhân dân.
Từ năm 1955 đến năm 1960, kết quả vận tải hàng hoá trên các tuyến đường bộ (chủ yếu là đường quốc lộ 3) và các tuyến đường thuỷ (chủ yếu là sông Cầu) của Ty Giao thông Bưu điện và lực lượng vận tải nhân dân đạt được là:
- Tổng khối lượng hàng hoá vận chuyển năm 1955 là 15.500 tấn, trong đó đường bộ: 3.000 tấn, đường sông 12.500 tấn. Năm 1960, tổng khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng lên 46.300 tấn, trong đó đường bộ: 27.100 tấn, riêng khối lượng vận tải bộ bằng xe trâu được 14.884 tấn chiếm trên 50%; đường sông: 19.200 tấn. Tổng số luân chuyển hàng hoá năm 1960 đạt 2.259,6 nghìn tấn/km, trong đó đường bộ đạt 796,5 nghìn tấn/km; đường sông đạt: 1.463,1 nghìn tấn/km.
- Tổng số hành khách vận chuyển theo đường bộ liên tỉnh (chủ yếu về Thái Nguyên và lên Cao Bằng) và đường liên huyện (chủ yếu đến các huyện Chợ Rã, Ngân Sơn); Năm 1955: 4.500 hành khách; năm 1960 là 11.295 hành khách. Tổng số hành khách luân chuyển năm 1955 là 378.000 hành khách/km, năm 1960 là: 1.058.400 hành khách/km, tăng 280% so với năm 1955.
c. Về công tác bảo đảm thông tin liên lạc.
Ngay sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc, được sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính, Ban lãnh đạo Ty Giao thông Bưu điện và cơ quan bảo đảm thông tin liên lạc tỉnh được củng cố, tăng cường thêm cán bộ, công nhân viên và các trang thiết bị bảo đảm thông tin liên lạc và bưu vụ. Toàn tỉnh có 4 bưu cục, trong đó thị xã là bưu cục cấp tỉnh và 3 bưu cục của các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Ngân Sơn. Đến năm 1958, tỉnh thành lập thêm Bưu cục huyện Chợ Rã. Bưu cục cấp tỉnh có khoảng 5 - 6 cán bộ, nhân viên, Bưu cục cấp huyện có khoảng 3-4 cán bộ, nhân viên. Ở mỗi Bưu cục có 1 tổng đài 10 cửa.
Thời kỳ này, Ngành Bưu điện tỉnh quản lý, sử dụng và khai thác, bảo đảm thông tin liên lạc liên tỉnh và với các huyện như sau:
- Chiều dài đường điện thoại: năm 1955 là 133,8km, năm 1960: 251,8km. Chiều dài đường dây điện thoại (giây/km): Năm 1955 là 136,5km, năm 1960: 553,9km, trong đó: điện thoại trong thị xã là 53,3km, điện thoại đường dài là 500,6km. Máy điện thoại: 1955 là 17 cái, năm 1960 là 57 cái.
- Bưu vụ:
+ Thư từ, công văn các loại (cái): năm 1955 là 99.220 cái, năm 1960 là 195.950 cái.
+ Bưu kiện (gói): Năm 1957 là 66 gói, năm 1960 là 220 gói.
- Điện vụ
+ Điện báo (1.000tg): năm 1955 là 75.822 Tg, năm 1960 là 340.998Tg.
+ Điện thoại (đơn vị): năm 1955 là 6.748 đơn vị, năm 1960 là 41.317 đơn vị.
- Ngân vụ:
+ Số lượng phiếu phát hành: năm 1955 là 199 phiếu, năm 1960 là 2.600 phiếu.
+ Khối lượng nghiệp vụ bưu điện (1.000đg): năm 1955 là 12.322đg, năm 1960 là 117.194 đg.
+ Chiều dài đường bưu điện: năm 1955 là 851km, năm 1960 là935 km.
Nhìn chung, sau hơn 6 năm thực hiện nhiệm vụ, hệ thống giao thông vận tải, bưu điện trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mới cả về đội ngũ cán bộ, nhân viên và cơ sở vật chất kỹ thuật, góp phần tích cực vào công cuộc khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế - xã hội ở Bắc Kạn. Tuy nhiên, giao thông vận tải từ tỉnh vào huyện Na Rì chưa có đường ô tô, phương tiện vận tải bằng ô tô còn gặp nhiều khó khăn vì xe ít, hay hỏng, đường xấu. Đường giao thông nông thôn phát triển chậm, phương tiện vận tải để giải phóng đôi vai chưa được đầu tư để sản xuất như: xe trâu, xe ngựa, xe cải tiến, xe cút kít, xe quệt... nên hầu hết việc vận chuyển hàng hoà từ huyện đến các xã đều bằng ngựa thồ, gồng gánh, mang vác bộ. Một số nơi như khu vực hồ Ba Bể, sông Năng, sông Cầu, sông Bắc Giang, nhân dân vẫn dùng thuyền độc mộc, bè, mảng để vận chuyển hàng hoá.
2. Giai đoạn năm 1961-1965
Từ nội dung, phương hướng, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, (tháng 9-1960) Nghị quyết Trung ương 2 (khoá III) tiếp tục xác định: "Cải tạo và xây dựng từng bước các đường giao thông thành một mạng lưới thống nhất và hợp lý hơn. Phát triển thích đáng vận tải ô tô, bước đầu vận tải hàng không, đồng thời phát triển giao thông vận tải đi sâu vào vùng nông thôn, đi sâu vào miền núi".
Để phù hợp với điều kiện mới và nhằm đẩy mạnh các lĩnh vực giao thông vận tải phát triển, phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, ngày 21-2-1961, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết tách ngành Bưu điện ra khỏi Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện, thành lập Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Bưu điện trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
a. Củng cố xây dựng bộ máy, tổ chức của ngành.
Thực hiện chủ trương của cấp trên, khoảng tháng 3-1961, Uỷ ban hành chính tỉnh ra quyết định thành lập Ty Giao thông vận tải - Thuỷ bộ do đồng chí Lý Văn Tần làm Trưởng ty, đồng chí Nông Văn Sảo và đồng chí Trương Thế Ty làm phó Trưởng ty. Cuối năm 1961, đổi tên là Ty Giao thông vận tải.
Bộ máy Ty Giao thông vận tải thời kỳ gồm có 5 phòng: Phòng tổ chức - hành chính; Phòng quản lý đường sá; Phòng vận tải; Phòng thống kê - kế hoạch; Phòng Tài vụ. Cuối năm 1963, các phòng nói trên được tổ chức thành 7 tổ: Tổ hành chính - tổ chức; Tổ thống kê - kế hoạch; Tổ quản lý đường sá; Tổ khảo sát - thiết kế; Tổ vận tải; Tổ giao thông vận tải nông thôn; Tổ tài vụ. Tổng số cán bộ, công nhân viên có khoảng 40 người.
Các đơn vị trực thuộc Ty Giao thông vận tải gồm có:
- Đoạn bảo dưỡng đường bộ II có các hạt 1, 2, 3; Xưởng sửa chữa công cụ làm nhiệm vụ bảo dưỡng, duy tu đường quốc lộ số 3, đường Phủ Thông - Chợ Rã, đường thị xã Bắc Kạn - Chợ Đồn với khoảng 300 cán bộ, công nhân viên.
- Đội công trình I, II, III gồm có các B làm nhiệm vụ mở đường Chợ Đồn - Chợ Rã; đường Thác Giềng - Na Rì với khoảng 100 cán bộ, công nhân viên .
- Trạm xe quốc doanh có 7 cán bộ, công nhân viên, do đồng chí Dịp Phù Lường làm Trạm trưởng. Trạm có 2 xe tải, mỗi xe có trọng tải trên 5,5 tấn.
- Bến xe khách có 3 cán bộ, công nhân viên, do đồng chí Bế Văn Tiến làm Trưởng bến. Bến xe khách co 1 xe khoảng 30 chỗ ngồi, chạy bằng than củi.
Đầu năm 1964, Tỉnh uỷ ra Quyết định số 15/NQ/BC thành lập Ban chỉ huy phòng không nhân dân tỉnh. Đồng chí Trương Thế Ty, phó Trưởng Ty Giao thông vận tải được chỉ định làm uỷ viên Ban phòng không nhân dân tỉnh.
Đến đầu năm 1965, Ngành giao thông vận tải tỉnh có: khoảng 700-800 cán bộ, công nhân viên chức. Ban lãnh đạo có 3 đồng chí: Đồng chí Lý Văn Tần làm Trưởng ty. Các đồng chí Nông Văn Sảo, Lê Đức Thái, Trương Thế Ty làm phó Trưởng ty.
- Về tổ chức Đảng: Toàn Đảng bộ có hơn 100 đảng viên sinh hoạt ở 11 chi bộ. Ban Chấp hành Đảng bộ có 7 đồng chí, Ban Thường vụ có 3 đồng chí, do đồng chí Lê Đức Thái, phó Trưởng ty làm Bí thư Đảng uỷ. Đồng chí Nông Văn Kiểm, thư ký Công đoàn làm phó Bí thư. Đồng chí Nguyễn Bảo Giám làm Ủy viên Ban Thường vụ
- Về tổ chức công đoàn: Toàn Ngành có khoảng 600 công đoàn viên. Ban chấp hành công đoàn có 7 đồng chí, do đồng chí Nông Văn Kiểm làm Thư ký công đoàn. Đồng chí Hà Thị Hợi làm phó Thư ký công đoàn.
Hội phụ nữ có khoảng gần 200 hội viên, Ban Chấp hành hội có 5 đồng chí.
- Đoàn thanh niên có khoảng gần 600 đoàn viên thanh niên. Ban Chấp hành đoàn có 7 có đồng chí, do đồng chí Lâm Văn Việt làm Bí thư. Đồng chí Nông Văn Học làm phó Bí thư.
Để bảo đảm công tác sẵn sàng chiến đấu, được sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ và sự chỉ đạo của Ban chỉ huy tỉnh đội, Ty Giao thông đã thành lập 1 đại đội tự vệ với hơn 100 cán bộ, chiến sĩ. Trong 2 năm 1964-1965, Ngành giao thông vận tải tỉnh đã có hàng chục cán bộ, chiến sĩ tự vệ, đoàn viên thanh niên xung phong lên đường chống Mỹ cứu nước.
b. Xây dựng và phát triển hệ thống giao thông và lực lượng vận tải
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và trước những thuận lợi, khó khăn của Ngành, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ và Uỷ ban hành chính tỉnh, đồng thời được sự giúp đỡ của cấp trên và nhân dân, Đảng bộ và Ban lãnh đạo Ty Giao thông vận tải đã xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ này (1961-1965) là:
- Giữ vững mạch máu giao thông vận tải trên các tuyến đường cũ: đường quốc lộ số 3, đường 28 (Phủ Thông - Chợ Rã), đường 29 (thị xã Bắc Kạn - Chợ Đồn).
- Xây dựng các tuyến đường ô tô mới: Thác Giềng - Na Rì, Chợ Rã - hồ Ba Bể, đường lâm nghiệp (xã Bình Trung, Chợ Đồn).
- Tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân xây dựng đường giao thông nông thôn miền núi, thực hiện giải phóng đôi vai.
- Đẩy mạnh các hoạt động cải tiến, xây dựng, nâng cao năng lực vận tải, bảo đảm yêu cầu vận chuyển hàng hoá phục vụ sản xuất, đời sống sinh hoạt của nhân dân và nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.
Từ phương hướng, nội dung nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải được xác định, trong kế hoạch 5 năm (1961-1965), Ty Giao thông vận tải đã tập trung lực lượng khai thác, tận dụng các loại nguyên vật liệu sẵn có như: gỗ tứ thiết, đá hộc, sắt thép cũ... để sửa chữa cầu phà, sửa chữa, tu bổ tuyến đường quốc lộ số 3 và các đường liên huyện (chủ yếu là các đường từ thị xã - Chợ Đồn, Phủ Thông - Chợ Rã). Đến đầu năm 1965,139 kmđường quốc lộ số 3, trong đó có 107km đường từ Chợ Mới - Nam Ban (Ngân Sơn) và 32km từ Nà Phặc - Bằng Khẩu được rải đá, vá lấp ổ gà, xây kè, mặt đường rộng từ 5 - 6m, xe ô tô đi lại êm thuận hơn, đường số 3 không bị ách tắc lần nào cả ngày lẫn đêm. Đối với đường tỉnh lộ: 46km đường từ thị xã Bắc Kạn - Chợ Đồn và 40km đường từ Phủ Thông - Chợ Rã được rải cấp phối đá dăm đường cải thiện, vá ổ gà, xây kè một số đoạn, mặt đường rộng từ 3-4m, tạo thuận lợi cho xe thô sơ đi lại dễ dàng. Riêng năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), công tác kiến thiết cơ bản đã thực hiện được 365.468 đồng, đạt 96% kế hoạch năm, trong đó đường quốc lộ số 3 đạt 100% kế hoạch. Năm 1964, do ảnh hưởng chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ và các yếu tố về thời tiết, vốn nên các hoạt động giao thông vận tải ở Bắc Kạn phát triển chậm. Tổng giá trị khối lượng thực hiện được 723.320 đồng, đạt 62% kế hoạch.
Cùng với việc tu bổ, mở rộng và nâng cấp đường cũ, trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), được sự hỗ trợ đầu tư của cấp trên về nhân lực và vốn đầu tư, Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn đã tiến hành mở 76,7km đường tỉnh lộ gồm:
- Đường Thác Giềng - Yến Lạc (Na Rì) dài 54km
- Đường Chợ Rã - hồ Ba Bể (thuộc huyện Chợ Rã) dài 16km.
- Đường lâm nghiệp từ thị trấn Bằng Lũng - xã Bình Trung (Chợ Đồn) dài 6,7km.
Để thực hiện các tuyến đường trên, ngay từ năm 1961, Chính phủ và khu Việt Bắc đã điều về Bắc Kạn hàng nghìn thanh niên xung phong và dân công từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam… lên cùng với lực lượng giao thông Bắc Kạn mở các trục đường giao thông tỉnh lộ. Song, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, số dân công tác tỉnh miền xuôi được huy động lên Bắc Kạn mở đường thường không đạt chỉ tiêu trên giao. Năm 1963, tỉnh Bắc Kạn được trên điều động 500 dân công ở Thái Bình, Nam Định lên mở đường nhưng đến hết quý III năm 1963 mới được 287 người. Bên cạnh đó, số thanh niên tuyển dụng bổ sung cho các cung, hạt không đủ theo biên chế được duyệt nên việc thực hiện bảo đảm giao thông vận tải ở Bắc Kạn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, với lực lượng hiện có, cán bộ, công nhân viên chức Ngành Giao thông và các lực lượng mở đường với trên 2.000 người đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trên mỗi tuyến đường.
Ngày 19-5-1961, tuyến đường Thác Giềng - Yến Lạc (Na Rì) được khởi công. Mở đầu là đoạn đường từ Thác Giềng đến xã Hùng Vương (nay là xã Côn Minh) dài 25km. Đến cuối năm 1961, các lực lượng mở đường đã hoàn thành 6km đường ô tô, 300m đường ngầm ở cây số 1, 70m đường ngầm qua sông Cầu, 1 cầu treo dài 80m (đi bộ), 18km đường rộng 1,50m (vượt 3% kế hoạch). Giữa năm 1961, các tuyến đường thị trấn Chợ Rã - hồ Ba Bể, thị trấn Bằng Lũng - xã Bình Trung (Chợ Đồn) cũng được khởi công. Lực lượng tham gia thi công có gần 500 người. Đến cuối năm 1964, các tuyến đường: Thác Giềng - Yến Lạc (Na Rì); Bằng Lũng - Bình Trung; Chợ Rã - hồ Ba Bể đã cơ bản hoàn thành.
Đối với hệ thống đường giao thông nông thôn, thông qua phong trào xây dựng hợp tác xã và bằng nhiều biện pháp chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng địa phương, sự tham mưu của Ngành giao thông vận tải như: Ban hành các chỉ thị, hướng dẫn, phát động thi đua, tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm… nên phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn và giải phóng đôi vai ở Bắc Kạn đã được đông đảo nhân dân tham gia. Trong vòng 5 năm (1961-1965), 100% số xã trong toàn tỉnh đã tích cực củng cố, xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn nhằm giải phóng đôi vai cho người lao động. Nhân dân đã đóng góp hàng triệu ngày công đào đắp, phát quang hàng nghìn km đường liên xã, liên thôn bản, đào đắp, xây dựng hàng trăm km đường bờ vùng, bờ thửa ra đồng cho các phương tiện vận tải thô sơ hoạt động. Trong năm 1961, các huyện Chợ Rã, Chợ Đồn, Ngân Sơn đã làm mới được 166km đường liên xã, liên thôn bản, rộng từ 0,6m đến 1m; 15km đường rộng từ 2 đến 3m để cho xe ô tô và xe thô sơ đi lại. Tại xã Cao Thành (nay là thị trấn Nà Phặc), huyện Ngân Sơn, Ty Giao thông đã phối hợp với Ty Thuỷ lợi thí điểm quy hoạch xây dựng đường nông thôn để rút kinh nghiệm trong toàn tỉnh. Năm 1961, toàn tỉnh có 36 xã, đến cuối năm 1964, có hơn 80 xã (chiếm gần 70% số xã trong tỉnh) có phong trào xây dựng đường nông thôn và giải phóng đôi vai phát triển mạnh mẽ. Điển hình là huyện Ngân Sơn và các xã Hoa Thám (Cao Kỳ), Minh Lập (Huyền Tụng), Hoà Bình (Vi Hương), huyện Bạch Thông; xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn; xã Thượng Giáo, huyện Chợ Rã.
Nhằm giải phóng đôi vai cho người nông dân, hàng năm, các cấp uỷ, chính quyền kết hợp với Ngành giao thông vận tải tích cực tuyên truyền, động viên nhân dân sản xuất các loại phương tiện vận tải thô sơ để giải phóng đôi vai. Năm 1961, toàn tỉnh có 216 xe quệt, 260 cái loỏng để trâu kéo, gần 100 xe cút kít. Riêng huyện Ngân Sơn có 121 phương tiện vận tải thô sơ. Chợ Đồn có 815 con ngựa thồ.
Về lực lượng vận tải chuyên nghiệp cấp tỉnh: Toàn tỉnh có khoảng 15 xe ô tô, trong đó Ty Giao thông vận tải có 9 chiếc cả xe tải và xe ca; 1 hợp tác xã vận tải xe thô sơ cao cấp ở thị xã Bắc Kạn với khoảng trên 20 xe trâu bánh lốp.
Lực lượng vận tải thô sơ ở cấp huyện, xã gồm các loại: xe bò, xe trâu bánh sắt, xe ba gác. Đến năm 1965, toàn tỉnh có hàng nghìn phương tiện vận tải thô sơ như: xe quệt, xe cút kít, loỏng, xe cải tiến… ở các hợp tác xã, xã viên và hộ gia đình.
Với các loại phương tiện vận tải ngày càng phát triển, tổng khối lượng hàng hoá vận chuyển thời kỳ này so với 6 năm (1954-1960) tăng bình quân từ 25-30% về tấn và tấn/km. kết quả:
Vận tải bằng ô tô, năm 1961 đạt 80,5% kế hoạch. 6 tháng đầu năm 1962 là 8.565,6 tấn bằng 713.950 tấn/km, đạt 28,18% kế hoạch. Nguyên nhân là số đầu xe ít, xe cũ hay hỏng, phụ tùng thay thế không có. Bình quân cả năm chỉ đạt 12,6 ngày/tháng/năm.
Tổng số vận chuyển hàng khách: năm 1961, số hành khách đi trong nội ngoại tỉnh là 15.564 người, bằng 1.427.818 người/km, so với năm 1960 tăng 11,93% về người và 11,96% về người/km.
- Vận tải bằng phương tiện xe thô sơ: năm 1961 là 23.298 tấn, bằng 336.657 tấn/km, đạt 128,77%. 6 tháng đầu năm 1962 là 5.879 tấn, bằng 165.448 tấn/km, đạt 27,2% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm. Hàng hoá được vận chuyển là các loại mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống sinh hoạt vật chất, tinh thần của nhân dân vùng nông thôn và phục vụ các công trình xây dựng cơ bản.
Bước vào năm 1965, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng chuyển sang thời kỳ cả nước có chiến tranh. Ở miền Nam, bị thất bại liên tiếp trên chiến trường, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh và hàng ngàn tấn trang thiết bị quân sự vào miền Nam để thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Ở miền Bắc, đế quốc Mỹ tăng cường các lực lượng không quân, hải quân mở rộng chiến tranh phá hoại ra nhiều tỉnh, thành phố, thị xã. Một trong những mục tiêu đánh phá chính của chúng đối với miền Bắc là giao thông vận tải.
Tháng 7-1965, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị: “Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, địch rất chú trọng phá hoại các tuyến giao thông, các cầu cống và phương tiện vận tải của ta nhằm ngăn chặn chúng ta trong việc bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cách mạng miền Nam và làm chậm bước tiến của ta trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”.
Để chủ động đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, đồng thời thực hiện các chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh, quân và dân Bắc Kạn đã khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp, sơ tán người và tài sản, xây dựng hệ thống hầm hào phòng tránh, củng cố cộng sự trận địa, tổ chức lực lượng, bố trí đội hình sẵn sàng đánh trả máy bay định. Lực lượng cán bộ, công nhân giao thông vận tải trên địa bàn các huyện, thị tăng cường phối hợp với cơ quan quân sự, công an tổ chức kiểm tra đường sá, cầu chống, dự kiến kế hoạch bảo đảm giao thông, bảo vệ những đoạn đường, cầu cống sung yếu, trọng điểm, nhất là dọc tuyến quốc lộ số 3 như Bạch Thông, thị xã Bắc Kạn, Ngân Sơn. Ở các khu vực này Huyện uỷ đều cử 1 đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ phụ trách bảo đảm giao thông vận tải. Các huyện đều thành lập các đội thanh niên xung phong, các tổ bảo đảm giao thông. Trên cơ sở tổ chức các lực lượng và tình hình đường sá, cầu cống, nhân lực, vật lực hiện có ở các địa phương, Phòng giao thông các huyện, thị đã xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Huyện uỷ, Thị uỷ duyệt các phương án huy động nhân lực, vật lực đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải, sẵn sàng đối phó thắng lợi với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Sau những năm tháng cần kiệm và ra sức thi đua phấn đấu góp phần khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế - xã hội xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn từng bước được củng cố, xây dựng và phát triển tương đối đồng bộ, toàn diện về bộ máy tổ chức, về cán bộ, công nhân viên chức và cơ sở vật chất. Đây thực sự là những cơ sở, tiền đề bước đầu để Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn chủ động chuyển hướng kịp thời mọi hoạt động bảo đảm giao thông vận tải từ thời bình sang thời chiến, phục vụ đắc lực cho quân và dân Bắc Kạn chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời tích cực chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
II. Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn phục vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng hậu phương, góp phần đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ (tháng 9/1965-5/1975).
Bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cùng với đồng bào cả nước, giai cấp công nhân, nông dân, trí thức và các tầng lớp nhân dân các dân tộc Kắc Kạn sôi nổi thi đua thực hiện phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Tay búa tay súng”, “Tay cày tay súng” nhằm quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Từ nội dung Nghị quyết Trung ương tháng 7-1965 và các chỉ thị, Nghị quyết của Khu uỷ Việt Bắc về bảo đảm giao thông vận tải, cuối tháng 8-1965, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Thái đã ra Nghị quyết chuyên đề về nhiệm vụ “Bảo đảm giao thông thời chiến”. Nghị quyết xác định: "Bảo đảm giao thông vận tải là công tác trọng tâm, đột xuất của toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh. Nhiệm vụ các cấp uỷ Đảng từ tỉnh xuống cơ sở là phải tập trung lãnh đạo công tác này". Ngay sau đó, Ban bảo đảm giao thông thời chiến các cấp được thành lập. Ban bảo đảm giao thông tỉnh do đồng chí Lê Nguyên Kính, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ làm Trưởng ban. Đồng chí Nguyễn Xuyên, Trưởng ty Giao thông vận tải làm phó Trưởng ban và các đồng chí uỷ viên gồm có đại diện các ngành quân sự, công an. Các huyện ở Bắc Kạn đều do 1 đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Thị uỷ, Huyện uỷ làm Trưởng ban bảo đảm giao thông thời chiến. Đồng chí Trưởng Phòng giao thông vận tải làm phó Trưởng ban và đại diện cơ quan huyện đội, thị đội, công an làm uỷ viên.
Để bảo đảm giao thông thời chiến, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ty Giao thông vận tải, Ngành Giao thông vận tải Bắc Kạn đã nhanh chóng chuyển mọi hoạt động bảo đảm giao thông vận tải từ thời bình sang thời chiến theo phương châm: Khai thác và phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của nguồn nhân lực, phương tiện và vật liệu tại chỗ.
Kể từ khi hợp nhất 2 tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái, lực lượng Ngành giao thông vận tải chuyên nghiệp trên địa bàn Bắc Kạn gồm có:
1. Đoạn bảo dưỡng đường bộ II, gồm các hạt 1, 2, 3, 4, 5, Hạt giao thông Chợ Đồn, Na Rì, Bến phà Chợ Mới, Bến phà thị xã Bắc Kạn. Tổng quân số của Đoạn bảo dưỡng đường bộ II có từ 600-700 cán bộ, công nhân, viên chức, do đồng chí Nông Văn Sảo, phó Trưởng Ty làm Đoạn trưởng. Đồng chí Trần Văn Giai làm Đoạn phó. Tiếp sau đó là các đồng chí Nguyễn Ngọc Phán (1965-1968), Hà Văn Mạ (1968-1969), Ma Văn Đôi (1969-1973), Lê Định (1973-1977), Đinh Văn Vận (1978-1979). Các đồng chí giữ chức vụ Đoạn phó là: Trần Văn Giai (1964-1970), Nông Văn Lưu (1971-1977), Trần Tuấn Khảo (1978-1979)
Bộ máy văn phòng Đoạn có từ 15 - 19 người gồm:
- Tổ hành chính - tổ chức, do đồng chí Lý Văn Kiêm làm tổ trưởng
- Tổ kế hoạch kỹ thuật + xe máy, do đồng chí Nguyễn Huy Chu làm tổ trưởng
- Tổ tài vụ + vật tư, do đồng chí Triệu Bẩy làm tổ trưởng
- Xưởng sửa chữa cầu phà + công cụ có từ 15 - 20 người, do đồng chí Hoàng Văn Kẻ làm Xưởng trưởng.
- Đội công trình sản xuất vật liệu, do đồng chí Nguyễn Văn Ba làm Đội trưởng.
- Đội Cầu có 50 cán bộ, công nhân viên, do đồng chí Vi Văn Đồng làm Đội trưởng.
Các đơn vị trực thuộc:
- Hạt 1 phụ trách từ cầu Ổ Gà, Chợ Mới - Thị xã Bắc Kạn (42km) có 4 cung với khoảng 20 cán bộ, công nhân, viên chức, do đồng chí Ma Văn Nhất làm Hạt trưởng. Hạt có 1 chi bộ với khoảng từ 3 - 5 đảng viên.
- Hạt 2 phụ trách từ thị xã Bắc Kạn - Lãng Ngâm (30km), có 4 cung với khoảng 15 cán bộ, công nhân, viên chức, do đồng chí Triệu Đức Cân làm Hạt trưởng. Hạt có 1 chi bộ có với khoảng từ 3 - 5 đảng viên.
- Hạt 3 phụ trách từ Lãng Ngâm - đỉnh đèo Cao Bắc, Ngân Sơn (60km) có 4 cung với khoảng 30 cán bộ, công nhân, viên chức, do đồng chí Nguyễn Tiến Đạt làm Hạt trưởng. Hạt 3 có 1 chi bộ với khoảng từ 3 - 5 đảng viên.
- Hạt 4 phụ trách từ Nà Phặc - đỉnh đèo CôLia (28km) có 3 cung với khoảng 15 cán bộ, công nhân, viên chức, do đồng chí Triệu Đức Thịnh làm Hạt trưởng. Hạt 4 có 1 chi bộ với khoảng từ 3 - 5 đảng viên.
- Hạt 5 phụ trách từ Phủ Thông - Chợ Rã, (40km) có 4 cung với khoảng 20 cán bộ, công nhân, viên chức, do đồng chí Lý Văn Độ làm Hạt trưởng.
- Hạt Chợ Đồn phụ trách từ thị xã Bắc Kạn - Bằng Lũng (44km) có 4 cung với khoảng 20 cán bộ, công nhân, viên chức, do đồng chí Lục Văn Hùng làm Hạt trưởng. Hạt Chợ Đồn có 1 chi bộ với khoảng từ 3 - 5 đảng viên.
- Hạt Na Rì phụ trách từ Thác Giềng - Yến Lạc, (Na Rì) (57km) có 5 cung với khoảng 30 cán bộ, công nhân, viên chức, do đồng chí Chu Văn Nuôi làm Hạt trưởng. Hạt Na Rì có 1 chi bộ với khoảng từ 3 - 5 đảng viên.
- Bến phà Chợ Mới gồm có khoảng 10 cán bộ, công nhân, viên chức, do đồng chí Nguyễn Hữu Quý làm Trưởng bến.
- Bến phà thị xã Bắc Kạn có khoảng 10 cán bộ, công nhân, viên chức, do đồng chí Nguyễn Văn Lương làm Trưởng bến.
Về tổ chức Đảng và các đoàn thể chính trị.
Văn phòng Đoạn bảo dưỡng đường bộ II được tổ chức thành lập Đảng bộ cơ sở 2 cấp, trực thuộc Đảng bộ Ty Giao thông vận tải. Ban Chấp hành Đảng bộ có 7 đồng chí, do đồng chí Phan Xuân Cư làm Bí thư (1965-1977). Đồng chí Đinh Văn Vận làm Bí thư (1978-1979). Toàn Đảng bộ có 108 đảng viên, sinh hoạt ở 10 chi bộ, gồm:
- Chi bộ Văn phòng đoạn có 19 đảng viên. Ban Chi ủy có 4 đồng chí, do đồng chí Trần Đức Duống làm Bí thư. Đồng chí Trần Đăng Tiến làm phó Bí thư.
Các đoàn thể chính trị.
- Công đoàn Văn phòng Đoạn là công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Ty Giao thông vận tải, do đồng chí Lý Văn Kiệm làm Thư ký chuyên trách trực thuộc Công đoàn Văn phòng Đoạn có Công đoàn Văn phòng 7 hạt, 2 bến phà.
- Đoàn Thanh niên Văn phòng Đoạn trực thuộc Đoàn thanh niên Ty Giao thông vận tải, do đồng chí Lý Hồng Phong làm Bí thư. Trực thuộc Đoàn thanh niên Văn phòng Đoạn có các chi đoàn: Văn phòng Đoạn, 7 hạt, 2 bến phà.
2. Đội công trình 2 có khoảng 350 - 400 cán bộ, công nhân, viên chức, do đồng chí Lê Định làm Đội trưởng. Đồng chí Hà Tiến Cao làm Đội phó. Các đơn vị trực thuộc Đội công trình 2 có: B2, B3, B5, B7. Mỗi B có 70-80 cán bộ, công nhân viên chức. Đội công trình 2 có khoảng 30-40 đảng viên, được tổ chức thành chi bộ trực thuộc Đảng bộ Ty Giao thông vận tải.
3. Trạm vận tải quốc doanh có khoảng 10-15 cán bộ, công nhân viên chức, do đồng chí Dịp Phù Lường làm Trạm trưởng. Khoảng năm 1967, Trạm nhập vào Công ty vận tải ô tô Bắc Thái và chuyển về địa bàn Thái Nguyên.
Từ năm 1965-1975, lực lượng bảo đảm giao thông vận tải chuyên nghiệp trên địa bàn Bắc Kạn luôn luôn phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương và lực lượng giao thông vận tải nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Cũng trong thời kỳ này, để bảo đảm giao thông thông suốt, từ tháng 8-1965 số vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho Ngành giao thông vận tải tỉnh được trên hỗ trợ tăng 8,3 lần so với năm 1960. Về nguồn nhân lực, ngoài lực lượng bảo đảm giao thông chuyên nghiệp, Ban bảo đảm giao thông các huyện, thị xã tổ chức được hàng chục các tổ đội bảo đảm giao thông không chuyên nghiệp ở các xã, nhất là các xã nằm dọc tuyến đường quốc lộ số 3. Các lực lượng này thường xuyên ứng trực và sử dụng các phương tiện, vật liệu tại chỗ để kịp thời xử lý, khắc phục hậu quả do máy bay địch đánh phá. Nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác bảo đảm giao thông thông suốt, Ngành giao thông vận tải các huyện đã chủ động tham mưu cho các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những kinh nghiệm hay, những tấm gương dũng cảm bảo đảm giao thông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình cho cán bộ, công nhân viên chức trong Ngành, các lực lượng bảo đảm giao thông và các tầng lớp nhân dân.
Cho đến những ngày đầu tháng 9-1965, mọi hoạt động sơ tán người và cơ sở vật chất, công tác bảo đảm giao thông và chuẩn bị chiến đấu đánh trả máy bay địch của quân và dân Bắc Kạn đã và đang ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.
Ngày 5-9-1965, giặc Mỹ đã cho nhiều tốp máy bay đánh phá ác liệt nhiều trọng điểm giao thông, kinh tế, khu dân cư, mở đầu cho các trận đánh phá ác liệt của chúng trên địa bàn của tỉnh. Lực lượng phòng không thị xã Bắc Kạn đã bắn cháy 1 chiếc máy bay của giặc Mỹ. Đây là chiếc máy bay đầu tiên của giặc Mỹ bị bắn cháy trên bầu trời Bắc Thái và ở Khu tự trị Việt Bắc. Với chiến công vang dội này, lực lượng vũ trang thị xã Bắc Kạn đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thưởng luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Đại đội 73 súng phòng không của tỉnh đội được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhì. Lực lượng dân quân xã Huyền Tụng, huyện Bạch Thông (nay thuộc thành phố Bắc Kạn), đơn vị dân quân đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”. Phần thưởng vinh dự cùng với chiến công đầu bắn rơi 1 máy bay giặc Mỹ đã làm nức lòng quân và dân trong tỉnh, kịp thời cổ vũ, động viên quân và dân trong tỉnh thi đua đẩy mạnh sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Đặc biệt đã cổ vũ mạnh mẽ lực lượng thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, cán bộ, công nhân viên Ngành giao thông vận tải, lực lượng công binh ngày đêm bám đường, cầu phà để khắc phục hậu quả sự đánh phá của địch, bảo đảm giao thông thông suốt.
Liên tiếp trong các ngày 8,10,12,14,15-9-1965, 103 lần chiếc máy bay Mỹ đã ném 630 quả bom xuống khu vực kho A3, xã Xuất Hoá, phá hỏng 95% công trình.
Sau những trận đánh phá của địch, cùng với cán bộ của Ty Giao thông vận tải, Ngành giao thông vận tải thị xã Bắc Kạn, huyện Bạch Thông, Ngân Sơn đã khẩn trương tập trung kiểm tra, củng cố đội thanh niên xung phong, tổ bảo đảm giao thông vận tải và bổ sung phương án bảo đảm giao thông vận tải trên quốc lộ số 3. Các bến phà Chợ Mới, thị xã Bắc Kạn kiểm tra nhân lực, phà, tập kết các loại vật liệu như: gỗ, rọ thép, đá hộc… về các địa điểm tập trung gần bến phà để kịp thời ứng cứu, khắc phục hậu quả đánh phá của máy bay địch.
Ngày 17-10-1965, từ 11 giờ 15 phút đến 12 giờ 5 phút, 9 lần tốp với 36 lần chiếc máy bay Mỹ đã ném 54 quả bom xuống khu vực cầu phà thị xã Bắc Kạn làm 29 người chết và bị thương, 55 ngôi nhà, 3 tấn gạo bị phá huỷ, 500m đường phía nam vào cầu phà bị phá hỏng.
Để khắc phục đoạn đường phía Nam bến phà, từ phương án, kế hoạch được xây dựng, Phòng Giao thông vận tải thị xã đã tham mưu cho Thị uỷ, Uỷ ban hành chính thị xã chỉ đạo, tổ chức các lực lượng khắc phục hậu quả đánh phá của địch. Ngay tối 17-10-1965, lực lượng cán bộ, công nhân Hạt 2, bến phà thị xã, hơn 600 cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ thị xã và lực lượng giao thông nhân dân đã nhanh chóng vận chuyển đất, đá, san lấp hố bom, sửa chữa xong 500m đường phía nam cầu phà, bảo đảm thông xe ngay trong đêm. Tiếp đó, sau 5 ngày đêm, lực lượng vận tải thị xã và xã Huyền Tụng đã vận chuyển gần 500 tấn thóc ở kho lương thực thị xã đến nơi an toàn.
Ngày 20-10-1965, nhiều tốp máy bay Mỹ liên tiếp ném bom, bắn phá cầu Ổ Gà thị trấn Chợ Mới, huyện Bạch Thông (nay thuộc huyện Chợ Mới), các lực lượng phòng không đã anh dũng nổ súng đánh trả máy bay địch... Các đợt ném bom của máy bay Mỹ đã làm 15 người thương vong, 70% cầu Ổ Gà bị phá hỏng, mố cầu bị hất sang một bên, đường vào cầu bị phá sâu 8m, rộng trên 10m. Với phương châm: Nhân lực và vật lực tại chỗ, ngay trong đêm đó, lực lượng cán bộ, công nhân giao thông Hạt 1, bến phà Chợ Mới, 250 cán bộ, chiến sĩ dân quân thị trấn Chợ Mới và một số xã gần cầu đã nhanh chóng san lấp, sửa chữa bảo đảm giao thông thông suốt.
Ngày 19-12-1965, hàng chục máy bay Mỹ tiếp tục ném bom, bắn phá cầu phà thị xã Bắc Kạn lần thứ hai. Lực lượng phòng không thị xã đã anh dũng chiến đấu, quyết liệt đánh trả máy bay địch, làm cho chúng cắt bom không trúng cầu phà. Mục tiêu bảo vệ cầu phà ta vẫn giữ được, bảo đảm giao thông thông suốt.
Qua thử thách bước đầu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên mặt trận bảo đảm giao thông vận tải. Kể từ ngày 5-9-1965 đến cuối tháng 12-1965, mặc dù tuyến quốc lộ số 3 bị đánh phá 5 lần, trọng điểm là cầu phà thị xã Bắc Kạn, cầu Ổ Gà, Chợ Mới và một số tuyến đường liên huyện bị ném bom tàn phá, nhưng địch càng đánh phá thì lòng căm thù, ý chí quyết tâm của cán bộ, công nhân Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn càng lên cao với ý chí “Địch phá, ta sửa ta đi”, “Địch phá ngày, ta sửa đêm”. Vì vậy, có những đợt địch đánh phá ác liệt vào cầu phà thị xã nhưng cán bộ, chiến sĩ bảo đảm giao thông vẫn không quản ngại hy sinh, kiên cường bám đường, cầu, phà, nắm chắc các vị trí địch đánh bằng loại bom gì, bao nhiêu quả, kịp thời đánh dấu và tháo gỡ, khắc phục hậu quả, nhanh chóng thông đường phục vụ chiến đấu, sản xuất và ổn định tình hình tư tưởng trong nhân dân.
Nhằm củng cố, tăng cường hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn Khu tự trị Việt Bắc với các tỉnh bạn và về Hà Nội, theo sự thoả thuận giữa Đảng, Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc, từ cuối năm 1965, nhân dân Trung Quốc đã cử một số đơn vị bộ đội công binh sang giúp ta xây dựng, sửa chữa, nâng cấp một số tuyến đường bộ và đường sắt trong Khu tự trị Việt Bắc. Trên địa bàn của tỉnh Bắc Kạn, các đơn vị đại đội 18, đại đội 19, chi đội Lục quân công binh đã sửa chữa, nâng cấp161 kmđường quốc lộ số 3 từ huyện Phú Lương (nay thuộc tỉnh Thái Nguyên) lên đến đèo Cao Bắc, huyện Ngân Sơn, làm mới 6 cầu lớn, 34 cầu nhỏ, 450 cống các loại, góp phần quan trọng bảo đảm giao thông thông suốt trên địa bàn tỉnh. Việc làm hiệu quả đó thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân Trung Quốc đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhân dân các nơi trên địa bàn của tỉnh đã tận tình giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị bộ đội Trung Quốc hoàn thành nhiệm vụ.
Từ giữa năm 1966, cuộc kháng chiến chống Mỹ trên phạm vi cả nước ngày càng diễn ra rất quyết liệt. Ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn dân chống Mỹ cứu nước, Người tuyên bố: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quí hơn độc lập tự do !”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện các phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, cán bộ, công nhân Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai” quyết tâm cùng với lực lượng giao thông nhân dân bảo đảm giao thông thông suốt, sẵn sàng đối phó kịp thời với các trận đánh phá giao thông của máy bay địch.
Ngày 9-10-1966, hàng chục máy bay Mỹ lao đến ném bom, bắn phá dữ dội khu vực cầu Pá Danh, xã Huyền Tụng, mặt đường vào cầu và cầu bị phá hỏng nghiêm trọng. Ngay sau đợt đánh phá ác liệt của máy bay địch, cán bộ Phòng giao thông huyện Bạch Thông cùng các đồng chí Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã đã có mặt tại hiện trường xem xét, đánh giá và thống nhất phương án khắc phục để bảo đảm giao thông. Đến 18 giờ 30 phút tối hôm đó, 350 dân quân xã Huyền Tụng và thị xã Bắc Kạn cùng với đội bảo đảm giao thông của Hạt 2 nhanh chóng sửa chữa cầu, đường quyết tâm không để ùn tắc giao thông. Các cụ Hà Văn Thức, Nông Văn Quang, Tạ Văn Thuận, Nguyễn Duy Tự đã mang cuốc, xẻng, xà beng ra cùng làm động viên con cháu. Các lực lượng đã vận chuyển, đào đắp trên 1.000m3 đất đá để san lấp, sửa chữa mặt đường vào cầu. Cán bộ, công nhân giao thông Hạt 2 với các phương tiện thô sơ như cưa, đục, búa, đinh đã khẩn chương lao, lắp các dầm, ván cầu. Sau 2 tiếng đồng hồ, cầu Pá danh và mặt đường vào cầu Pá Danh đã được sửa chữa xong, vượt trước thời gian qui định. Các đoàn xe lại tiếp tục ngược xuôi. Với những thành tích bảo đảm giao thông thông suốt trên đoạn đường quốc lộ 3 dài hơn 5km qua xã, năm 1966, cán bộ, nhân dân xã Huyền Tụng, huyện Bạch Thông (nay thuộc thị xã Bắc Kạn) đã vinh dự được Uỷ ban hành chính tỉnh tặng danh hiệu lá cờ đầu về bảo đảm giao thông thời chiến. Đây là tập thể tiêu biểu, thể hiện sinh động tinh thần chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lao động sản xuất và phục vụ chiến đấu của quân và dân Bắc Kạn trên mặt trận bảo đảm giao thông vận tải.
Đầu năm 1967, dự kiến cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ có thể ác liệt hơn, phạm vi đánh phá rộng hơn và kéo dài liên tục, Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh chỉ đạo các địa phương cần tập trung thực hiện tốt công tác phòng không nhân dân, đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm giao thông vận tải phục vụ sản xuất và chiến đấu.
Cuối tháng 1-1967, phối hợp chiến đấu với lực lượng phòng không Bắc Kạn, Quân chủng phòng không - không quân đã điều tiểu đoàn tên lửa 89, trung đoàn 274 lên triển khai trận địa chiến đấu ở sân bay Bắc Kạn. Huyện uỷ Bạch Thông và Thị uỷ thị xã Bắc Kạn đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức lực lượng dân quân tự vệ, đội thanh niên xung phong, lực lượng cán bộ, công nhân hạt giao thông Bạch Thông khẩn trương sửa chữa đường để kéo xe tên lửa vào công sự, đồng thời nhanh chóng nguỵ trang kín đáo trận địa. Khoảng 14 giờ ngày 4-2-1967, bằng 2 quả tên lửa, tiểu đoàn 89 đã bắn rơi 2 máy bay giặc Mỹ. Chiến công bắn cháy 2 máy bay giặc Mỹ trên bầu trời Bắc Kạn đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần và ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân trong tỉnh trên mặt trận lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm giao thông vận tải, trong chiến công này, cán bộ, công nhân Ngành giao thông vận tải rất vinh dự, tự hào vì đã có những đóng góp xứng đáng của mình.
