Skip Ribbon Commands
Skip to main content

KẾ HOẠCH

Triển khai thực hiện Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Sở GTVT Bắc Kạn, năm 2019

Căn cứ Quyết định số 831/QĐ-UBND ngày 09/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 477/KH-UBND ngày 07/11/2018 của UBND tỉnh về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018-2019;

Sở GTVT Bắc Kạn xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2019, với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU.

1. Mục đích

Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm và công tác chỉ đạo trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm góp phần cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của ngành năm 2019, góp phần cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Bắc Kạn.

Xây dựng chính quyền điện tử nhằm từng bước góp phần công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; tích cực tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương án cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải.

2. Yêu cầu

Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp để duy trì, cải thiện nâng cao chất lượng các chỉ số thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của các phòng, ban, đơn vị trong ngành; tập trung đẩy mạnh khai thác, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, giải quyết thủ tục hành chính với nhà đầu tư, doanh nghiệp để giảm thiểu tối đa các chi phí phát sinh về thời gian, tài chính của nhà đầu tư, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính tại Sở GTVT.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP.

1. Cải thiện chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”:

- Tăng cường sự phối hợp thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

- Chủ động rà soát, cập nhật các thủ tục hành chính, công bố công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, biểu mẫu trên cổng thông tin điện tử, website của đơn vị để doanh nghiệp có thể tra cứu, tham khảo, tải về, điền thông tin theo yêu cầu. Nghiên cứu sử dụng thống nhất các ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa, đảm bảo giải quyết nhanh chóng các TTHC và nhu cầu tra cứu thông tin cho doanh nghiệp và người dân.

- Thường xuyên đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng, văn hóa ứng xử, mức độ am hiểu trình tự thủ tục hành chính, luật pháp liên quan của cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa, đồng thời lựa chọn cán bộ làm việc tốt, có trách nhiệm và kinh nghiệm hướng dẫn, giải đáp để thực hiện các giao dịch với doanh nghiệp.

2. Cải thiện chỉ số “Tiếp cận đất đai”:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, đặc biệt là các quy định về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận đất đai khi tham gia thi công dự án.

- Thường xuyên phối hợp rà soát, tham mưu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các dự án.

3. Cải thiện chỉ số “Tính minh bạch”:

- Công khai, minh bạch, phổ biến các tài liệu của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất, quy hoạch ngành. Đồng thời, công khai thông tin về cán bộ chịu trách nhiệm giải thích, hướng dẫn, tiếp nhận và phản hồi những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của đơn vị. Thiết lập và công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận các phản ánh của doanh nghiệp về việc sử dụng các dịch vụ công do đơn vị thực hiện.

- Thực hiện công khai thông tin mời thầu các dự án theo đúng quy định. Tăng cường áp dụng thực hiện công tác đấu thầu qua mạng; tiếp tục tổng hợp, cập nhật định kỳ các tài liệu quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, sản phẩm; bộ thủ tục hành chính của ngành, công khai minh bạch các chính sách hỗ trợ với cộng đồng doanh nghiệp về quy hoạch, kế hoạch, thủ tục hành chính; tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…

- Nghiên cứu phương án chấm điểm cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

4. Cải thiện chỉ số “Chi phí thời gian”:

- Rà soát giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính để có bước đột phá trong giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, đảm bảo cải cách hành chính mang lại hiệu quả thiết thực và sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

- Công bố, niêm yêt công khai quy trình giải quyết các thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, cắt giảm số lượng, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; Công bố, niêm yết công khai phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính.

5. Cải thiện chỉ số “Chi phí không chính thức”:

- Phối hợp chặt chẽ, thống nhất chương trình thanh tra hàng năm đối với doanh nghiệp, giảm phiền hà và gánh nặng thanh tra, kiểm tra cho doanh nghiệp; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp theo đúng các văn bản chỉ đạo của tỉnh. Công khai kế hoạch thanh, kiểm tra hàng năm đối với doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua phần mềm một cửa, một cửa liên thông, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích; tăng cường công tác tuyên truyền về phần mềm một cửa, một cửa liên thông, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để tổ chức, cá nhân biết, đến giao dịch.

- Chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân của cán bộ, công chức. Xây dựng kênh thông tin tiếp nhận ý kiến phản hồi của doanh nghiệp về tố cáo hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp

- Thường xuyên tuyên truyền, quán triệt các văn bản về phòng chống tham những cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan; Thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm trong giải quyết công việc.

6. Cải thiện chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng”

- Tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trong quá trình tiếp xúc, trao đổi giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, công bằng giữa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; Chủ động đề xuất cắt giảm thủ tục không cần thiết trong các lĩnh vực để tránh tình trạng gây phiền hà, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tổ chức hoạt động hiệu quả các bộ phận một cửa nhằm cung cấp thông tin và thực hiện các dịch vụ công, tạo sự thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính cho các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Công bố công khai thủ tục hành chính, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư... trên trang website, bộ phận một cửa của Sở. Thực hiện đúng quy định của nhà nước về hoạt động đấu thầu bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả.

- Tham mưu UBND tỉnh giải quyết kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chủ động đề xuất UBND tỉnh cơ chế, chính sách linh hoạt và giải pháp tháo gỡ trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

7. Cải thiện chỉ số “Tính năng động”:

- Tích cực tham mưu UBND tỉnh giải quyết một cách sáng tạo, năng động đối với những vấn đề phát sinh mới, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và cản trở doanh nghiệp.

- Triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp với sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền.

- Chủ động thực hiện có hiệu quả các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh đối với các lĩnh vực có liên quan đến hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Chủ động tham mưu đề xuất kiến nghị Trung ương xem xét, sửa đổi, giải quyết trong thời gian sớm nhất tạo thuận lợi doanh nghiệp triển khai dự án, kế hoạch sản xuất kinh doanh. Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp chỉ đạo nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, thường xuyên tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, giải quyết đối với các nội dung vượt thẩm quyền. Kiểm tra thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính đối với các cơ quan, đơn vị theo chức năng, thẩm quyền. Định kỳ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phong phú để lắng nghe ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, qua đó xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

8. Cải thiện chỉ số  “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”:

Phối hợp tổ chức hiệu quả các hội chợ thương mại, xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh; tiếp tục kiện toàn, trang bị dịch vụ hỗ trợ trực tuyến trên website của cơ quan nhằm tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc nhanh chóng, hiệu quả. Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu cho người dân, doanh nghiệp; thường xuyên tuyên truyền, rèn luyện tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhất là tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp.

9. Cải thiện chỉ số “Đào tạo lao động”:

Phối hợp thực hiện tốt Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tăng cường phối hợp thực hiện các giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề với tư vấn, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động mất việc làm do ảnh hưởng suy thoái kinh tế hoặc chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm theo quy định.

10. Cải thiện chỉ số “Thiết chế pháp lý”:

- Thực hiện cơ chế giám sát và kiểm tra định kỳ để đảm bảo mọi phản ánh, khiếu kiện của doanh nghiệp, người dân đều được ghi nhận, giải quyết kịp thời và trả lời cho doanh nghiệp. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Xây dựng kênh thông tin tiếp nhận ý kiến phản hồi của doanh nghiệp về tố cáo hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp

- Đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn để nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, cụ thể hóa các nội dung và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này. Đồng thời theo dõi, giám sát, đôn đốc các bộ phận liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung chương trình, kế hoạch đã đề ra.

2. Giao Văn phòng Sở theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện cho lãnh đạo Sở và Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư); kiến nghị, đề xuất các biện pháp cần thiết bảo đảm Kế hoạch được thực hiện đồng bộ và hiệu quả./.

Tác giả: 
Nguồn:  Văn phòng Sở
Sign In
Chung nhan Tin Nhiem Mang