Tháng 3-1967, 9 xã phía Nam và thị trấn Chợ Mới của huyện Bạch Thông được sáp nhập vào huyện Phú Lương. Ngày 25-7-1967, thị xã Bắc Kạn được sáp nhập vào huyện Bạch Thông và trở thành thị trấn huyện lỵ của huyện Bạch Thông. Phần đất Bắc Kạn thuộc tỉnh Bắc Thái còn 5 huyện là: Chợ Rã, Ngân Sơn, Na Rì, Chợ Đồn và huyện Bạch Thông.
Để tăng cường các lực lượng phòng không đánh trả máy bay địch bảo vệ các mục tiêu giao thông trọng điểm, từ cuối tháng 9-1967, lực lượng vũ trang Bạch Thông đã điều chỉnh, bố trí và tăng cường lực lượng chiến đấu cho 3 cụm chính: Cụm 1 bảo vệ thị trấn Phủ Thông được bổ sung thêm 3 khẩu trung liên; cụm 2 bảo vệ cầu Nà Cù được bổ sung thêm 2 khẩu đại liên; cụm 3 bảo vệ cầu Pá Danh và cầu phà thị xã Bắc Kạn được bổ sung thêm 4 khẩu đại liên.
Về phía địch, liên tiếp trong các tháng 6, 7, 8, 10-1967, hàng chục lần tốp máy bay địch đã ném bom, bắn phá ác liệt nhiều khu vực như: Thị trấn Phủ Thông, Bắc Kạn, các xã Huyền Tụng, Phương Linh, Cao Kỳ, huyện Bạch Thông; các xã Phương Viên, Yên Thượng, huyện Chợ Đồn gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Các lực lượng phòng không đã anh dũng nổ súng đánh trả quyết liệt máy bay địch. Các mục tiêu giao thông cơ bản được bảo vệ.
Ngay sau những đợt đánh phá của địch, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, lực lượng dân quân tự vệ tại chỗ đã nhanh chóng có mặt giải quyết kịp thời những hậu quả do địch tàn phá. Lực lượng bảo đảm giao thông tại chỗ đã khẩn trương tổ chức sửa chữa, khôi phục lại cầu, cống, mặt đường bị hư hại.
Những tháng cuối năm 1967, tuy máy bay địch giảm cường độ đánh phá các mục tiêu quân sự, kinh tế, giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh nhưng cán bộ, công nhân giao thông vận tải các đơn vị và địa phương vẫn luôn luôn thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng bảo đảm giao thông thông suốt. Được sự chỉ đạo của Ty Giao thông vận tải, Phòng Giao thông vận tải các huyện, các Hạt, cung giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục củng cố, kiện toàn một bước về tổ chức, biên chế, số lượng, chất lượng cán bộ, công nhân viên chức. Đồng thời tổ chức học tập chính trị, quán triệt các chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên về nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải. Bên cạnh đó, các cấp lãnh đạo Ngành còn chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo, giáo dục về văn hoá, kỹ thuật giao thông vận tải cho cán bộ, công nhân viên chức, nhất là số công nhân mới được tuyển dụng. Từ đầu năm 1966, hầu hết số công nhân được tuyển dụng đều được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn kỹ thuật của Ngành từ 2-3 tháng. Hàng chục công nhân được cử đi đào tạo từ 3-6 tháng do Ty Giao thông tổ chức. Đặc biệt, ở các Hạt, cung giao thông các huyện đã thành lập được các tổ tháo giỡ bom nổ chậm do Ban công binh tỉnh đội huấn luỵên, mỗi tổ có từ 3-5 công nhân. Nhờ có lực lượng này, nhiều đoạn đường, cầu phà khi bị địch thả bom nổ chậm đã nhanh chóng được tháo gỡ, thông đường, giải phóng xe.
Trong quá trình bảo đảm giao thông vận tải, Ngành giao thông vận tải các huyện đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm giao thông vận tải khi địch giảm cường độ đánh phá. Ở cầu phà thị trấn Bắc Kạn, các lực lượng bảo đảm giao thông đã xây dựng xong đoạn đường ngầm dài hơn 200m dự phòng khi phà bị hỏng. Các tuyến đường Phủ Thông - Chợ Rã, Thác Giềng - Na Rì, thị trấn Bắc Kạn - Chợ Đồn tiếp tục được đầu tư nguồn nhân lực và vốn để sửa chữa, nâng cấp mặt đường và cầu, cống. Cuối năm 1967, đường ô tô Thác Giềng - Yến Lạc, Na Rì dài 56km đã thông xe. Tại các điểm có cầu, cống trên đường số 3 và các đường liên huyện, Ngành giao thông các huyện đã bổ sung thêm nhiều loại vật liệu dự trữ như: Gỗ, tre, đá hộc, rọ thép, đồng thời tiếp nhận, đưa vào các kho dự trữ hàng nghìn công cụ thô sơ như: cuốc, xẻng, xà beng, xe cải tiến, xe cút kít.
Trải qua hơn hai năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ và Ty Giao thông vận tải, Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn đã quán triệt và thực hiện tốt phương châm "Vừa lao động sản xuất, vừa xây dựng Ngành". Vì vậy, trong mọi hoạt động lao động sản xuất, bảo đảm giao thông vận tải, Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng và bảo đảm đời sống. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức thường xuyên được bồi dưỡng, đào tạo, huấn luyện về chuyên môn kỹ thuật đã thể hiện tốt vai trò vừa là lực lượng nòng cốt, vừa là cơ quan tham mưu cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương phát huy sức mạnh tổng hợp của quân và dân trong tỉnh bảo đảm giao thông vận tải thông suốt. Những kết quả đạt được đó đã góp phần quan trọng, phục vụ đắc lực cho quân và dân Bắc Kạn xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh ngày càng vững mạnh. Đồng thời trực tiếp góp phần xứng đáng cùng với quân và dân trong tỉnh đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Bước sang năm 1968, ngay sau khi đế quốc Mỹ tuyên bố tạm ngừng ném bom miền Bắc, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh, trực tiếp là các Huyện uỷ, Ngành giao thông vận tải và lực lượng giao thông nhân dân tăng cường các hoạt động khôi phục, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông liên tỉnh và huyện, xây dựng được hàng trăm km đường giao thông nông thôn.
Trên đường quốc lộ số 3, Ngành giao thông vận tải các huyện Bạch Thông, Ngân Sơn, các đội thanh niên xung phong thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động sửa chữa cầu, cống, vá lấp ổ gà, hót đất sạt lở, phát quang cây cối hai bên đường bảo đảm mặt đường êm thuận và tầm nhìn của lái xe cơ giới. Đồng thời thường xuyên duy trì các tổ đội công nhân trực chiến ở các cầu, cống, đoạn đường hay sạt lở để bảo đảm cầu đường luôn luôn thông xe.
Mùa hè năm 1969, nhiều cơn mưa lũ đã làm sạt lở nhiều đoạn đường trên quốc lộ số 3, cuốn trôi một số cầu cống nhỏ, nặng nhất là 10km đoạn đường từ bản Nà Nọi, xã Thiều Quan (nay là thị trấn Nà Phặc) đến đỉnh đèo Gió. Ngay sau trận mưa lũ, 3 đội thanh niên xung phong, 98% cán bộ, công nhân giao thông đội Công trình 2, Hạt 3, Đoạn bảo dưỡng đường bộ II cùng lực lượng giao thông nhân dân với hàng nghìn người đã nhanh chóng tập trung khắc phục. Sau 15 ngày đêm làm việc liên tục, tuyến đường 3 từ Bắc Kạn - Cao Bằng đã thông xe. Kết quả đó thể hiện sự phấn đấu nỗ lực của các cấp bộ Đảng Bắc Kạn trong việc chấp hành và vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, là kết quả của tinh thần yêu nước và ý chí quyết tâm chống Mỹ cứu nước của quân và dân Bắc Kạn trên mặt trận giao thông vận tải dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giữa lúc quân và dân ta đang tập trung mọi nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác, sẵn sàng chiến đấu và tích cực huy động sức người, sức của cho chiến trường chống Mỹ thì một tổn thất vô cùng lớn lao đến với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua đời tại Hà Nội, thọ 79 tuổi. Sáng ngày 6-9-1969, lễ truy liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể ở các trung tâm huyện lỵ, các cơ quan và các xã. Trong những ngày này, khắp các nơi trong tỉnh, các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang đều để tang Bác. Các cơ quan, trường học, trụ sở hợp tác xã đều treo quốc kỳ rủ có dải băng đen và bàn thờ Bác Hồ có băng vải đen nổi bật dòng chữ: Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Ghi nhớ công ơn của Người, Đảng bộ, quân và dân Bắc Kạn đã nghiêm túc tổ chức các đợt học tập và làm theo Di chúc của Bác Hồ, lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Biến đau thương thành hành động cách mạng, các phong trào thi đua lập công dâng lên Bác trong lao động sản xuất, bảo đảm giao thông vận tải, phục vụ sản xuất chiến đấu được toàn thể cán bộ, công nhân viên chức Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn tích cực thực hiện.
Bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên đường quốc lộ số 3, để đề phòng khi bị địch đánh phá, nhiều tuyến đường nông thôn liên xã ra đường liên huyện, ra đường quốc lộ số 3 ở Bạch Thông, Ngân Sơn, Chợ Đồn dài hàng chục km đã được mở rộng từ 3-4m, trở thành đường vòng tránh, thay thế đường trục chính khi bị ách tắc.
Đối với hệ thống đường giao thông nông thôn, đến năm 1969, 40% các xã và hợp tác xã trong tỉnh đã xây dựng và thực hiện quy hoạch giao thông nông thôn theo phương hướng kiến thiết đồng ruộng. Chỉ tính riêng huyện Bạch Thông, lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng giao thông nhân dân đã đóng góp gần 113.000 ngày công xây dựng các hồ, đập thuỷ lợi và hàng trăm km kênh mương, khắc phục được các trận lũ quét về mùa mưa, bảo đảm nước tưới, tiêu cho hàng trăm ha lúa hai vụ. Hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều thực hiện phương châm: đào đắp kênh mương dẫn nước tưới tiêu thì trên thành đường giao thông, hệ thống cầu, cống của thuỷ lợi cũng là cầu, cống phục vụ giao thông vận tải. Tính đến cuối năm 1971, toàn tỉnh đã xây dựng được hàng trăm cống bằng gạch, bằng ống cống bê tông, cầu gỗ, cầu tre. Các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn là những điểm sáng về sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương để xây dựng các cầu cống đơn giản phục vụ đi lại và sản xuất của nhân dân.
Đi đôi với việc tổ chức xây dựng đường sá, cầu, đường giao thông nông thôn, công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa cầu đường và phương tiện vận tải ở nông thôn cũng có nhiều tiến bộ. Các huyện đều có quy chế phân cấp cho các xã tổ chức quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa cầu đường trong phạm vi xã quản lý. Các hợp tác xã còn lập quy ước, tổ chức các tổ, đội và cá nhân trông coi, giữ gìn, bảo vệ cầu đường. Một số xã ở Bạch Thông, Na Rì, Chợ Rã còn trích quỹ bằng thóc trợ cấp cho các đơn vị, cá nhân bảo vệ cầu đường. Đến năm 1975, 100% các xã trên địa bàn của tỉnh đều có đội quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa cầu đường nông thôn với gần 4.000 người, bình quân mỗi xã có 1 đội từ 30 - 40 người. Khoảng 50% số xã trong tỉnh có tổ cơ khí sửa chữa nhỏ, có khả năng tự đóng được xe cải tiến, xe cút kít, xe trâu, bò kéo bánh hơi phục vụ sản xuất và vận tải hàng hoá ở địa phương.
Là tỉnh có địa hình với nhiều sông suối, khe lạch chia cắt, để đề phòng các cơn mưa rừng, lũ cuốn, lũ ống, lực lượng giao thông các huyện đều tổ chức được các nguồn nhân lực, vật lực dự phòng, sẵn sàng ứng cứu ở các trọng điểm đường, cầu cống. Nhờ vậy, sau các trận lũ lụt, thiên tai bất thường, các lực lượng tại chỗ đã có mặt kịp thời khắc phục hậu quả, giảm đến mức thấp nhất sự thiệt hại về người và cơ sở vật chất. Trong trận lũ lụt tháng 8-1971, nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, cụ thể về kế hoạch và lực lượng nên hệ thống đường giao thông trên quốc lộ 3, các tuyến đường liên huyện, liên xã, nhất là hệ thống đường giao thông ở Chợ Đồn, thị trấn Bắc Kạn và một số xã của huyện Bạch Thông đã nhanh chóng được khôi phục, bảo đảm giao thông thông suốt, kịp thời phục vụ sản xuất và sẵn sàng chiến đấu.
Như vậy, sau hơn 3 năm đế quốc Mỹ tạm ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, Ngành giao thông vận tải và lực lượng giao thông vận tải nhân dân Bắc Kạn đã tích cực khắc phục hậu quả chiến tranh, thường xuyên chủ động nâng cao năng lực quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ số 3, đường liên huyện. Đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống đường, cầu cống giao thông nông thôn, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh ngày càng vững mạnh và tích cực chi viện cho tiền tuyến. Những kết quả đó tuy còn nhỏ bé nhưng thực sự là tiền đề vững chắc về ý chí, tinh thần và vật chất bảo đảm cho quân và dân Bắc Kạn chủ động đối phó có hiệu quả với mọi âm mưu, hành động của đế quốc Mỹ.
Đầu tháng 4-1972, đế quốc Mỹ đã huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai.
Trước tình hình đó, ngày 16-4-1972, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi: "Các lực lượng vũ trang nhân dân hãy dũng cảm xông lên giết giặc. Mỗi công dân phải là một chiến sĩ kiên cường chống Mỹ cứu nước".
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và thực hiện các Chỉ thị của Tỉnh uỷ, các cấp bộ Đảng, chính quyền Bắc Kạn đã lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân trong tỉnh chuyển toàn bộ mọi hoạt động sang thời chiến.
Từ những bài học kinh nghiệm trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, quân và dân Bắc Kạn bước vào cuộc chiến đấu mới với ý chí, quyết tâm chiến đấu cao và được tổ chức chặt chẽ, khoa học. Các lực lượng vũ trang nhanh chóng triển khai đội hình, chiếm lĩnh các trận địa, sẵn sàng nổ súng bắn máy bay địch. Các mục tiêu như cầu phà thị trấn Bắc Kạn, cầu phà Nà Cù, cầu Nà Phặc… và một số trọng điểm trên tuyến quốc lộ số 3 được tăng cường thêm nhiều tổ, đội bắn máy bay. Lực lượng bảo đảm giao thông vận tải, lương thực, y tế triển khai các nguồn lực vật chất, sẵn sàng phục vụ chiến đấu. Lực lượng dự bị, dân quân rộng rãi và các tầng lớp nhân dân tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, giữ gìn trật tự trị an, sửa chữa hầm hào, luyện tập khắc phục hậu quả máy bay địch đánh phá. Đến cuối tháng 4-1972, quân và dân Bắc Kạn đã tổ chức sơ tán cho hàng nghìn người dân trong diện phải sơ tán, hàng chục cơ quan, trường học, bệnh viện, kho tàng ở các địa bàn trọng điểm đã được sơ tán đến nơi an toàn. Lực lượng vận tải nhân dân đã vận chuyển được hàng trăm tấn vật tư, hàng hoá, lương thực, thuốc men đến các địa điểm sơ tán.
Đầu tháng 6-1972, sau khi địch phong toả cảng Hải Phòng và vùng biển miền Bắc, Trung ương giao cho tỉnh Bắc Thái phải bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống trên quốc lộ số 3 nhằm tiếp nhận hàng hoá, vũ khí, lương thực… từ các nước bạn qua Cao Bằng xuống Thái Nguyên. Ngày 25-6-1972, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết xác định: "Tập trung toàn lực phục vụ giao thông vận tải, đảm bảo giao thông và các phương tiện vận tải thông suốt, kịp thời trong mọi tình huống là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất số 1". Ngay sau đó, Ban bảo đảm giao thông thời chiến các cấp được thành lập. Ban bảo đảm giao thông thời chiến tỉnh do đồng chí Lê Quảng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Nông Văn Sảo, Trưởng ty Giao thông vận tải làm phó Trưởng ban và một số đồng chí uỷ viên quân sự, công an.
Chấp hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và sự chỉ đạo trực tiếp của Ban bảo đảm giao thông thời chiến tỉnh, các huyện Bạch Thông. Ngân Sơn đã tổ chức động viên, thành lập thêm được hàng chục tổ, đội dân quân cơ động bảo đảm giao thông trên quốc lộ 3. Cán bộ, công nhân Công ty cầu đường Bắc Kạn, Hạt 1, Hạt 2 và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ Bạch Thông đã nhanh chóng sửa chữa, nâng cấp ngầm dự phòng ở cầu phà thị trấn Bắc Kạn. Hàng nghìn mét khối đá hộc, rọ thép và sắt thép đã được vận chuyển đến hai chốt cầu phà trọng điểm ở thị trấn Bắc Kạn và Chợ Mới, đáp ứng yêu cầu sửa chữa khi bị địch đánh phá; Các cung đường, trạm cất dấu xe, lực lượng điều khiển phương tiện xe qua lại được diễn tập, thục luyện theo phương án và tình huống địch đánh phá ác liệt nhất. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã cử các đội công binh xuống Công ty cầu đường Bắc Kạn, các Hạt, cung giao thông ở các trọng điểm huấn luyện cho cán bộ, công nhân giao thông phương pháp tháo gỡ bom, mìn nổ chậm và khắc phục hậu quả sự đánh phá của địch. Để đảm bảo mặt đường giao thông êm thuận, nâng cao vận tốc xe trên đường quốc lộ số 3, toàn tỉnh đã huy động hàng nghìn dân quân tự vệ và nhân dân tập trung vá lấp ổ gà, sửa chữa lại mặt đường, phát quang cây cỏ 2 bên đường tạo thuận lợi cho lưu thông nhanh chóng. Để góp phần động viên công nhân lái xe, hai huyện Bạch Thông và Ngân Sơn đã tổ chức các điểm dừng xe nghỉ ngơi có cửa hàng ăn uống, có phòng đọc sách báo phục vụ riêng cho lái xe. Do có nhiều có gắng sửa chữa mặt đường, cầu phà và các cầu cống, từ giữa tháng 6-1972 đến cuối tháng 12-1972, Ngành giao thông vận tải và lực lượng giao thông vận tải nhân dân Bắc Kạn luôn chủ động giữ vững mạch máu giao thông trên đường quốc lộ số 3. Nhờ đó, hàng nghìn lượt các loại xe ô tô qua lại đã chuyên chở hàng vạn tấn lương thực, hàng hoá qua địa bàn tỉnh an toàn, kịp thời, góp phần to lớn đẩy nhanh tốc độ vận chuyển sức của chi viện cho chiến trường, làm thất bại mọi hành động phong toả vùng biển miền Bắc của đế quốc Mỹ trên mặt trận bảo đảm giao thông vận tải.
Sau gần 8 năm kiên cường chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng, trực tiếp là Tỉnh uỷ và các cấp uỷ Đảng địa phương, Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn đã anh dũng phục vụ chiến đấu, lao động, học tập, công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt, góp phần quan trọng phục vụ đắc lực các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở địa phương. Tổng kết nhiệm vụ bảo đảm giao thông chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn đã có hàng chục đơn vị đạt danh hiệu tổ lao động xã hội chủ nghĩa; Hàng chục xã được tặng bằng khen, giấy khen về bảo đảm giao thông và xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, sản xuất phương tiện vận tải thô sơ; Hàng trăm cán bộ, công nhân viên chức ngành giao thông vận tải của các đơn vị thuộc địa bàn Bắc Kạn được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến và được bình bầu là chiến sĩ thi đua.
Ngay sau khi Hiệp định Pari được ký kết ngày 27/01/1973, cùng với việc triển khai các nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, sửa chữa, khôi phục cầu đường để phục vụ sản xuất và chi viện cho chiến trường ở Bắc Kạn tiếp tục được tổ chức đồng bộ ở các cấp.
Trước hết, để bảo đảm giao thông vận tải, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đã chú trọng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các lực lượng phát hiện, đào gỡ, phá bom đạn Mỹ chưa nổ, nhất là ở các khu vực thị trấn Bắc Kạn, xã Xuất Hoá, xã Huyền Tụng. Ngay trong năm 1973, các tổ, đội công binh của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã rà phá, tháo gỡ được hàng chục quả bom chưa nổ, tạo điều kiện an toàn cho nhân dân lao động sản xuất, sinh hoạt và bảo đảm giao thông vận tải.
Hệ thống đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, đường giao thông nông thôn, miền núi tiếp tục được cán bộ, công nhân viên Ngành giao thông vận tải và lực lượng giao thông nhân dân các địa phương tiếp tục đầu tư vốn, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa và xây dựng thêm. Năm 1973, được sự tham mưu của các Phòng giao thông vận tải, toàn tỉnh đã huy động được hàng vạn công sửa chữa, khôi phục hơn 300km đường liên tỉnh, liên huyện; gần 300km đường liên xã, hàng nghìn km đường giao thông nông thôn, miền núi; mở mới gần 100km đường liên xã, xây dựng mới hàng trăm cầu cống bằng xi măng, gỗ, tre với tổng khối lượng đào, đắp trên 1 vạn mét khối, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở địa phương. Điển hình trong phong trào làm đường giao thông nông thôn, miền núi là huyện Bạch Thông và một số xã ở các huyện Chợ Rã (15/23 xã), Na Rì (14/21 xã).
Bên cạnh việc phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, miền núi, lực lượng vận tải thô sơ ở các địa phương cũng thường xuyên được củng cố, phát triển thêm các tổ, đội vận tải chuyên trách và bán chuyên trách ở các xã và các hợp tác xã nông nghiệp, đẩy mạnh phong trào giải phóng đôi vai. Đến năm 1975, toàn tỉnh có gần 500 tổ, đội vận tải chuyên trách và không chuyên trách ở các hợp tác xã nông nghiệp, bình quân mỗi xã có từ 3-4 tổ. Phương tiện vận tải chủ yếu là xe trâu, bò kéo bánh lốp, bánh sắt, xe cải tiến với khoảng 1 vạn các loại phương tiện. Một số xã ở khu vực hồ Ba Bể, dọc sông Năng (Chợ Rã), sông Cầu (Chợ Đồn và Bạch Thông), dọc sông Bắc Giang (Na Rì), nhiều hợp tác xã có đội vận tải bằng mảng tre, nghẹ, thuyền gỗ nhỏ để vận tải hàng hoá. Nhờ tích cực sản xuất và sử dụng các phương tiện vận tải thô sơ, tỷ lệ giải phóng đôi vai trong lao động sản xuất nâng lên đến từ 30 - 40% công lao động; trong lưu thông hàng hoá chiếm từ 60 - 70%. Công tác quản lý, sử dụng các phương tiện vận tải thô sơ được chính quyền xã và các hợp tác xã đưa vào nền nếp, có chế độ, chính sách phù hợp để khuyến khích, động viên các lực lượng làm công tác vận tải. Từ năm 1973-1974, tổng khối lượng vận chuyển hàng hoá trên địa bàn tỉnh bằng phương tiện thô sơ đạt bình quân từ 230.000 đến 250.000 tấn/năm (chủ yếu là lương thực, thực phẩm)
Đầu năm 1975, với cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 11 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, kết thúc 21 năm cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ.
Trải qua 21 năm tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ Bắc Kạn, Tỉnh uỷ Bắc Thái, Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn đã từng bước được xây dựng, phát triển và trưởng thành cả về trình độ chính trị, tổ chức, biên chế và chuyên môn nghiệp vụ. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức trong Ngành đã luôn luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương, tích cực học tập chính trị và chuyên môn nghiệp vụ đã cùng với lực lượng giao thông vận tải nhân dân từng bước phấn đấu, vừa xây dựng cơ sở vật chất và tinh thần của chủ nghĩa xã hội, vừa tích cực đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ đến ngày thắng lợi. Nhờ vậy, hệ thống giao thông vận tải và công tác bảo đảm giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu. Trong 21 năm, Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn và lực lượng giao thông vận tải nhân dân đã đóng góp hàng triệu ngày công tu bổ, sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới hàng nghìn km đường giao thông nông thôn, trong đó có hơn 300km đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, gần 500 cầu, cống, cầu treo, đường tràn, đường ngầm to nhỏ bằng nhiều loại vật liệu khác nhau như: xi măng, sắt thép, gỗ, tre, nghẹ…, bảo đảm giao thông vận tải luôn luôn thông suốt, đặc biệt là trên đường quốc lộ số 3 đi qua địa bàn của tỉnh.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống đường giao thông, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, miền núi, Ngành giao thông vận tải tỉnh còn chủ động, tích cực tham mưu cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động lực lượng giao thông nhân dân sản xuất và cải tiến, khai thác có hiệu quả trên 6.000 phương tiện vận tải thô sơ để vận chuyển hàng hoá, giải phóng đôi vai; tổ chức giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động bảo đảm giao thông vận tải, có những thời kỳ, ở một số đơn vị của Ngành chưa xây dựng được kế hoạch sát đúng, phù hợp với điều kiện thực tế của Ngành, công tác quản lý, hạch toán kinh tế, nâng cao năng xuất lao động còn hạn chế. Phong trào sửa chữa, làm mới hệ thống đường giao thông nông thôn, miền núi chưa phát triển đồng đều và toàn diện; hoạt động sản xuất và cải tiến các phương tiện vận tải thô sơ ở nhiều địa phương, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng rẻo cao thực hiện còn thấp, ảnh hưởng nhiều đến phong trào giải phóng đôi vai.
Song, với những kết quả xứng đáng đạt được, năm 1975, tổng kết công tác bảo đảm giao thông vận tải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ngành giao thông vận tải và lực lượng giao thông vận tải nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã có hàng chục tập thể, cá nhân đạt danh hiệu "Tổ lao động xã hội chủ nghĩa” và chiến sĩ thi đua. Các huyện Bạch Thông, Ngân Sơn và hàng chục xã, thị trấn trong tỉnh được tặng Cờ thi đua, Cờ thưởng luân lưu và Bằng khen, giấy khen; Gần 400 cán bộ, công nhân viên chức được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước và Bằng khen, giấy khen của các cấp.
Những phần thưởng vinh dự và những kết quả đạt được của Ngành giao thông vận tải và lực lượng giao thông vận tải nhân dân trong tỉnh đã góp phần quan trọng và xứng đáng vào những thành tích to lớn của quân và dân Bắc Kạn trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn của tỉnh và chi viện cho tiền tuyến.
Phấn khởi, vinh dự và tự hào trước thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cán bộ công nhân, viên chức Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh bước vào thời kỳ mới: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
THỜI KỲ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (1975-1996)
Hoà chung trong không khí “Ngày vui đại thắng” của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, trực tiếp là các Huyện uỷ, Uỷ ban hành chính huyện, khắp các nơi trên địa bàn Bắc Kạn đã tổ chức nhiều hoạt động như mít tinh, mừng công, báo công biểu dương. Đồng thời nhanh chóng ổn định tổ chức, bổ sung kế hoạch, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, phát động các phong trào thi đua, tiếp tục biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước thành Chủ nghĩa anh hùng Cách mạng trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Năm 1976, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng. Ngày 25-4-1976, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung (khoá VI) của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức. Đến cuối tháng 6-1976, Quốc hội họp đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có việc đổi tên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thành nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đổi tên gọi Uỷ ban hành chính các cấp thành Uỷ ban nhân dân. Từ ngày 14 đến ngày 19-12-1976, Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng được tiến hành tại Hà Nội. Đây là Đại hội thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội đã quyết định các vấn đề về phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1976-1980), đổi tên gọi Đảng lao động Việt Nam thành Đảng cộng sản Việt Nam, đổi tên Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh thành Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Từ năm 1976-1986, quán triệt nội dung Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, V và căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, Đảng bộ tỉnh Bắc Thái đã tập trung lãnh đạo, tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
I/ Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (tháng 5/1975 - 12/1986).
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976) đã chỉ rõ nhiệm vụ hàng đầu của kế hoạch 5 năm (1976-1980) là: "Tập trung phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc, đồng thời đẩy mạnh lâm - ngư và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng… phát triển các Ngành công nghiệp nặng, phát triển giao thông vận tải, đẩy mạnh xây dựng cơ bản…"
Từ nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, tháng 4-1977, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Thái lần thứ II (vòng 2) đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ tới, đồng thời chỉ rõ nhiệm vụ của Ngành giao thông vận tải: "Việc phát triển đường thuỷ và giao thông nông thôn chưa được coi trọng nên chưa góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phát triển, chưa khai thác được tài nguyên phong phú ở miền núi".
Quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Thái lần thứ II (vòng 2), cán bộ, công nhân viên chức Ngành giao thông vận tải tiếp tục được củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức từ Ty xuống cơ sở, phát triển các ngành, nghề bảo đảm giao thông vận tải, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở địa phương.
Trong giai đoạn này, Ban lãnh đạo Ty giao thông vận tải do các đồng chí Nông Văn Sảo (1972-1979). Đồng chí Trần Duy Hậu (1980-1982) làm Trưởng ty. Các đồng chí Lê Đức Thái (1983-1989)[7]. Đồng chí Đàm Đức Oánh (1990-1996) làm Giám đốc .
Lực lượng giao thông vận tải hoạt động trên địa bàn Bắc Kạn có khoảng 600 cán bộ công nhân viên chức, được tổ chức ở các đơn vị gồm:
- Hạt giao thông đường bộ 1, 2 và cung giao thông Phủ Thông có khoảng gần 200 cán bộ, công nhân viên, trong đó có hơn 20 đảng viên.
- Hạt giao thông đường bộ Ngân Sơn có 70 cán bộ, công nhân viên trong đó có 6 đảng viên phụ trách từ Nà Phặc đến đỉnh đèo Cao Bắc.
- Hạt giao thông đường bộ Hà Hiệu, từ Nà Phặc - Đèo Côlia có 40 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 4 đảng viên.
- Hạt giao thông đường bộ 6, từ thị trấn Bắc Kạn - Bằng Lũng.
- Hạt giao thông đường bộ 8, từ Bằng Lũng - Bình Trung - Kéo Mác.
- Hạt giao thông đường bộ 9, từ Bằng Lũng - hồ Ba Bể.
- Hạt giao thông đường bộ Na Rì, từ Thác Giềng - Yến Lạc, Na Rì.
- Hạt giao thông đường bộ Chợ Rã, từ Phủ Thông - Chợ Rã có 65 cán bộ, công nhân viên trong đó có 10 đảng viên.
- Phòng giao thông vận tải các huyện vẫn giữ nguyên cơ cấu, tổ chức như cũ.
Ngày 28- 6-1979, Ty Giao thông vận tải Bắc Thái ra quyết định số 387:
- Hợp nhất Đoạn bảo dưỡng đường bộ II và Đoạn bảo dưỡng đường bộ 1 hợp nhất thành Đoạn quản lý đường bộ Bắc Thái. Trụ sở của Đoạn quản lý đường bộ Bắc Thái đóng ở khu vực km số 6 đường từ Thái Nguyên - Hà Nội.
- Thành lập Hạt Giao thông đường bộ Bạch Thông gồm Hạt 1, hạt 2, cung giao thông Phủ Thông và Bến phà thị xã Bắc Kạn với 123 cán bộ, công nhân viên. Đồng chí Dương Văn Định làm Hạt trưởng. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình làm Hạt phó. Hạt có 1 chi bộ với 10 đảng viên.
- Thành lập Đội công trình cầu đường II gồm 2 đội duy tu sửa chữa cầu đường và đội sản xuất vật liệu với 52 cán bộ, công nhân viên chức, trong đó có 3 đảng viên. Đội trưởng là đồng chí Nguyễn Đức Ngọc. Đội phó là đồng chí Nguyễn Văn Ba.
Bước vào thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ mới, cán bộ, công nhân, viên chức Ngành giao thông vận tải và nhân dân trong tỉnh có nhiều thuận lợi rất cơ bản và lớn hơn bất cứ thời kỳ nào trước đây, đó là: Lực lượng giao thông vận tải nhân dân khá dồi dào, tài nguyên tương đối phong phú, quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa luôn được củng cố, phát triển, bước đầu xây dựng được một số cơ sở vật chất nhất định, đặc biệt là sự đầu tư, xây dựng của Trung ương và nhân dân Bắc Kạn đối với hệ thống giao thông vận tải liên tỉnh, liên huyện và hệ thống giao thông vận tải nông thôn.
Tuy nhiên, ngoài những khó khăn chung của đất nước, Ngành giao thông vận tải và nhân dân Bắc Kạn cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là những mất mát to lớn về người, về cơ sở vật chất, kỹ thuật, vừa nghèo nàn, lạc hậu lại bị tàn phá; nhân dân sản xuất tự túc, tự cấp là phổ biến; trình độ quản lý, tổ chức xây dựng kinh tế của cán bộ, đảng viên còn nhiều yếu kém.
Song, với những thuận lợi là cơ bản và bằng nhiều chủ trương, biện pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện của địa phương, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự chỉ đạo trực tiếp của Ty giao thông vận tải, Ngành giao thông vận tải và lực lượng giao thông vận tải nhân dân Bắc Kạn đã ra sức khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh sau chiến tranh.
Nhằm đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Bắc Kạn, từ năm 1976, các phương tiện vận tải cấp tỉnh từng bước được tăng cường để chuyên chở hàng hoá đến các huyện Ngân Sơn, Chợ Rã, Na Rì, Chợ Đồn. Mỗi năm, khối lượng vận chuyển tăng từ 8-10%.
Để tăng cường thêm lực lượng củng cố, phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn của tỉnh, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, từ giữa năm 1976, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã điều "Công trường 73" với 344 cán bộ, chiến sĩ về sửa chữa, nâng cấp một số đoạn đường giao thông trên địa bàn Bắc Kạn theo kế hoạch của Ty giao thông vận tải. Trong quá trình lao động, do có nhiều biện pháp trong tổ chức thi công và tinh thần thi đua lao động, cán bộ, chiến sĩ đã hoàn thành tốt việc cải tạo, nâng cấp 6km đường 258 (Phủ Thông - Chợ Rã), bàn giao cho Ty Giao thông vận tải đúng thời gian. Năm 1977, được sự hỗ trợ của cán bộ Phòng Giao thông vận tải huyện Chợ Rã, "Công trường 73" với 226 cán bộ, chiến sĩ và chỉ bằng công cụ thô sơ như: cuốc, xẻng, xà beng, xe cải tiến… đã đào đắp san ủi 41.748m3 đất đá, hoàn thành 3km nền đường (từ km 27-30) đường 258. Nền đường rộng từ 5-6m, mặt đường rộng 3,5m, bảo đảm các thông số kỹ thuật như mái Ta - luy, rãnh thoát nước… Đơn vị đã đóng góp vào nguồn ngân sách của tỉnh được 57.567,5 đồng, vượt chỉ tiêu 225,5%.
Tháng 4-1977, Tiểu đoàn 76 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh gồm hơn 500 cán bộ, chiến sĩ là con em các dân tộc Bắc Kạn đã mở tuyến đường từ thị trấn Chợ Rã - Bộc Bố (Chợ Rã). Đây là tuyến đường chiến lược có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của các xã vùng rẻo cao phía bắc của huyện. Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ kéo dài đường 258 từ Phủ Thông (Bạch Thông) qua Chợ Rã - Bộc Bố sang huyện Bảo Lạc, Cao Bằng, tạo thành tuyến đường quân sự theo hướng Bắc - Tây Bắc trong khu vực phòng thủ. Cùng thời gian này, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 677, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã được điều động về cùng với Tiểu đoàn 76 xây dựng tuyến đường trên. Trong quá trình lao động, được sự giúp đỡ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật Ty Giao thông vận tải và tinh thần thi đua lao động, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, lực lượng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 76 và Trung đoàn 677 đã hoàn thành tốt các hạng mục công trình phá đá, mở đường được giao. Hết năm 1977, 14km đường từ km số 0, thị trấn Chợ Rã đến đèo Kéo Điếp, xã Nghiên Loan đã cơ bản thông xe ô tô.
Đầu năm 1978, từ nghĩa quan trọng của tuyến đường phía bắc Chợ Rã, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã quyết định mở "Chiến dịch làm đường bắc Chợ Rã" và thành lập Ban chỉ huy công trường 78, do ông Nông Văn Sảo, Trưởng Ty Giao thông vận tải làm Trưởng ban. Ông Nguyễn Đức Dư, Trưởng ban Kỹ thuật Ty Giao thông vận tải làm phó Trưởng ban. Ông Vi Ngọc Thịnh phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Chợ Rã làm phó Trưởng ban. Lực lượng tham gia gồm có: 600 cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 677, lực lượng giao thông nhân dân mà nòng cốt là các cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ các huyện. Mỗi huyện thành lập 1 tiểu đoàn (khoảng 500 người). Tổng quân số toàn lực lượng có trên 3.000 người. Để bảo đảm kỹ thuật thi công tuyến đường này, Ty Giao thông vận tải đã cử hơn 30 cán bộ, công nhân kỹ thuật trực tiếp phụ trách, hướng dẫn kỹ thuật cho các đơn vị. Ngày 7-3-1978, “Chiến dịch làm đường Chợ Rã” được tiến hành. Trong quá trình lao động, với khẩu hiệu: "Chắc tay búa, vững tay choòng, quyết tâm phá đá, mở đường xe qua", đến ngày 29-4-1978, các lực lượng thi công đã thực hiện gần 30 vạn ngày công đào đắp, san ủi 40 vạn m3 đất đá, năng xuất lao động đạt 132,48%. Ngày 30-4-1978, "Chiến dịch làm đường bắc Chợ Rã" kết thúc: 28km đường và 1 đường ngầm qua sông Năng bằng rọ thép sắt dài gần 100m đã hoàn thành có chất lượng tốt, mặt đường rộng từ 5-6m. Mục tiêu thông xe ô tô đến xã Bộc Bố đã hoàn thành trước 1 tháng theo kế hoạch. Tiếp ngay đó, nhiều đoàn xe ô tô đã nhanh chóng vận chuyển hàng hoá đến với các đồng bào dân tộc vùng rẻo cao.
Cuối năm 1978, nhằm bảo đảm lưu thông các loại xe ô tô vận tải trên đường 254 qua hồ Ba Bể, Ty Giao thông đã tổ chức bến phà qua hồ Ba Bể với 1 phà kéo tay, có trọng tải từ 10-12 tấn. Bến phà có khoảng 7-8 công nhân. Đến năm 1988, bến phà qua hồ Ba Bể ngừng hoạt động.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tháng 12-1978, thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá VII, hai huyện Chợ Rã và Ngân Sơn của tỉnh Bắc Thái được sáp nhập vào tỉnh Cao Bằng.
Đầu năm 1979, trước những diễn biến ngày càng căng thẳng và gay gắt trên tuyến biên giới Việt - Trung, ngày 6-1-1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị số 61/CT-TƯ về "Tăng cường chiến đấu ở các tỉnh biên giới phía Bắc".
Ngày 8-1-1979, Thường vụ Quân uỷ Trung ương ra chỉ thị về sẵn sàng chiến đấu. Chấp hành các chỉ thị của cấp trên, Bộ chỉ huy quân sự thống nhất tỉnh Bắc Thái do đồng chí Vũ Ngọc Linh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ kiêm Chính uỷ Bộ chỉ huy quân sự thống nhất đã họp bàn triển khai các lực lượng sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Để bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, ngày 2-2-1979, Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định số 38/QĐ-UB thành lập "Ban chỉ đạo bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc thời chiến" cấp tỉnh, do đồng chí Đôn Văn Cước, uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban. Đồng chí Nông Văn Sảo, Trưởng Ty Giao thông vận tải làm phó Trưởng ban và một số các đồng chí lãnh đạo Bưu điện, Quân sự, Công an, Uỷ ban kế hoạch tỉnh làm uỷ viên.
Thực hiện sự chỉ đạo của "Ban chỉ đạo bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc thời chiến" tỉnh, các hoạt động sửa chữa, nâng cấp và làm mới cầu, đường trên các tuyến đường chính và đường giao thông nông thôn khắp các địa phương ở Bắc Kạn diễn ra rất khẩn trương, sôi động trong các lực lượng bảo đảm giao thông chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp và lực lượng giao thông nhân dân.
Ngày 17-2-1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc mở cuộc tiến công xâm lược nước ta trên toàn biên giới phía Bắc từ Quảng Ninh đến Lai Châu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Để bảo đảm giao thông vận tải phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu phòng thủ trên địa bàn Bắc Kạn, trọng điểm là các khu vực đèo Cao Bắc, Đèo Gió, Đèo Giàng trên tuyến quốc lộ số 3, tháng 5-1979, gần 1 vạn cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên… ở các huyện phía sau đã lên xây dựng các tuyến phòng thủ trên địa bàn của tỉnh. Các lực lượng tham gia đều được biên chế chặt chẽ theo tổ chức quân sự, vừa xây dựng công sự, trận địa phòng thủ vừa tăng cường các hoạt động sửa chữa, nâng cấp và làm mới được hàng trăm km đường giao thông liên huyện, liên xã. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ lực lượng công binh Lữ đoàn 7, Quân đoàn 3 đã nhanh chóng tập trung nhân lực và trang bị kỹ thuật mở tuyến đường 279 từ Bình Gia, Lạng Sơn qua xã Cư Lễ, Lam Sơn, Na Rì ra xã Lãng Ngâm, Ngân Sơn, nối thông với trục đường quốc lộ số 3, tuyến đường dài gần 100km, mặt đường rộng từ 4 - 6m, hàng chục cầu gỗ, cống, đường ngầm, đường tràn đã được xây dựng chắc chắn, bảo đảm cho các loại xe vận tải quân sự, dân sự lưu thông thông suốt. Sau này, tuyến đường 279 tiếp tục được sửa chữa, nâng cấp trở thành trục giao thông quan trọng thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ.
Tại huyện Bạch Thông, lực lượng giao thông vận tải nhân dân với hàng nghìn lượt người, nòng cốt là các cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ đã phối hợp với cán bộ Ty giao thông vận tải sửa chữa, gia cố chắc chắn các cầu, đường ngầm trên quốc lộ 3 thuộc địa bàn huyện như: cầu km 62, xã Nông Hạ, cầu Khe Lắc, xã Nông Thịnh, cầu Chợ Mới; lát 120 tấm bê tông đường ngầm cầu phà thị trấn Bắc Kạn; Sửa chữa, nâng cấp hàng trăm km đường giao thông liên xã, liên thôn bản.
Từ năm 1980-1986, trục đường quốc lộ số 3 tiếp tục được lực lượng giao thông nhân dân các huyện Bạch Thông, Ngân Sơn, các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn tỉnh tích cực tu sửa, bảo dưỡng, nâng cấp. Trong 2 năm 1983 - 1984, cán bộ, công nhân viên chức Ngành giao thông vận tải và nhân dân Bắc Kạn đã góp phần quan trọng cùng với lực lượng giao thông vận tải tỉnh hoàn thành đoạn đường bê tông xi măng dài 31km, từ xã Cao Kỳ, Chợ Mới đến chân Đèo Giàng, Bạch Thông trên quốc lộ số 3; Mặt đường rộng 3,5m, êm thuận……, tạo điều kiện cho các đoàn xe ngược xuôi với vận tốc từ 50 - 60km/h, rút ngắn được 50% thời gian qua đoạn đường này. Đây là con đường bê tông xi măng đầu tiên của tỉnh Bắc Thái và của hệ thống giao thông đường bộ trên cả nước. Từ kinh nghiệm làm đường giao thông bằng bê tông xi măng trên đường quốc lộ số 3, những năm sau này thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, hệ thống đường giao thông liên xã, giao thông nông thôn đã được ứng dụng thi công bằng bê tông xi măng ở 100% các xã.
Năm 1985, nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5/1890-19/5/1985), được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự chỉ đạo, tổ chức của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, 3.600 cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ của các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Na Rì đã phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 7 công binh của quân đoàn 3 mở chiến dịch sửa chữa, nâng cấp tuyến đường số 256 (Thác Giềng - Na Rì) dài 57km, tổng giá trị đạt trên 6 triệu đồng. Riêng lực lượng giao thông vận tải nhân dân huyện Na Rì, chủ lực là lực lượng dân quân đã đóng góp và thực hiện 14.000 ngày công. Đây là đơn vị huy động được nguồn nhân lực cao nhất trong tỉnh.
Cũng trong năm 1985, cây cầu sắt thị trấn Bắc Kạn bắc qua sông Cầu đã được các lực lượng thi công của Sở giao thông vận tải xây dựng và khánh thành. Cầu có chiều dài hơn 100 mét, rộng 4 mét; mặt cầu lát bằng ván gỗ tứ thiết; hai bên thành cầu có đường dành riêng cho người đi bộ rộng 1m. Cầu có trọng tải từ 8 - 10 tấn. Đây là chiếc cầu sắt dài nhất, rộng nhất, hiện đại nhất trên địa bàn của tỉnh Bắc Kạn trong thời kỳ này. Nhờ có cây cầu sắt, 100% các loại xe ô tô lưu thông qua sông cầu ở thị trấn Bắc Kạn về mùa mưa lũ đã bảo đảm thông suốt.
Bên cạnh việc tập trung nguồn nhân lực, nguyên vật liệu, vốn đầu tư của cấp trên và địa phương để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới một số tuyến đường, cầu chiến lược liên tỉnh, liên huyện, công tác giao thông vận tải nông thôn ở Bắc Kạn tiếp tục được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và Ngành giao thông vận tải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ theo hướng sản xuất lớn gắn với nhiệm vụ xây dựng cấp huyện, góp phần tích cực phân công lại lực lượng lao động và tổ chức lại sản xuất trong nông, lâm nghiệp.
Từ năm 1975-1986, nhất là trong các năm 1976-1980, được sự tham mưu đắc lực của Ngành giao thông vận tải, trực tiếp là Phòng giao thông vận tải các huyện, các lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến cùng với các lực lượng giao thông nhân dân đã thực hiện hàng vạn ngày công sửa chữa, nâng cấp và làm mới được hàng nghìn km đường giao thông nông thôn trên địa bàn của tỉnh. Đặc biệt, phong trào xã hội hoá việc sửa chữa, nâng cấp, làm mới đường giao thông nông thôn, sản xuất các phương tiện cải tiến bảo đảm vận tải ở nông thôn được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia..
Trong 2 năm 1976-1977, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện Bạch Thông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và tổ chức thực hiện gần 5.000 ngày công đào đắp, san ủi 6.600m3 đất đá xây dựng các tuyến đường xã Hoà Mục - xã Thanh Vận, thị trấn Bắc Kạn - xã Đôn Phong, thị trấn Bắc Kạn - xã Nông Thượng với tổng chiều dài trên 40km ở cả 3 tuyến, mặt đường rộng 3m, đường ô tô đã đến được trung tâm các xã.
Lực lượng giao thông vận tải nhân dân huyện Chợ Đồn mà nòng cốt là các cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ và đoàn thanh niên đã thực hiện hơn 1 vạn ngày công, tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đường liên xã, xã Yên Nhuận- Phong Huân, xã Đồng Lạc - Xuân Lạc với tổng khối lượng đào đắp: 56.354,24m3. Tổng chiều dài cả 2 tuyến: 45,7km, mặt đường rộng từ 3-4m. Đường ô tô từ huyện đã đến được trung tâm các xã: Tân Lập, Xuân Lạc, Yên Mỹ, Phong Huân. Được sự hỗ trợ của Ty Giao thông vận tải và Phòng giao thông vận tải huyện, các lực lượng trên còn xây dựng được 3 cầu treo có tổng chiều dài gần 100m, mặt cầu rộng từ 1,2 - 1,5m.
Năm 1977, lực lượng giao thông vận tải nhân dân huyện Ngân Sơn mà nòng cốt là các cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ đã thực hiện gần 5 vạn ngày công cải tạo, nâng cấp 26km đường giao thông, trong đó có 12,2km đường liên huyện, 13,82 km đường liên xã, thôn bản. Tu sửa, nạo vét trên 20km kênh mương, xây dựng 14 cống tưới, tiêu hạng vừa và hàng chục công trình thuỷ lợi nhỏ ở các xã; Tổng khối lượng đào đắp, nạo vét 62.878m3. Điển hình trong phong trào sửa chữa, nâng cấp, làm mới đường giao thông nông thôn, thuỷ lợi trong thời kỳ này là lực lượng giao thông vận tải nhân dân các xã Trung Hoà, Hương Nê, Cốc Đán.
Trong 2 năm 1977-1978, lực lượng giao thông nhân dân huyện Chợ Rã, nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ và xã viên các hợp tác xã đã thường xuyên tu sửa, cải tạo, nâng cấp gần 100km đường giao thông liên thôn bản, xã. Toàn huyện đã huy động 34.3360 công đào đắp 36.396m3 đất đá, xây dựng 5 công trình thuỷ lợi. Được sự hỗ trợ của Ty giao thông vận tải, Phòng giao thông vận tải huyện và các lực lượng giao thông nhân dân đã xây dựng và hoàn thành 1 cầu treo ở xã Thượng Giáo, cầu dài trên 100m, mặt cầu rộng 1,5m, Tổng kết công tác bảo đảm giao thông vận tải và thuỷ lợi cuối năm 1978, các xã Công Bằng, Thượng Giáo, Cao Tân, Nghiên Loan đã được cấp trên biểu dương, khen thưởng vì đã có phong trào làm đường giao thông, thuỷ lợi đều, mạnh và đạt hiệu quả nhất.
Năm 1977, lực lượng giao thông vận tải nhân dân huyện Na Rì đã huy động được 118.069 ngày công lao động làm thuỷ lợi và đường giao thông Yến Lạc (thị trấn Na Rì) - Tân An, dài 30km; tuyến đường xã Hảo Nghĩa - xã Xuân Dương, dài gần 20km. Kết quả: Đào đắp 22.787m3 đất đá, cải tạo, nâng cấp và làm mới được gần 100km kênh mương to nhỏ; tu sửa và làm mới 18,35km đường liên xã - thôn bản; 13 cầu tạm bằng gỗ; 28 cống xây các loại. Đến cuối năm 1977 đường ô tô từ huyện đã đến được trung tâm các xã Cường Lợi, Hữu Thác, Kim Lư… Nhờ có phong trào làm đường giao thông nông thôn và thuỷ lợi mạnh mẽ và rộng khắp, năng xuất, sản lượng lương thực, hoa màu ở các địa phương hàng năm đều tăng khá.
Từ năm 1980-1986, để bảo đảm cho các hoạt động sẵn sàng chiến đấu phòng thủ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, công tác bảo đảm giao thông vận tải nông thôn ở Bắc Kạn tiếp tục được đẩy mạnh ở khắp các địa phương. Đặc biệt, ở các xã nằm trên tuyến quốc lộ số 3, đường 279, các trục đường liên huyện, phong trào sửa chữa, nâng cấp, làm mới đường giao thông nông thôn, nạo vét, đào đắp kênh mương và các công trình thuỷ lợi phát triển rất mạnh và đều khắp. Tính đến hết năm 1986, hàng nghìn km đường giao thông liên xã, thôn bản, kênh mương thuỷ lợi trên địa bàn của tỉnh đã thường xuyên được tu sửa, cải tạo, nâng cấp và làm mới, góp phần quan trọng thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở từng huyện, từng xã phát triển, nhất là trong sản xuất nông, lâm nghiệp.
Bên cạnh việc tổ chức lực lượng giao thông nhân dân sửa đường và mở các con đường dân sinh mới, từ các thôn bản đến xã, huyện đều tổ chức các lực lượng sẵn sàng ứng cứu khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt. Bình quân mỗi thôn bản có từ 5-7 người khoẻ mạnh, mỗi xã có từ 30-40 người, lực lượng này được quản lý, tổ chức biên chế gọn, chặt chẽ, thường xuyên được huấn luyện, được tổ chức diễn tập theo các tình huống giả định như: địch đánh phá cầu đường, lũ cuốn, lũ ống làm sạt lở núi, cuốn trôi cầu và nền đường… Nhờ vậy, trong các năm 1983-1985, nhiều đợt mưa lũ lớn xảy ra trên sông Cầu, sông Năng và ở nhiều đoạn đèo dốc ở đỉnh Áng Toòng (trên đường 256), Đèo Giàng (trên đường số 3), đèo Vi Hương (đường 258)… các lực lượng bảo đảm giao thông đã có mặt kịp thời để ứng cứu, khắc phục hậu quả nhanh chóng bảo đảm giao thông thông suốt. Tháng 6-1986, cơn bão số 3 gây mưa lũ lớn, trên diện rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh đã gây nhiều thiệt hại cho nhân dân, trong đó huyện Chợ Đồn là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất. Tại 11 xã dọc 2 bên bờ sông Cầu, hàng chục công trình thuỷ lợi to nhỏ, đường giao thông nông thôn, nhà cửa, ruộng vườn của nhân dân đã bị tàn phá xơ xác. Ngay sau đó, Công ty xây dựng đường bộ Bắc Thái do đồng chí Tô Hữu Nghị phụ trách cùng một số đơn vị bộ đội của Quân đoàn 3 và lực lượng giao thông vận tải nhân dân với hàng nghìn người, nòng cốt là 1 tiểu đoàn dân quân tập trung của huyện đã được huy động và tập trung khắc phục hậu quả. Sau hơn 10 ngày, các lực lượng đã thực hiện hơn 2 vạn ngày công đào đắp, nạo vét trên 4.000m3 đất đá, sửa chữa xong tuyến đường từ thị trấn Bằng Lũng đi hồ Ba Bể dài gần 40km, trong đó có 2 cầu treo, 4 cầu gỗ, sửa chữa 28 công trình thuỷ lợi nhỏ, trong đó có công trình trung thuỷ nông ở xã Nam Cường. Sau hơn 1 tháng, hàng trăm km đường liên xã, liên thôn bản và nhiều nhà cửa, trường học, trạm y tế, ruộng vườn của nhân dân đã cơ bản được khôi phục lại.
Từ những kết quả đạt được trong việc sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện và hệ thống giao thông vận tải nông thôn, nhiệm vụ củng cố phát triển giao thông vận tải các huyện, xã vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế. Việc phân cấp quản lý triển khai còn chậm, cơ cấu tổ chức thiếu đồng bộ, quá trình chỉ đạo còn gặp nhiều lúng túng. Mối quan hệ giữa tỉnh - huyện đôi khi chưa chặt chẽ và thống nhất, việc quy hoạch tổng thể hệ thống giao thông nông thôn giữa các xã, vùng thấp, vùng cao chưa chặt chẽ và đồng bộ, trình độ kỹ thuật của đội ngũ cán bộ Phòng giao thông vận tải còn hạn chế, chưa đáp ứng được với sự phát triển của sản xuất nông, lâm nghiệp, nhất là từ khi có cơ chế khoán mới trong sản xuất nông nghiệp tháng 1-1981.
Từ những kết quả đạt được và những hạn chế trong công tác bảo đảm giao thông vận tải thời gian qua, tháng 10-1986, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Thái lần thứ V đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới đã chỉ rõ nhiệm vụ của Ngành giao thông vận tải là: "Phát triển giao thông vận tải, thông tin liên lạc phục vụ tốt sản xuất và đời sống". Tháng 12-1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
II. Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn thực hiện nhiệm vụ chính trị theo đường lối đổi mới của Đảng (1987-1996) – Giai đoạn này dữ liệu quá ít xem xét bổ sung thêm
Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Thái lần thứ V, Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, từng bước đưa mọi hoạt động của Ngành phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn của tỉnh.
Bước vào thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện của Đảng, trước hết là đổi mới tư duy về kinh tế, Ngành giao thông vận tải và lực lượng giao thông vận tải nhân dân Bắc Kạn tuy bước đầu cũng gặp nhiều khó khăn về nhận thức và phương pháp tiến hành; về cơ chế quản lý, sản xuất và kinh doanh thay đổi nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, các hoạt động bảo đảm giao thông vận tải trong tỉnh phát triển khá mạnh mẽ và rộng khắp, đặc biệt, là các thành phần kinh tế tư nhân, cá thể. Đây là một trong các yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của cơ sở vật chất hạ tầng phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Trên lĩnh vực xây dựng, phát triển hệ thống cầu, đường cấp huyện và hệ thống giao thông vận tải nông thôn, theo chủ trương phân cấp chung của tỉnh: Đường huyện do huyện và xã cùng làm, đường xã, thôn bản do xã và nhân dân cùng làm. Từ chủ trương đó và thực hiện phương châm: "Nhân dân làm là chính; kỹ thuật phổ biến là chính; vật liệu, công cụ phổ thông là chính", các huyện phấn đấu đến năm 1995 có 100% đường liên huyện được xây dựng bằng vật liệu cứng, lâu bền.
Trong điều kiện kinh tế khó khăn chung của cả tỉnh, được sự hỗ trợ vốn với hàng chục tỷ đồng của cấp trên, cán bộ, công nhân viên chức các Hạt giao thông Bắc Kạn và lực lượng giao thông nhân dân đã tập trung đầu tư hàng vạn ngày công lao động sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường liên huyện. Đến năm 1996, 100% (gần 250km) các tuyến đường liên huyện 254 (Đèo So - Bằng Lũng), 255 (Nà Duồng - Kéo Mác, huyện Chợ Đồn), 256 (Thác Giềng - Na Rì), 257 (thị xã Bắc Kạn - Chợ Đồn), 258 (Phủ Thông - hồ Ba Bể) đã được trải nhựa, mặt đường rộng từ 3,5 - 4m; Hàng trăm cầu, cống, đường ngầm, đường tràn được sửa chữa, xây dựng lại chắc chắn. 20% tổng số đường từ huyện đến trung tâm xã đã được trải cấp phối, đá dăm. Sở Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các huyện Bạch Thông, Na Rì, Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn tích cực chỉ đạo, tổ chức các đơn vị thi công mở đường mới vào trung tâm xã. Điển hình là: Huyện Bạch Thông mở đường mới từ xã Sĩ Bình - Vũ Muộn - Cao Sơn; Huyện Ba Bể mở đường Ba Bể - Quảng Khê, Khang Ninh - Cao Thượng, Bộc Bố - Bằng Thành; Huyện Chợ Đồn mở đường Nam Cường - Ba Bể, Phương Viên - Bằng Phúc… Hệ thống đường giao thông liên huyện, liên xã, đường nội thị thường xuyên được tu sửa, nâng cấp và mở rộng. Trong quá trình thi công, công tác hạch toán kinh tế, quản lý nguồn vốn tốt, hạn chế sự thất thoát, lãng phí về công lao động trong xây dựng.
Kết hợp quốc phòng - an ninh với xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, trong các đợt diễn tập khu vực phòng thủ, các huyện, các xã đều có kế hoạch huy động lực lượng Ngành giao thông vận tải chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp tham gia công tác bảo đảm giao thông vận tải đã làm lợi cho địa phương hàng trăm triệu đồng.
Tháng 10-1993, thị xã Bắc Kạn tiến hành đợt diễn tập A2 đã huy động 129 dân quân tự vệ, 22 người lao động công ích, một số cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 677, động viên 1 xe ô tô, 2 xe công nông, 3 xe trâu. Kết quả: Tháo dỡ 5 nhà cấp 4, 69 lều quán, giải phóng 3km hành lang giao thông trên quốc lộ số 3; nạo vét, sửa chữa cống, rãnh thoát nước với khối lượng đào đắp 700m3, xử lý hành chính 21 trường hợp vi phạm sử dụng phương tiện giao thông.
Tháng 8-1995, trong đợt diễn tập PT-95, địa bàn Bắc Kạn đã huy động 9 vạn ngày công, 776 phương tiện vận tải các loại. Ngoài các hoạt động quân sự, các lực lượng đã đào đắp 46.000m3 đất đá, sửa chữa, nâng cấp gần 500km đường giao thông nông thôn, kênh mương thuỷ lợi, giải toả hơn 1.000 trường hợp vi phạm hành lang giao thông trên các tuyến đường chính. Tháng 11-1996, huyện Ngân Sơn tổ chức đợt diễn tập ZB-96 đã huy động 1.500 công lao động, sửa chữa, cải tạo 17km đường giao thông nông thôn, xử lý, giải toả hàng chục trường hợp vi phạm hành lang giao thông từ Đèo Giàng đến đèo Cao Bắc. Nếu tính từ năm 1991 đến năm 1996, lực lượng giao thông vận tải Bắc Kạn đã huy động gần 15 vạn ngày công lao động, đào đắp 717.556m3 đất đá để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hàng nghìn km đường giao thông nông thôn, đường liên huyện, các loại kênh mương thuỷ lợi, xây dựng mới 37,5km đường giao thông liên xã. Những kết quả đó của phong trào giao thông vận tải cấp huyện đã từng bước bổ sung và hoàn thiện hơn hệ thống giao thông vận tải trong toàn tỉnh, góp phần quan trọng và kịp thời giải quyết những khó khăn trong sản xuất nông, lâm nghiệp.
Cùng với việc phát triển hệ thống giao thông cấp huyện, Cấp uỷ, chính quyền các địa phương cũng luôn chú trọng, khuyến khích phát triển các loại phương tiện vận tải cơ giới và thô sơ theo các thành phần kinh tế. Nổi bật trong thời kỳ này là phương tiện vận tải tư nhân phát triển khá mạnh và đồng đều ở khắp các huyện thị, nhất là ở thị xã Bắc Kạn. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến năm 1996, trên địa bàn Bắc Kạn có khoảng 3.000 phương tiện vận tải thô sơ các loại, gần 100 xe vận tải, khoảng 300-400 xe công nông, trên 60 xe khách. Về cơ bản, công tác vận tải hành khách và hàng hóa đã đáp ứng được nhu cầu lao động sản xuất, sinh hoạt đời sống và đi lại của nhân dân.
Qua hơn 20 năm (1975-1996), trong điều kiện đất nước vừa có chiến tranh, vừa phải đối phó với kiểu chiếu tranh phá hoại nhiều mặt của địch, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Thái và Cao Bằng, trực tiếp là Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân các huyện, Ngành giao thông vận tải và lực lượng giao thông vận tải nhân dân Bắc Kạn đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Hệ thống giao thông vận tải liên tỉnh, liên huyện và giao thông nông thôn đã có bước phát triển đồng bộ, hình thành 1 mạng lưới giao thông vận tải thông suốt từ tỉnh xuống xã, thôn bản. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh vận tải từng bước phát triển nhanh sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, năng lực sản xuất từng bước được giải phóng và phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển và phục vụ kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh ngày càng vững mạnh trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới.
GIAO THÔNG VẬN TẢI BẮC KẠN TIẾP TỤC THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC (1997-2015)
Bước vào năm 1997, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc tái lập tỉnh Bắc Kạn theo địa giới hành chính mới. Ngày 1-1-1997, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã long trọng tổ chức buổi lễ tái lập tỉnh tại thị xã.
Ngay sau khi cơ bản ổn định bộ máy lãnh đạo Đảng, chính quyền lâm thời cấp tỉnh, ngày 6-1-1997, Tỉnh uỷ ra Nghị quyết số 01/NQ-TU đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm với những nội dung chính là: Nhanh chóng kiện toàn, ổn định bộ máy lãnh đạo Đảng, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể các cấp; chủ động khắc phục khó khăn; lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân và lực lượng vũ trang đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Quán triệt nội dung Nghị quyết số 01/NQ-TƯ của Tỉnh uỷ Bắc Kạn, Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn đã nhanh chóng được kiện toàn, từng bước ổn định bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo để tổ chức và đẩy mạnh các hoạt động giao thông vận tải.
Ngày 9-1-1997, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn được thành lập theo Quyết định số 10/QĐ-UB của Uỷ ban nhân dân lâm thời tỉnh, gồm 17 cán bộ, công chức, trong đó 6 đảng viên. Đồng chí Phạm Hồng Lượng được Tỉnh uỷ phân công giữ chức vụ Giám đốc Sở Giao thông vận tải. Ngày 15-1-1997, Đảng uỷ các cơ quan tỉnh ra quyết định thành lập Chi bộ văn phòng Sở Giao thông vận tải, do đồng chí Trần Đức Duống làm Bí thư Chi bộ lâm thời
Tuy số lượng cán bộ còn thiếu nhiều nhưng tổ chức bộ máy cơ quan Sở Giao thông vận tải vẫn được kiện toàn cơ bản đủ số cán bộ các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ chính gồm:
- Phòng Tổ chức hành chính gồm: 4 đồng chí, do đồng chí Trần Đức Duống làm Trưởng phòng.
- Phòng Kinh tế kế hoạch gồm: 3 đồng chí, do đồng chí Hà Đình Thuyên làm Trưởng phòng.
- Phòng Quản lý vận tải gồm: 2 đồng chí, do đồng chí La Văn Nho làm Trưởng phòng, và đồng chí Lê Ngọc Vy làm phó trưởng phòng.
- Phòng Quản lý giao thông gồm: 4 đồng chí, do đồng chí Hà Cát Nho làm Trưởng phòng.
- Ban Thanh tra giao thông gồm: 3 đồng chí, do đồng chí Ma Văn Vương làm Trưởng ban.
- Đoạn quản lý và sửa chữa đường bộ: có 250 cán bộ, công nhân, viên chức, do đồng chí Nguyễn Trọng Vũ làm Giám đốc. Đồng chí Lý Thái Hải làm phó Giám đốc.
- Bến xe khách thị xã do Uỷ ban nhân dân thị xã Bắc Kạn quản lý có khoảng 10 cán bộ, công nhân
Để góp phần tăng cường bộ máy bảo đảm giao thông vận tải theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, tháng 4- 1997, Sở Giao thông vận tải đã chủ động tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và bảo đảm giao thông vận tải cấp tỉnh do đồng chí phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban. Tiếp đó, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị thành lập Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và bảo đảm giao thông cấp huyện, xã, phường.
Tháng 6-1997, Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo an toàn giao thông tỉnh, do đồng chí Dương Đình Hân, phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban. Đồng chí Phạm Hồng Lượng, Giám đốc Sở làm phó Trưởng ban Thường trực. Đồng chí Nông Văn Kham, phó Giám đốc Công an tỉnh làm phó Trưởng ban và lãnh đạo một số Sở, Ban, Ngành, đoàn thể làm uỷ viên.
Vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa tích cực củng cố, kiện toàn cơ quan và tuyển thêm cán bộ, công chức, tính đến ngày 31-12-1997, Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn có 25 cán bộ, công chức (trong đó có 19 nam, 6 nữ). Về chất lượng chuyên môn nghiệp vụ gồm: 10 người có trình độ đại học và tương đương; 9 người có trình độ trung cấp và tương đương, 3 người lao động kỹ thuật và 2 người lao động chưa qua đào tạo.
Cùng với việc kiện toàn, sắp xếp đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, ngày 6-5-1997, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra Quyết định số 66/QĐ-TU thành lập Ban cán sự Đảng Sở Giao thông vận tải gồm 3 đồng chí. Đồng chí Phạm Hồng Lượng, Giám đốc Sở được chỉ định làm Bí thư. Đồng chí Vi Văn Quang, phó Giám đốc Sở và đồng chí Trần Đức Duống, Trưởng phòng Tổ chức hành chính tổng hợp được chỉ định là chi uỷ viên. Số đảng viên có 7 đồng chí, chiếm 37,2%.
Giữa tháng 7 năm 1997, Đại hội chi bộ Sở giao thông vận tải gồm 12 đảng viên chính thức được tổ chức. Đại hội đã bầu Ban chi uỷ gồm 3 đồng chí, do đồng chí Vi Văn Quang, phó Giám đốc Sở làm Bí thư, đồng chí Trần Đức Duống, Trưởng phòng hành chính tổng hợp làm phó Bí thư. Đồng chí Lê Văn Khương, phó Trưởng phòng kinh tế - kế hoạch làm chi ủy viên.
Tổ chức công đoàn được hình thành từ ngày thành lập Sở với 16 đoàn viên. Ngày 30-1-1997. Đại hội Công đoàn Sở đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất và bầu Ban Chấp hành công đoàn Sở gồm 3 đồng chí, với 16 công đoàn viên, do đồng chí Ma Văn Vương, Trưởng Ban thanh tra giao thông làm Chủ tịch công đoàn. Đồng chí Hà Cát Nho, Trưởng phòng Quản lý giao thông làm phó Chủ tịch công đoàn và đồng chí Tạ Thị Ninh làm uỷ viên.
Ngày 20 tháng 6 năm 1997, Đoàn thanh niên Sở tiến hành Đại hội lần thứ nhất với 8 đoàn viên. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành chi đoàn gồm 3 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Kiều Huân làm Bí thư.
Để từng bước đưa hệ thống quản lý Nhà nước về giao thông vận tải, Sở đã tham mưu và đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập Phòng giao thông vận tải cấp huyện. Khoảng giữa năm 1997, về cơ cấu, tổ chức, đội ngũ cán bộ các Phòng giao thông vận tải huyện, thị cơ bản được kiện toàn và thực hiện nhiệm vụ theo chức năng được giao.
Từ ngày 11 đến ngày 13-9-1997, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ VII được tổ chức. Nghị quyết Đại hội đã đề ra phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chỉ rõ: "Riêng xây dựng cơ bản phải tập trung xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó trọng tâm là giao thông, điện lực và thông tin. Phát triển mạnh du lịch, dịch vụ, đặc biệt là du lịch hồ Ba Bể, dịch vụ thương mại, giao thông vận tải, dịch vụ thông tin, dịch vụ giáo dục, y tế…"
Tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII và Nghị quyết Chi bộ Sở Giao thông vận tải toàn Ngành đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, phát động các đợt thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong năm.
Sau khi tái lập tỉnh Bắc Kạn, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy do Ngành quản lý, khai thác gồm có:
- Đường quốc lộ số 3, đường 279 với tổng chiều dài 220km.
- Đường tỉnh lộ: 254, 255, 256, 257, 258, 212 với tổng chiều dài 269km.
- Đường thủy sông Năng và hồ Ba Bể: 23km.
Hệ thống đường giao thông nông thôn chủ yếu là đất, đá trải cấp phối và còn 16/122 xã, phường chưa có đường ô tô đến trung tâm xã.
- Lực lượng vận tải chủ yếu do tư nhân và tỉnh bạn đảm nhiệm.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, mặc dù số lượng cán bộ, công chức còn thiếu so với biên chế, trình độ nghiệp vụ chuyên môn không đồng đều nhưng ngay từ khi được thành lập, Ban Giám đốc đã cử nhiều đoàn cán bộ, công chức đi kiểm tra, khảo sát, đánh giá, lập kế hoạch và dự toán kinh phí cải tạo, sửa chữa và xây dựng cầu đường bảo đảm giao thông vận tải trong các tình huống và dự kiến cho các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, Sở đã chủ động phối hợp với lãnh đạo các huyện, thị chỉ đạo các Phòng giao thông vận tải kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động thực hiện nhiệm vụ của Ngành trên địa bàn.
Trên lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, sửa chữa đường bộ và bảo đảm giao thông. Đến cuối năm 1997, toàn Ngành đã tập trung chỉ đạo rải nhựa mới 16km đường 256, sửa chữa, nâng cấp 5km và 6 kè đá đường 257, 10km đường 258 và cầu Xuất Hoá (xã Xuất Hoá) với tổng giá trị 14 tỷ 200 triệu đồng. Trên trục được quốc lộ số 3, Ngành đã chỉ đạo Đoạn quản lý và sửa chữa đường bộ và bằng nguồn vốn xây dựng cơ bản đã nâng cấp 25km mặt đường nhựa, láng nhựa 2 lớp được 13km, xây 6 kè bảo vệ nền đường; vá ổ gà các loại được 77.684m2, kè rọ thép hộp 781 cái, xếp đá hộc 1.574m3; dựng 4.607 cọc tiêu, biển báo, cọc H. Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công tác quản lý vốn, chất lượng các hạng mục, công trình được giám sát, kiểm tra, nghiệm thu chặt chẽ, đúng quy định của Ngành.
Đối với hệ thống giao thông nông thôn, từ thực tế tình hình giao thông vận tải nông thôn qua kiểm tra và đánh giá, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với các huyện, thị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động phong trào tu sửa, cải tạo, nâng cấp và làm mới đường giao thông nông thôn trong các tầng lớp nhân dân. Đồng thời hướng dẫn tổng kết phong trào để chuẩn bị cho hội nghị tổng kết công tác giao thông nông thôn toàn tỉnh vào đầu năm 1998. Trong năm, Sở đã lập dự án cải tạo, xây dựng hầu hết các tuyến đường liên xã quan trọng của các huyện; khảo sát, thiết kế, tổ chức đấu thầu 4 gói thầu tuyến đường Sáu Hai, xã Nông Hạ - Nông Thượng, thị xã Bắc Kạn trị giá 30,5 tỷ đồng; sử dụng đúng mục đích 1 tỷ 432 triệu đồng xây dựng đường giao thông nông thôn (vốn do Bộ Giao thông Vận tải cấp). Trong năm, lực lượng giao thông nhân dân huyện Bạch Thông tham gia các đợt diễn tập bảo vệ an ninh đã thực hiện 20.056 ngày công lao động đào đắp, nạo vét hàng nghìn m3 đất đá để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo 53,66km đường giao thông nông thôn và một số công trình thuỷ lợi nhỏ trị giá hàng trăm triệu đồng.
Trên lĩnh vực vận tải, do sự phát triển của cơ chế thị trường, ngay từ khi mới tái lập tỉnh, nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách trong tỉnh tăng khá mạnh. Sở đã ban hành nhiều quy chế về quản lý và cấp phép cho các thành phần kinh tế tập thể, cá nhân vận tải hoạt động. Trong năm 1997, Sở Giao thông vận tải đã cấp 365 giấy phép lưu hành phương tiện vận tải, 165 giấp phép vận tải hàng hoá, 188 giấy phép vận chuyển hành khách. Chấp nhận 59 xe vận chuyển hành khách của 14 tỉnh bạn tới địa bàn thị xã Bắc Kạn và các huyện Na Rì, Chợ Đồn, Ba Bể. Về vận tải đường thuỷ, Sở đã phối hợp với Công an tỉnh, huyện Ba Bể và Cục đăng kiểm tổ chức đăng ký cho 55 tàu, thuyền chở khách ở hồ Ba Bể - Sông Năng, 8 tàu thuyền chở hàng hoá ở Chợ Mới và xã Quảng Chu (Chợ Mới).
Về lực lượng vận tải, tính đến cuối năm 1997, toàn tỉnh có 387 xe ô tô các loại gồm 113 xe tải, 55 xe khách, 179 xe con, trong đó lực lượng vận tải tư nhân có 233 xe ô tô các loại, gồm 93 xe tải, 53 xe khách, 87 xe con. Riêng xe tải và xe khách chiếm 89,8% số lượng xe tải và xe khách của cả tỉnh. Lực lượng vận tải ngoài quốc doanh này vận hành theo cơ chế thị trường đã vận chuyển một khối lượng hàng hoá to lớn phục vụ kịp thời cho việc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm đầu mới tái lập. Đồng thời đáp ứng tốt sự đi lại, giao lưu văn hoá - xã hội của nhân dân. Hoạt động của các loại phương tiện vận tải tư nhân ngày càng đi vào nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực.
Để góp phần nâng cao chất lượng hệ thống giao thông và bảo đảm an toàn giao thông, công tác thanh tra giao thông và an toàn giao thông, thường xuyên được duy trì và hoạt động có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật về kiểm tra, bảo vệ công trình giao thông, hành lang đường bộ, các quy định về vận tải. Qua 1 năm hoạt động, các tổ, đội thanh tra giao thông và an toàn giao thông đã kiểm tra 360 lượt xe cơ giới các loại, xử lý 13 trường hợp, phạt 65 triệu đồng nộp ngân sách; xử lý 650 trường hợp vi phạm hành lang giao thông, trong đó tháo dỡ 73 nhà tạm, 98 lều quán. Ngoài ra, Phòng nghiệp vụ chuyên môn của Sở còn phối hợp với trường đào tạo lái xe Quân khu 1, sát hạch và cấp giấy phép lái xe ô tô, mô tô cho 276 người; đổi cấp 172 giấy phép lái xe hết hạn.
Với những kết quả toàn diện đạt được trong công tác bảo đảm giao thông vận tải năm đầu mới tái lập tỉnh, tại hội nghị tổng kết công tác giao thông vận tải năm 1997, 17 đồng chí đạt danh hiệu lao động tiên tiến cả năm; 17 đồng chí đạt danh hiệu lao động tiên tiến 6 tháng; 4 phòng, ban đạt danh hiệu lao động tiên tiến cả năm; 1 phòng đạt danh hiệu tiên tiến 6 tháng. Sở Giao thông vận tải đã đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho 1 đồng chí đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
Năm 1998, bộ máy Sở Giao thông vận tải tỉnh tiếp tục được bổ sung thêm cán bộ, thành lập thêm các phòng, ban trực thuộc. Năm 1998, toàn Sở đã bổ sung 22 cán bộ, viên chức, trong đó có 8 người trình độ đại học và tương đương, 6 người có trình độ trung cấp và tương đương.
Tháng 1-1998, Ban quản lý dự án giao thông được thành lập gồm 9 cán bộ, công nhân viên chức, trong đó có 5 đảng viên, do đồng chí Đào Kiên Cường làm Giám đốc. Đồng chí Ngô Quỳ làm phó Giám đốc.
Tháng 7-1998, Trạm đăng kiểm cơ giới đường bộ được thành lập gồm 7 cán bộ, công nhân viên chức, trong đó có 2 đảng viên, do đồng chí Dương Văn Chú làm Trạm trưởng. Đồng chí Liêu Đình Vang làm phó Trạm trưởng. Với những cơ sở vật chất ban đầu, hoạt động của Trạm đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ quản lý kỹ thuật các phương tiện vận tải cơ giới đường bộ.
Cũng trong tháng 7-1998, thực hiện Nghị định số 46/1998/NĐ-CP của Chính phủ, 16 xã, thị trấn phía Nam của huyện Bạch Thông có diện tích 575,7km2 với 34.394 nhân khẩu được tách ra để thành lập huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Tiếp sau đó, Phòng giao thông vận tải huyện Chợ Mới được thành lập gồm 5 cán bộ, nhân viên, do đồng chí Nguyễn Việt Bắc làm Trưởng phòng. Đồng chí Lèng Văn Chiến làm phó Trưởng phòng.
Tháng 11-1998, Công ty vận tải ô tô Bắc Kạn được thành lập, gồm 6 cán bộ, công nhân viên chức, do đồng chí Vi Văn Quang phó Giám đốc Sở kiêm Giám đốc Công ty. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, Sở giao thông vận tải đã chủ động và vận dụng nhiều hình thức kinh doanh vận tải hiện có để thu hút vốn và khuyến khích lực lượng vận tải tư nhân hoạt động. Sở đã mở 5 tuyến vận tải hành khách đi các tỉnh bạn và một số tuyến nội tỉnh. Đến cuối năm 1998, toàn tỉnh có 506 xe ô tô các loại, trong đó tư nhân có 246 xe. Xe tải có 168 xe, trong đó tư nhân có 130 xe. Xe khách có 95 xe, trong đó tư nhân có 85 xe. Hàng ngày có trên 30 xe khách Bắc Kạn chạy ngoài tỉnh và trên 30 xe khách ngoài tỉnh hoạt động trên địa bàn của tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Các phương tiện vận tải hành khách hoạt động trên các luồng, tuyến nội và ngoại tỉnh bảo đảm an toàn.
Từ năm 1998 - 2000, cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Sở và các đơn vị trực thuộc, nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải trong toàn tỉnh tiếp tục được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII.
Trong công tác xây dựng cơ bản, Ngành giao thông vận tải đã tập trung vốn, nhân lực sửa chữa, nâng cấp, làm mới nhiều công trình cầu, đường và hệ thống giao thông nông thôn.
Đến năm 2000, đối với hệ thống cầu đường giao thông liên huyện, Ngành giao thông vận tải đã hoàn thành việc sửa chữa, rải nhựa toàn bộ các tuyến đường 256, 257, 258 với tổng chiều dài 154km; xây dựng 5 kè bảo vệ nền đường 257, khoảng gần 10km đường nội thị với tổng giá trị đạt 21 tỷ đồng bằng nguồn vốn địa phương. Hoàn thành xây dựng cầu dây văng Thác Giềng, dài hơn 100m và hơn 10km đường vành đai thị xã với tổng giá trị đạt 14 tỷ đồng bằng nguồn vốn Trung ương.
Đối với hệ thống giao thông nông thôn, với 1,1 triệu USD vốn vay Ngân hàng thế giới WB. Ngành đã tập trung mở mới và hoàn thành các tuyến đường km 62, xã Nông Hạ - Thanh Mai - Nông Thượng; đường Hảo Nghĩa - Xuân Dương - Liêm Thuỷ, đường thị trấn Yến Lạc - Cường Lợi (Na Rì); đường Phương Viên - Bằng Phúc (Chợ Đồn). Đến năm 2000, 95,9% các xã trong tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã.
Trong quá trình tổ chức thi công các dự án, công tác quản lý vốn được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nghiêm túc theo Nghị định 42/CP, 52/CP của Chính phủ, các công trình khi nghiệm thu đưa vào sử dụng bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng yêu cầu của hồ sơ kỹ thuật, không có hạng mục, công trình nào để xảy ra sự cố về kỹ thuật.
Đối với các tuyến đường liên xã, liên thôn: Ngành đã chủ động tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ra chỉ thị phát động phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn. Đồng thời hướng dẫn Phòng giao thông các huyện, thị tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương phát động các chiến dịch làm đường giao thông nông thôn. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" và thông qua các phong trào, chiến dịch làm đường giao thông nông thôn, thông qua các hoạt động diễn tập phòng thủ khu vực, tác chiến trị an cấp huyện, xã, cấp uỷ, chính quyền và đông đảo các lực lượng, các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia. Đến năm 2000, lực lượng giao thông nhân dân toàn tỉnh đã tu sửa, nâng cấp được hàng nghìn km đường liên xã, thôn bản, mặt đường hầu hết được mở rộng từ 2 - 3m, làm mới được hàng chục km đường ô tô đến các trung tâm xã. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác giao thông nông thôn như: Bạch Thông, Ba Bể, Na Rì, thị xã Bắc Kạn. Nhằm chủ động và tăng cường các hoạt động bảo đảm giao thông, nhất là trong mùa mưa bão, hàng năm, Sở đã xây dựng kế hoạch cụ thể về sử dụng: nguồn nhân lực, phương tiện, vốn, nguyên vật liệu, tổ chức diễn tập, ứng cứu… phòng chống lụt bão ở các khu vực trọng điểm, ở những nơi hay xảy ra thiên tai.
Để tăng cường bảo đảm hệ số an toàn khi tham gia giao thông của các phương tiện vận tải, Trạm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh đã từng bước được kiện toàn, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công nhân và trang thiết bị. Hàng năm, trạm đã đăng kiểm cho từ 500-700 xe cơ giới và thuyền, đò lưu hành, bảo đảm đúng quy định.
Công tác thanh tra giao thông mặc dù gặp nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, về phương tiện đi lại nhưng đã cố gắng tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát hệ thống cầu đường, từ đó đề xuất, kiến nghị các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông. Hàng năm, căn cứ vào tình hình an toàn giao thông trên địa bàn và các chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, của Chính phủ và Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia, Ban thanh tra giao thông đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chấp hành luật giao thông. Từ năm 2000, Ban thanh tra giao thông đã phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh mở chuyên mục an toàn giao thông hàng tuần đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ cầu, đường, về sử dụng, điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông vận tải.
Từ năm 1998 - 2000, công tác vận tải có nhiều chuyển biến tích cực, tương đối đồng đều ở các địa phương. Đặc biệt lực lượng vận tải ngoài quốc doanh đã phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng. Hoạt động của lực lượng vận tải bộ, thuỷ luôn phát huy tính chủ động trong việc khai thác mọi nguồn hàng, vận chuyển nhanh chóng, kịp thời phục vụ sản xuất và nhu cầu đi lại của nhân dân.
Đối với vận tải hành khách, Công ty vận tải ô tô Bắc Kạn thường xuyên được duy trì và quản lý chặt chẽ, luôn chú trọng đầu tư, đổi mới về phương tiện và chất lượng phục vụ như: mua sắm xe mới, cải tạo phương tiện cũ, nâng cao tinh thần phục vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, văn minh lịch sự.
Về xây dựng cơ quan, xây dựng tổ chức Đảng và các đoàn thể. Đến năm 2000, Sở có 6 phòng, ban:
- Phòng kinh tế kế hoạch.
- Phòng tổ chức - hành chính.
- Phòng quản lý giao thông.
- Phòng quản lý vận tải.
- Ban thanh tra giao thông.
- Ban quản lý dự án giao thông.
Tổng số cán bộ, công nhân viên chức có 51 đồng chí (trong đó có 44 nam, 7 nữ). Về chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, gồm: 13 đồng chí có trình độ đại học, 6 đồng chí có trình độ cao đẳng và trung cấp. Toàn cơ quan có 32 đồng chí được đào tạo cơ bản về lý luận chính trị. Trong 3 năm (1998-2000), lãnh đạo Sở đã bổ nhiệm 17 đồng chí giữ các chức vụ phó Giám đốc, phó Trưởng các phòng, ban. Hàng năm, Ngành luôn chú trọng tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức để đáp ứng với tình hình hoạt động của Ngành trong cơ chế thị trường.
Tháng 7-2000, thành lập Công ty tư vấn xây dựng giao thông Bắc Kạn với 10 cán bộ, công nhân viên chức, do đồng chí Lê Văn Khương làm Giám đốc. Đồng chí Ngô Hùng Thuý làm phó Giám đốc; Tổ chức, kiện toàn bến xe Bắc Kạn cấp tỉnh, đồng thời tiếp nhận 200 xe, 15 cán bộ, công nhân viên chức, do đồng chí Vũ Xuân Dương làm Trưởng bến.
Công tác xây dựng tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên thường xuyên được chú trọng xây dựng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong 3 năm, chi bộ đã phát triển được 4 đảng viên mới góp phần nâng tổng số đảng viên trong chi bộ lên 22 đồng chí. Qua học tập, rèn luyện tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên và thực hiện nhiệm vụ, 100% đảng viên đều đủ tư cách mức 1, 1 đảng viên được bình bầu là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Đánh giá, bình xét công tác lãnh đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ, hàng năm chi bộ đều đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh, năm 1998 đạt chi bộ trong sạch vững mạnh xuất sắc được Tỉnh uỷ tặng Bằng khen. Hoạt động của Công đoàn và Đoàn thanh niên có nhiều đổi mới trong giáo dục, tuyên truyền, tập hợp, động viên hội viên, đoàn viên hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Công tác xây dựng cơ quan, chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân viên chức được quan tâm chu đáo, các phong trào thi đua thường xuyên được thực hiện sôi nổi đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ngành. Từ 1998 - 2000, tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên đều đạt tiêu chuẩn vững mạnh.
Với thời gian bốn năm sau ngày tái lập tỉnh, cán bộ, công nhân viên chức Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn đã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Nhiều hạng mục, công trình lớn về giao thông đã được khởi công xây dựng, cải tạo, nâng cấp và đưa vào sử dụng, phương tiện, năng lực vận tải hàng hoá và hành khách không ngừng tăng lên. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng đẩy mạnh các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh ngày càng vững mạnh. Đồng thời làm thay đổi cơ bản diện mạo đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh so với ngày đầu mới thành lập. Đây thực sự là những tiền đề, động lực quan trọng để cán bộ, công nhân, viên chức Ngành giao thông vận tải đẩy mạnh và phát triển các hoạt động giao thông vận tải ở Bắc Kạn theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
Bước vào thế kỷ XXI, tình hình kinh tế - xã hội trong nước tuy gặp một số khó khăn nhưng vẫn tiếp tục phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng giao thông vận tải qua những năm tiến hành công cuộc đổi mới của Đảng đã làm cho bộ mặt kinh tế - xã hội của đất nước có nhiều thay đổi đáng phấn khởi.
Đầu tháng 1-2001, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII được tổ chức và thành công tốt đẹp. Nghị quyết Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời kỳ 2001-2005 với 10 mục tiêu chủ yếu, trong đó đã đặt ra những nhiệm vụ mới của Ngành giao thông vận tải là: "Mở mới, khôi phục và nâng cấp một số tuyến giao thông trọng yếu, phấn đấu đến năm 2005 đều có đường ô tô đến trung tâm các xã".
Học tập, quán triệt các chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn đã xây dựng kế hoạch và xác định: tập trung tranh thủ mọi nguồn vốn, phát huy nguồn nội lực là chính, tiếp tục đầu tư xây dựng mới, khôi phục, nâng cấp các hạng mục, công trình giao thông theo quy hoạch và các dự án được phê duyệt; Đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực và công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải; tiếp tục thực hiện chương trình giao thông nông thôn phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện kế hoạch 5 năm (2001-2005) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, Ngành đã thường xuyên chủ động tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản, chỉ đạo, đồng thời là lực lượng trực tiếp tổ chức các hoạt động về xây dựng, quản lý giao thông vận tải, công tác an toàn giao thông, công tác phòng chống lụt bão bảo đảm giao thông.
Đối với nhiệm vụ thường xuyên, cán bộ, công nhân viên chức trong Ngành thường xuyên bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của Chi bộ về bảo đảm giao thông vận tải, trên cơ sở đó, Ngành đã phát động các phong trào thi đua hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Về xây dựng cơ bản, ngay từ những năm đầu, Ngành đã thu hút được nhiều dự án lớn đầu tư cho hệ thống cầu, đường giao thông. Tổng số vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản năm 2001 là 58 tỷ 724 triệu đồng, năm 2004 là 70 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn này, Ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn việc cải tạo, nâng cấp và làm mới hệ thống cầu, đường tăng gần 4 lần so với năm 2000. Tất cả các công trình đều đạt chất lượng tốt, khi đưa vào sử dụng đều đạt hiệu quả cao như: cầu Dương Quang, thị xã Bắc Kạn; cầu Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới; cầu Suối To, xã Tú Trĩ, huyện Bạch Thông, đường Quang Phong - Đổng Xá, huyện Na Rì; đường Chợ Rã - Bộc Bố, đường Bộc Bố - Bằng Thành, huyện Ba Bể; đường Vân Tùng - Thuần Mang, huyện Ngân Sơn; đường Bình Trung - Đông Viên, huyện Chợ Đồn đạt tiêu chuẩn đường cấp VI miền núi. Đặc biệt, trong thời kỳ này, với 396,8km đường, cầu giao thông mà Ngành quản lý đã luôn luôn bảo đảm giao thông thông suốt, kể cả vào mùa mưa lũ.
Phong trào xã hội hoá làm đường giao thông nông thôn ngày càng được các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân tham gia rộng rãi, sôi nổi. Điển hình là các huyện Na Rì, Ba Bể. Tổng kết phong trào làm đường giao thông nông thôn năm 2001, Bộ Giao thông vận tải đã tặng cờ thi đua cho cán bộ và nhân dân huyện Na Rì kèm theo 25 triệu đồng; tặng Bằng khen cho cán bộ và nhân dân xã Bằng Thành, Ba Bể, kèm theo 10 triệu đồng. Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho cán bộ và nhân dân 7 xã đã có nhiều thành tích trong phong trào làm đường giao thông nông thôn.
Tính đến năm 2004, đường, cầu giao thông liên huyện tăng 519 km so với năm 1997, đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A, B, một số tuyến đường đã được rải nhựa; đường giao thông liên xã, thôn bản tăng 650km so với năm 1997. Riêng năm 2004, phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển khá mạnh và đều khắp, cấp uỷ, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng giao thông nhân dân thực hiện 215.815 công lao động làm mới được 38,2km, cải tạo được 312 km đường giao thông nông thôn. Đến tháng 12-2004, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, xã cuối cùng của tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Ngành giao thông vận tải đã thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đề ra trước 1 năm: 100% các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã.
Công tác vận tải đã có bước phát triển nhanh và rộng khắp các địa bàn của tỉnh, đặc biệt là các lực lượng vận tải tư nhân, đến đầu năm 2005, toàn tỉnh có 1.329 xe ô tô các loại gồm: 489 ô tô vận tải hàng hoá, 202 xe công nông, 213 xe vận tải hành khách, 88 thuyền đò, 425 xe con và khoảng 5 vạn xe máy. Trong 5 năm, Sở đã tham gia và đào tạo, sát hạch cấp hơn 4 vạn giấy phép lái xe mô tô, xe ô tô, thuyền đò các loại. Chỉ tính riêng 2 năm (2003-2004), Sở đã đào tạo, sát hạch cấp được 29.876 giấy phép A1, 758 giấy phép lái xe ô tô các hạng, 50 giấy phép thuyền đò máy. Năm 2004, Sở đã kiểm định 2.024 phương tiện vận tải, trong đó có 1.906 xe ô tô các loại, 30 xe máy chuyên dụng, 88 thuyền đò.
Thực hiện chủ trương của Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân tỉnh, với phương châm xã hội hoá các hình thức vận tải hàng hoá và hành khách, Ngành đã duy trì ổn định 16 luồng tuyến vận tải, trong đó có 11 luồng tuyến vận tải ngoài tỉnh, 5 luồng tuyến vận tải trong tỉnh.
Tháng 6-2002, Sở đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai tới các chủ phương tiện vận tải nội dung quyết định số 4127/QĐ-BGTVT và Quyết định số 4128/QĐ-BGTVT về quy định biển ô tô khách, tuyến vận tải khách và quản lý, khai thác tuyến vận tải khách hàng bằng ô tô. Công ty vận tải ô tô do Sở quản lý, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã chủ động khắc phục để thích ứng với cơ chế thị trường. Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp nên các hoạt động quản lý vận tải ngày càng nâng cao chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, giao lưu hàng hoá của nhân dân.
Công tác bảo đảm an toàn giao thông ngày càng có nhiều tiến bộ, Ngành đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng duy trì đều đặn chuyên mục an toàn giao thông nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức chấp hành luật giao thông và giữ gìn trật tự, an toàn giao thông. Năm 2002, thực hiện chỉ thị số 22-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 13-NQ/CP của Chính phủ, Ban chỉ đạo an toàn giao thông của tỉnh được kiện toàn, do đồng chí Mai Thế Dương, phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Phạm Hồng Lượng, Giám đốc Sở làm phó Trưởng ban Thường trực. Ban chỉ đạo an toàn giao thông đã tham mưu cho Tỉnh uỷ ra chỉ thị số 30/CT-TƯ và Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định số 1230/QĐ-UB giao trách nhiệm cho cấp uỷ, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo, giáo dục, tuyên truyền cán bộ, nhân dân trong cơ quan, địa phương mình nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, coi đây là 1 chỉ tiêu xét thi đua, bình xét cơ quan, đơn vị, địa phương an toàn giao thông. Bên cạnh đó, hàng năm, Ban an toàn giao thông tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ban Dân vận, Sở Giáo dục và đạo tạo tổ chức hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên, các cuộc thi tìm hiểu luật giao thông cho cán bộ, học sinh và nhân dân. Trên cơ sở đó phát động các phong trào thi đua về an toàn giao thông và triển khai các cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”, “thanh thiếu niên tham gia, bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, đặt báo “Bạn đường” cấp phát cho các địa phương, các Ngành.
Đi đôi với việc giáo dục, tuyên truyền phổ biến rộng rãi luật giao thông, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nhắc nhở các trường hợp vi phạm luật giao thông cũng được tăng cường. Riêng trong năm 2004, Ngành đã lập biên bản 187 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông trong đó xử phạt 83 trường hợp quá trọng tải, quá hạn kiểm định, vi phạm qui chế vận tải khách, giải toả 262 trường hợp vi phạm hành lang giao thông…
Song song với các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo Ngành tập trung thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong bảo đảm giao thông vận tải, công tác củng cố, xây dựng cơ quan, xây dựng tổ chức Đảng thường xuyên được chăm lo, chú trọng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công nhân viên chức.
Tính đến hết tháng 12-2005, Ngành giao thông vận tải có trên 500 cán bộ, công chức, viên chức và công nhân.
Về tổ chức bộ máy Sở có 5 phòng, đơn vị chuyên môn gồm: Phòng Kinh tế - kế hoạch, Phòng Tổ chức hành chính tổng hợp,Phòng quản lý giao thông, Phòng quản lý vận tải và Thanh tra Sở. Có 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, gồm: Ban quản lý dự án giao thông; Bến xe ô tô khách; Trung tâm đăng kiểm và 03 Công ty Cổ phần: Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ; Công ty cổ phần vận tải dịch vụ và xây dựng Bắc Kạn (từ năm 2003 về trước gọi là Công ty vận tải ô tô Bắc Kạn). Công ty tư vấn xây dựng Giao thông Bắc Kạn.
Thực hiện Nghị định số 56/2003/ CP ngày 28-5-2003 của Chính phủ, 10 xã phía Bắc của huyện Ba Bể được tách ra để thành lập huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Tiếp sau đó, Phòng Giao thông vận tải huyện Pác Nặm được thành lập.
Trong công tác xây dựng Đảng, tháng 9-2000, Đại hội Chi bộ Sở Giao thông vận tải được tổ chức đã bầu Ban chi uỷ gồm 3 đồng chí. Đồng chí Vi Văn Quang, phó Giám đốc Sở giữ chức vụ Bí thư chi bộ, đồng chí Trần Đức Duống giữ chức vụ phó Bí thư Chi bộ. Tháng 7-2003, Đại hội chi bộ đã bầu Ban chi uỷ gồm 5 đồng chí. Đồng chí Vi Văn Quang, Giám đốc Sở giữ chức vụ Bí thư chi bộ. Đồng chí Trần Đức Duống giữ chức vụ phó Bí thư. Qua mỗi lần Đại hội, chất lượng cấp uỷ và đảng viên được nâng lên đồng đều, nội bộ đoàn kết, thống nhất cao về tư tưởng và hành động theo đường lối đổi mới của Đảng.
Đến tháng 5-2005, toàn Chi bộ có 39 đảng viên, sinh hoạt ở 3 tổ đảng. Hầu hết các đảng viên đều giữ cương vị lãnh đạo, chỉ đạo chủ chốt cấp Sở, phòng, ban và phụ trách các đơn vị trực thuộc.
Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII và nghị quyết Đại hội chi bộ. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục bản chất giai câp công nhân, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, tác phong, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức ngày càng được nâng cao. Đặc biệt đợt học tập tư tưởng Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 23/CT-TƯ ngày 27-3-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có tác dụng to lớn trong giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống quê hương cách mạng, truyền thống của Ngành cho mọi cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức trong Ngành. Thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo nghị quyết Trung ương 6 (khoá VIII), chi bộ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, tuyên truyền cho mọi cán bộ, đảng viên, công đoàn viên và đoàn thanh niên, trọng tâm là giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới. Gắn công tác xây dựng, chính đốn Đảng với nhiệm vụ củng cố, kiện toàn, xây dựng cơ quan, các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, phụ nữ ngày càng vững mạnh. Đồng thời đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm.
Công tác kiểm tra giữ gìn kỷ luật của Đảng thường xuyên được thực hiện nghiêm túc. Hàng năm, cấp uỷ luôn bám sát nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng để xây dựng, thực hiện có hiệu quả kế hoạch kiểm tra đảng viên. Nhờ có nhiều biện pháp cụ thể trong công tác xây dựng tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên, tính chiến đấu, tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên được nâng lên đồng đều. Số đảng viên trung bình, yếu kém giảm. Từ năm 2001-2005, chi bộ đã chủ động giới thiệu hơn 10 quần chúng ưu tú đi học các lớp bồi dưỡng kiến thức về đảng và đã kết nạp được 6 đồng chí, vượt 50% kế hoạch. Tổng kết thực hiện nhiệm vụ hàng năm, 100% đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có trên 80% đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, chi bộ luôn đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh.
Để đáp ứng với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, chi bộ đã luôn quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, xắp xếp đội ngũ cán bộ, bổ sung cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ cho các phòng, ban chức năng của Sở; Từ năm 2001-2005, chi bộ đã xét, đề nghị bổ nhiệm và đề bạt 14 đồng chí giữ các chức vụ từ phó Giám đốc Sở, Trưởng, phó các phòng, ban; đội trưởng, đội phó, Giám đốc công ty và đơn vị trực thuộc. Tháng 4-2002, đồng chí Đào Kiên Cường được bổ nhiệm giữ chức vụ phó Giám đốc sở. Tháng 1-2003, đồng chí Vi Văn Quang được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Giao thông vận tải thay đồng chí Phạm Hồng Lượng nghỉ hưu. Tháng 4-2004, công đoàn Ngành Giao thông vận tải được thành lập với hơn 500 đoàn viên công đoàn, do đồng chí Đào Kiên Cường, phó Giám đốc Sở làm Chủ tịch công đoàn Ngành lâm thời. Tháng 10-2005, Đại hội Công đoàn Ngành nhiệm kỳ 2005-2010 được tổ chức với sự tham gia của gần 400 đoànviên công đoàn. Đại hội đã bầu Ban chấp hành công đoàn gồm 11 đồng chí. Đồng chí Đào Kiên Cường, phó Giám đốc Sở được bầu giữ chức vụ Chủ tịch. Đồng chí Ma Văn Vương, Chánh Thanh tra Sở được bầu giữ chức vụ phó Chủ tịch công đoàn Ngành.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, riêng trong 2 năm (2003-2004), 80% cán bộ chủ chốt của Ngành đã được cử đi học tập, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; 3 đồng chí đi học đào tạo lý luận chính trị trung cấp; 1 đồng chí đi học cao cấp tập trung; 6 đồng chí đi học cao cấp tại chức; 12 cán bộ, đảng viên theo học các lớp đại học, chuyên môn nghiệp vụ tại chức.
Dưới dự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ, hoạt động của các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, phụ nữ đã có nhiều đổi mới, tiến bộ và dân chủ, Ban chấp hành công đoàn, đoàn thanh niên, phụ nữ luôn đề cao trách nhiệm của cá nhân và tập thể, tính tích cực giáo dục, tuyên truyền, vận động tổ chức hội viên, đoàn viên chấp hành và thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tạo thành sức mạnh tổng hợp hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể còn tích cực tham gia các phong trào thi đua văn hoá, văn nghệ, thể thao, thực hiện các chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, phong trào ủng hộ dồng bào bị bão lụt, quỹ vì người nghèo ... Với những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng cơ quan, hàng năm công đoàn, chi đoàn thanh niên, hội phụ nữ Ngành giao thông vận tải đều được cấp trên tặng cờ thi đua xuất sắc và công nhận đạt danh hiệu tổ chức vững mạnh.
Đồng thời với nhiệm vụ lãnh đạo Ngành thực hiện nhiệm vụ chính trị, năm 2003, được sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ, sự chỉ đạo của Ban chỉ huy quân sự thị xã, Sở đã thành lập Trung đội tự vệ gồm 22 cán bộ, chiến sĩ, do đồng chí Trần Đức Duống làm Trung đội trưởng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành, trung đội tự vệ Sở luôn chấp hành, thực hiện tốt các nội dung huấn luyện, tham gia diễn tập bảo vệ trật tự an ninh và xây dựng khu vực phòng thủ. Đồng thời luôn phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong sẵn sàng chiến đấu, lên đường nhập ngũ, trong phòng chống cháy nổ, phòng chống lụt bão, góp phần xứng đáng vào các phong trào thi đua bảo đảm giao thông vận tải thông suốt trên địa bàn tỉnh.
Với những thành tích đạt được trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải và xây dựng Ngành ngày càng lớn mạnh, hàng năm, Văn phòng Sở và nhiều tập thể, cá nhân đã được Bộ Giao thông vận tải, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và Sở biểu dương khen thưởng. Năm 2001, đồng chí Phạm Hồng Lượng đã được đề nghị Chính phủ tặng Bằng khen; Sở Giao thông vận tải được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng cờ đơn vị xuất sắc nhất trong phong trào thi đua, 33 tập thể, cá nhân được công nhận lao động xuất sắc, lao động giỏi, chiến sĩ thi đua. Năm 2004, Hội đồng thi đua Sở Giao thông vận tải đã công nhận, biểu dương, khen thưởng: Phòng quản lý giao thông, trung tâm đăng kiểm đạt đơn vị lao động xuất sắc; phòng kinh tế kế hoạch, phòng quản lý vận tải đạt đơn vị lao động giỏi; 7 cá nhân gồm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 27 cá nhân đạt danh hiệu lao động giỏi.
Năm 2005, thực hiện quyết định số 340/QĐ-ĐU ngày 19-5-2005 của Ban Thường vụ Đảng uỷ các cơ quan tỉnh, Chi bộ Sở giao thông vận tải được nâng cấp từ Chi bộ thành Đảng bộ Sở Giao thông vận tải. Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời được chỉ định gồm 7 đồng chí: Đồng chí Vy Văn Quang giữ chức vụ Bí thư Đảng uỷ. Đồng chí Trần Đức Duống giữ chức vụ phó Bí thư Đảng uỷ và các đồng chí Lăng Văn Hoà, Đào Kiên Cường, Đặng Quang Hùng, Ma Văn Vương, Dương Văn Chủ là đảng uỷ viên. Căn cứ vào số lượng đảng viên và cơ cấu tổ chức trong cơ quan, Đảng uỷ ra quyết định thành lập 3 chi bộ gồm:
- Chi bộ Văn phòng và Bến xe khách thị xã Bắc Kạn có 22 đảng viên, do đồng chí Trần Đức Duống làm Bí thư.
- Chi bộ thanh tra, trạm đăng kiểm và công ty cổ phần vận tải dịch vụ và xây dựng có 5 đảng viên, do đồng chí Ma Văn Vương làm Bí thư.
- Chi bộ Ban quản lý dự án giao thông có 8 đảng viên, do đồng chí Trịnh Đình Sính làm Bí thư.
Ngày 30-8-2005, Đảng bộ Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn tiến hành Đại hội, nhiệm kỳ 2005-2008. Đại hội đã kiểm điểm công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ 2003-2005, công tác xây dựng chi bộ, cơ quan và các tổ chức, đoàn thể chính trị. Từ những kinh nghiệm thực tiễn, sự thành công và chưa thành công trong công tác lãnh đạo, Đại hội đã đề ra phương hướng, mục tiêu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ mới gồm 7 đồng chí, Ban thường vụ có 3 đồng chí, Đồng chí Vi Văn Quang, Giám đốc Sở được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng uỷ. Đồng chí Đào Kiên Cường được bầu giữ chức vụ phó Bí thư Đảng uỷ.
Tháng 10-2005, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ IX được tổ chức. Nghị quyết Đại hội đã xác định nhiệm vụ của Ngành Giao thông vận tải với những nội dung cơ bản là: Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, làm biến đổi cơ bản hệ thống đường giao thông, mạng lưới cấp điện và thông tin trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thực hiện nhiệm vụ của Ngành theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Giao thông vận tải, nhiệm kỳ 2006-2010, Đảng uỷ - Ban Giám đốc Sở Giao thông vận tải đã tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức và quy hoạch đội ngũ cán bộ, bổ sung, đào tạo, bổ nhiệm và đề nghị bổ nhiệm cán bộ chuyên môn nghiệp vụ cho các phòng, ban chức năng, các tổ chức, đoàn thể chính trị. Đồng thời lãnh đạo, tổ chức cán bộ, công nhân, viên chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Tháng 2-2009, theo Quyết định số 36/QĐ-SGTVT …..của Sở Giao thông vận tải tỉnh, Ban quảnlý dự án sự nghiệp đường bộ được thành lập gồm 12 cán bộ, công nhân viên chức, do ông Đào Kiên Cường, phó Giám đốc Sở kiêm Trưởng ban.
Đến năm 2010, bộ máy tổ chức của Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn gồm có: 6 phòng chuyên môn, 4 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
- Khối cơ quan quản lý Nhà nước gồm: Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Quản lý giao thông Phòng Quản lý đầu tư xây dựng, Phòng Quản lý vận tải - Phương tiện người lái, Thanh tra giao thông và Văn phòng Sở, với 51 cán bộ, công chức.
- Khối đơn vị sự nghiệp gồm: Ban quản lý dự án giao thông, Bến xe ô tô khách, Trạm đăng kiểm và Ban quản lý dự án sự nghiệp đường bộ, với 80 viên chức và lao động hợp đồng.
- Có 03 Công ty Cổ phần, gồm có: Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Bắc Kạn, Công ty cổ phần vận tải dịch vụ - xây dựng với 365 cán bộ, công nhân viên chức.
Để đáp ứng với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ngành, trong chiến lược quy hoạch cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp, Ngành đã triển khai và thực hiện tốt Nghị quyết 08 của Tỉnh uỷ về quy hoạch cán bộ từ năm 2006-2015. Năm 2010, Ngành tiếp tục xây dựng xong đề án xắp sếp bộ máy của Sở theo Nghị định số 13/NĐ-CP của Chính phủ. Trên cơ sở đó, từ năm 2006-2010, Đảng uỷ - Ban Giám đốc Sở đã xét đề bạt, bổ nhiệm và đề nghị bổ nhiệm 23 đồng chí giữ các chức vụ phó Giám đốc, Trưởng phó phòng, ban, Giám đốc các đơn vị trực thuộc. Tháng 4-2008, đồng chí Lăng Văn Hoà được đề bạt giữ chức vụ Giám đốc Sở. Đến năm 2010, Ngành đã cử 43 đồng chí cán bộ các cấp tham gia học tập lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật, quản lý hành chính, lao động tiền lương, ngoại ngữ…Tháng 6-2011, đồng chí Nguyễn Văn Ba, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Ba Bể được Tỉnh uỷ Bắc Kạn bổ nhiệm giữ chức vụ phó Giám đốc Sở Giao thông vật tải. Tháng 7-2014, đồng chí Đinh Quang Tuyên, giám đốc Ban quảnlý dự án Giao thông được đề bạt giữ chức vụ phó Giám đốc. Tháng 6/2015 đồng chí Ma Trương Thiêm – Tỉnh ủy viên, phó Bí thư Huyện ủy Pắc Nặm được tỉnh điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở.
Đi đôi với công tác kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan và nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ chuyên môn, Ngành đã chú trọng chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực giao thông vận tải ở cơ quan và các đơn vị theo Quyết định số 60/QĐ-TTg và đề án số 30 của Chính phủ về đơn giản hoá các thủ tục hành chính, rà soát thủ tục hành chính. Nhờ vậy, chất lượng công tác của cơ quan, đơn vị đã có nhiều đổi mới, tiến bộ. Đặc biệt, bộ phận 1 cửa, nơi tiếp nhận hồ sơ đào tạo, cấp giấy phép lái xe, các thủ tục hướng dẫn, lệ phí được niêm yết công khai… đã được nhân dân đồng tình, hoan nghênh.
Về tổ chức Đảng và các đoàn thể quần chúng, đến năm 2010, Đảng bộ Sở Giao thông vận tải có 61 đảng viên, sinh hoạt ở 4 chi bộ. Toàn Ngành có 8 công đoàn cơ sở với 522 công đoàn viên. Đoàn thanh niên có 34 cán bộ, đoàn viên thanh niên. Hội phụ nữ Ngành có 148 hội viên, Hội Cựu chiến binh có 26 hội viên.
Công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể quần chúng thường xuyên được chú trọng trên cả 3 mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức, được thực hiện nghiêm túc bằng các hoạt động như: Giáo dục, quán triệt các chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên và Nghị quyết của Đảng bộ; Nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, sinh hoạt các đoàn thể, đẩy mạnh công tác phát triển Đảng và thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra giữ gìn kỷ luật của Đảng, phát động các phong trào thi đua… Đặc biệt, từ đầu năm 2007, cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức toàn Ngành đã sôi nổi học tập, quán triệt và thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đạt hiệu quả cao, thiết thực trong nhận thức chính trị tư tưởng và hành động.
Xây dựng, kiện toàn bộ máy cơ quan, tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị ngày càng vững mạnh để Đảng bộ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cán bộ, công nhân viên chức hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Đối với các công trình xây dựng cơ bản, toàn Ngành đã tập trung thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh về tranh thủ mọi nguồn vốn để phát triển nhanh mạng lưới giao thông vận tải từ tỉnh - huyện - xã.
Từ năm 2006-2010, Ngành đã tập trung sử dụng gần 5.000 tỷ đồng xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình trọng điểm, bảo đảm chất lượng, tiến độ và đưa vào sử dụng đúng kế hoạch như: đường 258, dự án quốc lộ 3B (Thác Giềng - Na Rì), đường 257, 258, 254… hầu hết các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ 3, quốc lộ 279 đều được cải tạo, nâng cấp nhựa hoá và bê tông hoá. Hàng vạn cọc tiêu, biển báo… được trồng mới đã tạo cho bộ mặt đường sá ở Bắc Kạn có sự thay đổi cơ bản theo mục tiêu thông thoáng, an toàn và từng bước sạch đẹp.
Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông không ngừng được đẩy mạnh bằng các hoạt động kiểm tra, kiểm soát bảo vệ công trình giao thông, đồng thời sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn kinh phí được giao; phối hợp với các ngành chức năng và các lực lượng giao thông nhân dân phát động các đợt phát quang, giải toả hành lang giao thông, tạo đường thông hè thoáng. Giải quyết, xử lý các "điểm đen" về an toàn giao thông. Năm 2010, Bắc Kạn là 1 trong những tỉnh kiềm chế được tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí. Cụ thể: Toàn tỉnh xảy ra 23 vụ tai nạn giao thông, giảm 12 vụ so với năm 2009; chết 25 người, giảm 13 người so với năm 2009; bị thương 13 người, giảm 11 người so với năm 2009.
Công tác kiểm định kỹ thuật an toàn phương tiện cơ giới đường bộ từng bước được hiện đại hoá đi vào nền nếp, đúng quy định của Cục Đăng kiểm và Bộ giao thông vận tải đề ra. Đến năm 2010, Ngành quản lý 2.936 xe ô tô, 347 xe máy chuyên dùng, 125 thuyền đò. Trong năm đã cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định cho 3.467 lượt xe ô tô, 91 xe máy chuyên dùng, 123 thuyền đò. Ngành đã không để xảy ra vụ nào mất an toàn phương tiện vận tải do kiểm định an toàn.
Các hoạt động vận tải hàng hoá, hành khách, đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc Sở đều có nhiều chuyển biến mạnh mẽ theo cơ chế thị trường, bảo đảm phục vụ thuận lợi cho hàng hoá lưu thông, sự đi lại của nhân dân và đạt hiệu quả thiết thực trong kinh doanh. Doanh thu hàng năm của các đơn vị đều đạt và vượt kế hoạch từ 2-6%. Thu nhập bình quân đạt từ 1,7 triệu đồng đến 4 triệu đồng/người/tháng.
Với những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ được giao, hàng năm toàn Ngành có từ 100-120 tập thể và cá nhân đạt các danh hiệu lao động giỏi, lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp cơ sở, được tặng bằng khen, giấy khen của các cấp. Năm 2010, 19 tập thể phòng, ban, đơn vị được xét tặng và đề nghị Tỉnh khen thưởng. Sở Giao thông vận tải và Công ty Cổ phần quản lý xây dựng giao thông Bắc Kạn được Bộ Giao thông vận tải tặng cờ thi đua xuất sắc. 113 cá nhân được công nhận danh hiệu lao động xuất sắc, lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, trong đó có 6 cá nhân được Bộ giao thông vận tải tặng Bằng khen. Trong 5 năm (2005-2010), Đảng bộ Sở Giao thông vận tải luôn đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Các tổ chức Công đoàn, đoàn thanh niên, phụ nữ đạt tổ chức vững mạnh 5 năm liền.
Ngày 27-5-2010, Đảng bộ Sở Giao thông vận tải tiến hành Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015 với sự tham gia của 61 đảng viên, sinh hoạt ở 4 Chi bộ trực thuộc. Đại hội đã kiểm điểm công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, cơ quan và các đoàn thể quần chúng. Trên cơ sở đó và nhiệm vụ được giao, Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới và bầu Ban chấp hành Đảng bộ mới gồm 9 đồng chí. Ban Thường vụ có 3 đồng chí. Đồng chí Lăng Văn Hoà được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng uỷ. Đồng chí Đào Kiên Cường được bầu giữ chức vụ phó Bí thư Đảng uỷ và đồng chí Đinh Quang Tuyên giữ chức vụ Uỷ viên Ban thường vụ Đảng uỷ.
Ngày 20-10-2010, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ X được tổ chức. Nghị quyết Đại hội đã nêu rõ nhiệm vụ của Ngành Giao thông vận tải với những nội dung cơ bản là: Thực hiện cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3B, quốc lộ 279 đạt tiêu chuẩn cấp IV; xây dựng mới quốc lộ 3 (đoạn Chợ Mới – thị xã Bắc Kạn) đạt tiêu chuẩn cấp II, III; xây dựng 1 số đường tránh huyện Ngân Sơn, thị trấn Nà Phặc và khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh; nâng cấp đường 254, 257, 258, 258B đạt tiêu chuẩn cấp IV; Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường liên huyện, liên xã bảo đảm đi lại được 4 mùa; Củng cố và xây dựng bến xe khách Na Rì, Chợ Đồn, Ba Bể…; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải phát triển cả về qui mô và chất lượng phương tiện vận tải.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Nghị quyết của Đảng uỷ các cơ quan tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2010-2015, từ năm 2011-2015, Ngành Giao thông vận tải Bắc Kạn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh với nguồn vốn hàng nghìn tỷ đồng để nâng cấp và xây dựng hạ tầng giao thông.
Để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao, cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức toàn Ngành đã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, phát động các phong trào thi đua “Lao động giỏi – lao động sáng tạo”, “Thanh niên xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” v.v. Đặc biệt, toàn ngành đã nghiêm túc chấp hành và thực hiện tốt Chỉ thị số 03 - CT/TƯ của Ban chấp hành Trung ương đảng về tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Đến năm 2015, toàn Ngành đã cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra. Điển hình là trong công tác xây dựng cơ bản, từ năm 2010-2015, với tổng số vốn đầu tư 2.758 tỷ đồng, toàn Ngành đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy trình, quy định của Nhà nước về công tác xây dựng cơ bản. Kết quả:
- Hoàn thành nhiệm vụ tham mưu cho tỉnh xây dựng quy hoạch tổng thể và chi tiết phát triển giao thông vận tải đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Quản lý, bảo trì tốt kết cấu hạ tầng giao thông gồm 2 tuyến đường quốc lộ, 15 tuyến đường tỉnh lộ với tổng chiều dài 685,9km, tăng 1 tuyến với chiều dài 114km so với năm 2010. Cụ thể:
- Quốc lộ 279: 134,5km
- Quốc lộ 3B: 66,6km
- Đường tỉnh lộ: 251, 252, 252B, 253, 254, 254B, 255, 255B, 256, 257, 257B, 258, 258B, 259, 259B với tổng chiều dài 484,8
- Hệ thống đường giao thông nông thôn: gần 4.000km
Trên các tuyến đường giao thông, Ngành tiếp tục cắm bổ sung thêm hàng trăm các biển báo, khẩu hiệu, pa nô, áp phích tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong thành phố đã tiến hành phân luồng giao thông, lắp thêm các cụm đèn điều khiển giao thông tại các điểm giao cắt có mật độ giao thông lớn.
Đặc biệt, trong công tác bảo đảm giao thông mùa mưa bão, toàn ngành đã tổ chức, thực hiện tốt theo phương châm 4 tại chỗ, kịp thời khắc phục hậu quả lụt bão. Từ năm 2010-2014, Ngành đã sử dụng máy móc và nhân lực san ủi, vận chuyển gần 650.000m3 đất đá, làm gần 5.000 kè rọ thép đá với tổng kinh phí hơn 88 tỷ đồng.
Công tác quản lý vận tải - phương tiện và người lái thường xuyên được thực hiện tốt trong các hoạt động. Đến năm 2015, toàn tỉnh có 5.962 xe ô tô các loại, 113.217 xe mô tô, 503 xe máy chuyên dùng. Ngành đã mở 26 tuyến vận tải, gồm 5 tuyến nội tỉnh và 21 tuyến ngoại tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và giao lưu hàng hóa của nhân dân. Từ 2010-2014, bến xe khách tỉnh đã vận chuyển được hơn 98 vạn lượt hành khách
Các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ như: Thanh tra giao thông, kiểm định an toàn phương tiện giao thông, đào tạo, cấp phép lái xe… thường xuyên được thực hiện có chất lượng, hiệu qủa.
Từ năm 2010-2014, Ngành đã tổ chức 352 lần tuần tra, kiểm soát trên 18 tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, xử lý và giải tỏa 1.035 trường hợp vi phạm hành lang giao thông. Kiểm tra, xử lý 1.008 trường hợp phương tiện vận tải và người lái với số tiền hơn 2 tỷ đồng nộp vào kho bạc Nhà nước.
Công tác kiểm định an toàn phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy luôn được thực hiện theo đúng quy định của Cục đăng kiểm với 27.809 lượt xe ô tô các loại và thuyền đò; cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định cho 21.426 lượt xe ô tô các loại; 609 lượt xe máy chuyên dùng; 393 lượt thuyền đò. Bên cạnh đó, công tác giải quyết, xử lý đơn thư, khiếu nại… được thực hiện kịp thời, đúng quy định của pháp luật, với 184 trường hợp (2000-2014).
Đến năm 2015, Ngành có 3 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và mô tô. Nhờ vậy trong 5 năm qua, Ngành đã đào tạo và cấp 7.338 giấy phép lái xe ô tô, 32.463 giấy phép lái xe mô tô.
Cùng với việc tập trung xây dựng, phát triển ngành, công tác xây dựng Đảng bộ, cơ quan, các đoàn thể quần chúng thường xuyên được quan tâm chú trọng toàn diện về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đến tháng 6-2015, Đảng bộ có 70 đảng viên sinh hoạt ở 6 Chi bộ gồm: Chi bộ Văn phòng Sở (26 đảng viên), Chi bộ Bến xe (5 đảng viên), Chi bộ thanh tra (10 đảng viên), Chi bộ Trung tâm Đăng kiểm (7 đảng viên), Chi bộ Ban quản lý dự án (14 đảng viên), Chi bộ Ban quản lý dự án sự nghiệp đường bộ (8 đảng viên). Từ năm 2011-2013, Đảng bộ liên tục đạt trong sạch vững mạnh. Năm 2014, đạt Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tiêu biểu trong công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2010-2015 là công tác phát triển đảng viên mới với 21 quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng, vượt 57,1% chỉ tiêu so với Nghị quyết đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra.
Về xây dựng các tổ chức quần chúng. Tháng 10-2011, Đại hội công đoàn Ngành Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2011-2016 được tổ chức với sự tham gia của gần 500 đoàn viên công đoàn. Đại hội đã bầu Ban chấp hành công đoàn Sở gồm 15 đồng chí. Đồng chí Đào Kiên Cường, phó Giám đốc Sở tiếp tục được bầu giữ chức vụ Chủ tịch. Đồng chí Nguyễn Tiến Tùng được bầu giữ chức vụ Phó chủ tịch Công đoàn Ngành.
Đến năm 2015, toàn Ngành có 522 đoàn viên công đoàn, 140 đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, 17 hội viên Cựu chiến binh. Từ năm 2011-2015, các tổ chức quần chúng đều liên tục đạt tiêu chuẩn vững mạnh.
Ngày 29-6-2015, Đại hội Đảng bộ Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020 được tổ chức. Tham dự Đại hội có 70 đồng chí đảng viên sinh hoạt ở 6 chi bộ trực thuộc. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm 9 đồng chí.Ban Thường vụ gồm 3 đồng chí, do đồng chí Ma Trương Thiêm, Giám đốc Sở giữ chức vụ Bí thư. Đồng chí Đặng Quang Hùng, phó Giám đốc Sở giữ chức vụ phó Bí thư. Đồng chí Dương Hoàng Ngân, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính giữ chức vụ uỷ viên.
Từ những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan và các tổ chức quần chúng, hàng năm, toàn ngành có hàng trăm tập thể, cá nhân được khen thưởng, biểu dương, được tặng cờ thi đua, bình bầu là tập thể lao động xuất sắc, chiến sĩ thi đua. Riêng năm 2014, Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn được tặng cờ thi đua của Bộ Giao thông vận tải, được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen. 134 tập thể, cá nhân được Uỷ ban nhân dân Tỉnh và Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh được tặng Bằng khen, giấy khen, tập thể lao động xuất sắc, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp sở v.v..
Sau gần 20 năm tái lập tỉnh Bắc Kạn (1997-2015) dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự giúp đỡ của Trung ương, các ban, ngành đoàn thể và nhân dân trong tỉnh, Ngành giao thông Bắc Kạn đã từng bước kiện toàn, xây dựng cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể vững mạnh, có số lượng hợp lý, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất cách mạng ngày càng cao. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của chi bộ, Đảng bộ và Ban giám đốc, cán bộ, công nhân, viên chức Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn luôn luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu đã cơ bản hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ: Khôi phục, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng bảo đảm giao thông thông suốt, liên tục trong mọi tình huống; các lĩnh vực vận tải hàng hoá, hành khách phát triển mạnh mẽ, thoả mãn nhu cầu giao lưu kinh tế - xã hội và sự đi lại của nhân dân. Bước đầu, Ngành đã tham mưu đắc lực cho Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân trên các lĩnh vực: quy hoạch, kế hoạch đầu tư và phát triển, quản lý và khai thác hệ thống giao thông trên địa bàn. Đồng thời thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về giao thông vận tải, góp phần quan trọng và xứng đáng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Ngành Giao thông vận tải tỉnh cũng còn một số mặt tồn tại hạn chế như: Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức chưa đồng đều; Một bộ phận cán bộ, công nhân, viên chức chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao; Nguồn vốn đầu tư cho Ngành còn nhiều hạn chế; Các trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện còn nhiều yếu kém đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá các công trình giao thông vận tải trong tỉnh.
Song, với những thành tích đạt được sau gần 20 năm tái lập tỉnh, Ngành giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý (số liệu năm 2014):
- 1 Huân chương Lao động hạng Ba (Công ty cổ phần quản lý giao thông và xây dựng Bắc Kạn).
- 12 cờ của Chính phủ
- 18 cờ của Bộ giao thông vận tải
- 20 cờ của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
- Hàng trăm Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ của Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân tỉnh. Trong đó, đồng chí Phạm Hồng Lượng nguyên Giám đốc Sở, đồng chí Lăng Văn Hoà nguyên Giám đốc Sở, đồng chí Đào Kiên Cường phó Giám đốc Sở, đồng chí Đặng Quang Hùng phó Giám đốc Sở, đồng chí Nguyễn Trọng Vũ nguyên Giám đốc Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ Bắc Kạn, đồng chí Trần Đức Duống nguyên Trưởng phòng Hành chính tổng hợp được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Phấn khởi, tự hào với những thành tích đã đạt được và những phần thưởng được Đảng, Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải trao tặng, cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức Ngành Giao thông vận tải càng tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Ngành, góp phần tích cực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá Ngành Giao thông vận tải tiến tới mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Trải qua 70 năm, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn đã từng bước được xây dựng, phát triển và trưởng thành, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngành Giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và hy sinh đã luôn luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng, Do lập được nhiều thành tích xuất sắc trong bảo đảm giao thông vận tải, thông tin liên lạc và tiêu thổ kháng chiến, phá giao thông, phục vụ kháng chiến, nhân dân các dân tộc trong tỉnh và Ngành Giao thông vận tải Bắc Kạn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi, biểu dương "Đồng bào Bắc Kạn hăng hái sửa đường". Nhân dịp chiến thắng Biên giới năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào Cao - Bắc - Lạng, trong đó Người đã nhấn mạnh "Đặc biệt nêu cao công lao của phụ nữ Cao - Bắc - Lạng đã không quản xa xôi, trèo đèo, lội suối, ăn đói nằm sương đã thi đua làm việc sửa đường vận tải giúp đỡ bộ đội". Cuối tháng 3-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác đã tặng lực lượng thanh niên xung phong đang làm đường ở xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông 4 câu thơ:
"Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và nấp biển
Quyết chí ắt làm nên"
Từ nguồn sức mạnh của nhân dân và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngành giao thông vận tải và lực lượng giao thông vận tải nhân dân Bắc Kạn đã hăng hái xung phong bảo đảm giao thông vận tải, thông tin liên lạc, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với sự phát triển về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức lực lượng của Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn cũng từng bước được xây dựng, phát triển ở các cấp và rộng khắp trong toàn dân. Trong quá trình đó, Ngành Giao thông vận tải Bắc Kạn đã phát huy mạnh mẽ truyền thống "Mở đường thắng lợi" của Ngành, kiên cường, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, tham mưu và tổ chức các lực lượng khôi phục, xây dựng hệ thống giao thông vận tải đường liên tỉnh, liên huyện, hệ thống giao thông nông thôn, phát triển các phương tiện vận tải phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho tiền tuyến. Những kết quả đó đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn tiếp tục được củng cố, xây dựng và phát triển mạnh mẽ đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ củng cố, xây dựng hệ thống giao thông vận tải, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trong chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, bước đầu đáp ứng các yêu cầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.
Từ ngày tái lập tỉnh, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn ngày càng trưởng thành và lớn mạnh, có cơ cấu tổ chức cân đối, số lượng, chất lượng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ công nhân, viên chức và trang thiết bị, máy móc chuyên dùng ngày càng được tăng cường. Nhờ vậy, bộ mặt giao thông vận tải ở Bắc Kạn ngày càng có nhiều chuyển biến rõ nét:
Đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, đường giao thông nông thôn từng bước được quy hoạch tổng thể và hoàn thiện. Phương tiện vận tải và các loại phát triển nhanh theo cơ chế thị trường, thoả mãn nhu cầu giao lưu kinh tế - xã hội và đi lại của nhân dân.
Công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải không ngừng được tăng cường và hoạt động có hiệu quả. Ngành đã khảo sát và tham mưu cho tỉnh quy hoạch tổng thể giao thông vận tải Bắc Kạn đến năm 2030. Tổ chức thực hiện các dự án giao thông vận tải đúng kế hoạch, tiết kiệm, an toàn về người và cơ sở vật chất. Công tác bảo đảm an toàn giao thông được triển khai, thực hiện đồng bộ, toàn diện trên tất cả các nội dung: điều tiết, phân luồng tuyến, giải toả lấn chiếm; phòng chống lụt bão, đồng thời tích cực phối hợp với các Ban, Ngành, đoàn thể tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, xử lý vi phạm luật giao thông nhằm bảo vệ hệ thống giao thông vận tải và hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông.
Trong xây dựng Ngành, công tác xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan thường xuyên được đẩy mạnh và thực hiện nghiêm túc từ kiện toàn, sắp xếp, bồi dưỡng đào tạo cán bộ, đảng viên nâng cao phẩm chất cách mạng, bản chất giai cấp công nhân đến chất lượng công tác quản lý, điều hành, chuyên môn, kỹ thuật và nghiệp vụ.
Với những thành tích to lớn đạt được trong 70 năm qua, Ngành Giao thông vận tải đã có nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được Đảng, Nhà nước và các cấp tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương lao động, 500 Huân chương, Huy chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hạng Nhất, Nhì, hạng Ba; hơn 20 cờ thưởng luân lưu của Chính phủ, Bộ giao thông vận tải, của Uỷ ban nhân dân tỉnh và hàng nghìn Bằng khen, Giấy khen của Chính phủ, Bộ giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh.
Từ những kết quả đạt được và những mặt còn hạn chế trong xây dựng và trưởng thành, Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là: Thường xuyên học tập, quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ đó vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện cụ thể của địa phương để xây dựng những kế hoạch tham mưu, các biện pháp, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, sử dụng các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực sẵn có thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng.
Hai là: Tích cực chăm lo củng cố, xây dựng tổ chức Đảng, bộ máy cơ quan, các tổ chức đoàn thể vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là những cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, công đoàn viên có phẩm chất đạo đức cách mạng, có trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ giỏi.
Ba là: Quán triệt tốt tư tưởng "Lấy dân làm gốc", thường xuyên chăm lo, xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng mối liên hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân và Ngành giao thông vận tải.
Bốn là: Nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, gắn chặt với mục tiêu: cơ sở hạ tầng giao thông phải đi trước một bước nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn của tỉnh.
Với chặng đường lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những thành tựu đạt được của Ngành giao thông vận tải thật vẻ vang và tự hào, có nhiều mặt thành công to lớn, có những mặt chưa thành công, song đây thực sự là những cơ sở và tiền đề có giá trị to lớn giúp cho Ngành giao thông vận tải Bắc Kạn vững bước đi trên con đường đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, góp phần xứng đáng thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.
[1]; [2] Đại Nam nhất thống trí, tập 4, NXB khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, trang 146, 147
[3] Ngày 6-11-1984, Hội đồng bộ trưởng ra Quyết định số 144/HĐ-BT đổi tên huyện Chợ Rã thành huyện Ba Bể thuộc tỉnh Cao Bằng
[4] ngày 11/3/2015, thành phốBắc Kạn được thành lập theo Nghị định số 892/NQ-UBTUQH13 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
[5] 1 dặm = 450m - Từ điển Bách Khoa quân sự ViệtNam - NXB QĐND, năm 2004
[6] - Trước và sau Cách Mạng Tháng Tám gọi là Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời.
- Từ tháng 2-1946 gọi là Uỷ ban hành chính.
- Tháng 3-1946 có thêm Uỷ ban bảo vệ trong cả nước.
- Tháng 11-1946, Uỷ ban bảo vệ đổi tên gọi là Uỷ ban kháng chiến.
- Tháng 10-1947, Uỷ ban kháng chiến và Uỷ ban bảo vệ hợp nhất thành Uỷ ban kháng chiến kiêm hành chính.
- Tháng 3-1948, bỏ từ “kiêm”.
- Tháng 3-1948 cấp trên cấp xã, dưới cấp tỉnh nhất luật gọi là cấp huyện.
[7] Từ tháng 2-1983, các Ty giao thông vận tải đổi tên gọi là Sở giao thông vận tải.